Trẻ dưới 06 tuổi là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng. So với các đối tượng khác, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi mang tính đặc thù. Thủ tục đăng ký thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi có thể được thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú theo hướng dẫn dưới đây của Codon.vn.
Làm thẻ BHYT cho trẻ sơ sinh ở đâu? Tìm hiểu thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi
Theo giải thích tại Mục 3.5, Khoản 3, Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH/2017, trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách nhà nước đóng BHYT bao gồm:
- Trẻ em cư trú trên địa bàn.
- Kể cả trẻ em là thân nhân của người trong quân đội, công an theo Khoản 11, Điều 1, Quyết định 505/QĐ-BHXH/2020, không phân biệt hộ khẩu thường trú.
Để nắm bắt, so sánh mức đóng phí BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi với các đối tượng khác trong xã hội, mời bạn đọc tham khảo bài nội dung bài mức đóng BHYT người lao động, học sinh, sinh viên, hộ gia đình năm 2022
Căn cứ vào Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT, địa điểm làm thẻ BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi được xác định như sau:
- UBND cấp xã: Nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ yêu cầu thực hiện thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, đăng ký bảo hiểm y tế.
- Cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú: Nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện thủ tục liên thông.
Thủ tục cấp thẻ BHYT cho trẻ sơ sinh được thực hiện liên thông với đăng ký thường trú, đăng ký khai sinh hoặc liên thông giữa cấp thẻ BHYT với đăng ký khai sinh.
* Hồ sơ đề nghị:
Tùy vào thủ tục hành chính liên thông mà hồ sơ đề nghị cũng có sự khác nhau. Tại Điều 6, 7 Thông tư liên tịch số 05 liệt kê các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký khai sinh. (Mẫu theo Thông tư 04/2020/TT-BTP).
- Giấy chứng sinh (nếu sinh tại cơ sở y tế) hoặc văn bản xác nhận của người làm chứng/Giấy cam đoan về việc sinh là có thực (nếu sinh ngoài cơ sở y tế) hoặc biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi (nếu trẻ em bị bỏ rơi).
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; sổ hộ khẩu
+ Trước đây Phiếu báo được sử dụng theo mẫu HK02 Thông tư 36/2014/TT-BCA, hiện nay đã hết hiệu lực => Giấy tờ này hiện nay không bắt buộc;
+ Trường hợp liên thông thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký cấp thẻ BHYT thì không có 02 loại giấy tờ này.
- Tờ khai tham gia BHYT (mẫu TK1-TS Quyết định 505/QĐ-BHXH/2020).
Lưu ý: Các mẫu tờ khai có thể được cán bộ hộ tịch tại UBND cấp xã cung cấp khi người yêu cầu đến trụ sở.
- Thông thường, việc đăng ký BHYT cho trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện liên thông với việc xin giấy khai sinh, đăng ký hộ tịch tại cơ quan tư pháp. Để có thể hiểu rõ về mục đích, nguyên tắc, phương thức đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật Việt Nam, bạn đọc có thể bấm xem thêm thông tin trên wikipedia.org qua bài viết này.
Làm bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh cần những gì? Cập nhật thủ tục đăng ký thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi
* Trình tự thực hiện:
Bước 1: Trực tiếp hoặc ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ tại UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Bước 2: Công chức tư pháp hộ tịch tiếp nhận hồ sơ và thực hiện:
- Hướng dẫn người yêu cầu lựa chọn, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu trên cơ sở danh sách do cơ quan BHXH cấp huyện niêm yết tại trụ sở UBND.
- Viết giấy nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
- Đăng ký khai sinh trong ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (nếu sau 15 giờ thì đăng ký trong ngày tiếp theo làm việc).
- Lập hồ sơ cấp thẻ BHYT: Tờ khai tham gia (tờ khai do người yêu cầu nộp); danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT.
- Chuyển hồ sơ cấp thẻ BHYT cho cơ quan BHXH cấp huyện (có thể chuyển trước thông tin qua mạng điện tử).
Bước 3: Cơ quan BHXH cấp huyện tiếp nhận hồ sơ và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi.
- Kể từ ngày đủ hồ sơ hợp lệ từ UBND cấp xã, Cơ quan BHXH có 10 ngày làm việc để cấp thẻ BHYT cho trẻ và chuyển về UBND cấp xã.
- Hiện nay, việc đăng ký BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi theo hình thức trực tuyến chưa được triển khai rộng rãi.
- Việc đăng ký BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi online chỉ có thể được thực hiện qua các phần mềm kê khai BHXH điện tử như eBH, EFY,...và phải có gói tài khoản của các phần mềm này, sử dụng chữ ký số,..
Điều này dẫn đến thủ tục đăng ký BHYT phức tạp hơn và phải mất phí sử dụng.
Do đó, thủ tục đăng ký BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi trực tiếp được khuyến khích áp dụng.
Kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thời gian tối đa giải quyết việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, đăng ký BHYT cho trẻ là 20 ngày làm việc.
+ Nếu không đăng ký thường trú thì tối đa là 15 ngày làm việc.
Lưu ý:
- Địa phương có thể quy định thời gian giải quyết ngắn hơn.
- Có thể kéo dài thêm tối đa 05 ngày làm việc nếu trụ sở UBND cấp xã cách xa cơ quan BHXH cấp huyện tối thiểu 50km, đi lại khó khăn, chưa được kết nối internet.
Sau khi được cấp thẻ BHYT, cha, mẹ, người giám hộ có thể theo dõi quá trình tham gia BHYT của con bằng cách đăng ký tài khoản trên ứng dụng VssID. Chi tiết điều kiện, quy trình các bước thực hiện, bạn đọc có thể xem tại bài viết cách tra cứu BHYT hộ gia đình của Codon.vn.
So với các đối tượng khác, trẻ dưới 6 tuổi có mức hưởng BHYT đặc biệt hơn. Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 183 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về mức hưởng như sau:
+ 100% chi phí khám chữa bệnh.
+ Không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 35/2016/TT-BYT và Thông tư 30/2018/TT-BYT.
Mức hưởng BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cùng tuyến, trái tuyến
Lưu ý: Mức hưởng này áp dụng đối với trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến, bạn đóc có thể xem trong bài chia sẻ mức thanh toán bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh trái tuyến để có thêm thông tin.
Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trẻ em dưới 06 tuổi khi khám chữa bệnh cần:
- Đến cơ sở khám chữa bệnh và xuất trình thẻ BHYT.
- Nếu chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình bản sao Giấy khai sinh/Giấy chứng sinh.
- Nếu phải điều trị ngay khi sinh, chưa có giấy chứng sinh: Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh và cha, mẹ, người giám hộ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án.
Trẻ dưới 06 tuổi là đối tượng đặc biệt được hưởng chính sách BHYT từ phía nhà nước. Vì thế cha, mẹ, người giám hộ của bé cần nắm được thủ tục đăng ký thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và mức hưởng BHYT theo quy định của pháp luật để đảm bảo các quyền lợi bảo hiểm tốt nhất cho con em mình.