Mức đóng BHYT đối với người lao động, học sinh, sinh viên, hộ gia đình

Mức đóng BHYT của người lao động, học sinh, sinh viên, hộ gia đình năm 2022

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe, được hầu hết mọi người tham gia. Vậy mức đóng BHYT theo quy định hiện hành là như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau để biết thêm chi tiết.

muc dong bhyt

Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động, học sinh, sinh viên, hộ gia đình năm 2022

Mục Lục bài viết:
1. Đối tượng tham gia BHYT.
2. Mức đóng BHYT.
2.1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
2.2. Nhóm do tổ chức BHXH đóng.
2.3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
2.4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
2.5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (BHYT tự nguyện).
3. Mức đóng BHYT trong trường hợp đặc biệt.
4. Mức hưởng BHYT.
5. Thủ tục hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh.
6. Những câu hỏi thường gặp.
6.1. Đã đóng BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, khi đi làm công ty có phải đóng BHYT nữa không?
6.2. Nghỉ thai sản có được đóng BHYT không?
6.3. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của sinh viên.

* Danh mục từ viết tắt:

- BHYT: Bảo hiểm y tế

- BHXH: Bảo hiểm xã hội

- NLĐ: Người lao động

- NSDLĐ: Người sử dụng lao động

- HĐLĐ: Hợp đồng lao động

- KCB: Khám chữa bệnh

1. Đối tượng tham gia BHYT

Lưu ý: Bảo hiểm y tế (BHYT) là loại hình bảo hiểm của nhà nước sử dụng để bảo hiểm một phần hoặc toàn bộ rủi ro về chi phí y tế cho một cá nhân. Chi tiết định nghĩa, đặc điểm, chức năng của BHYT đã được wikipedia.org tổng hợp, bạn đọc có thể click vào bài viết này để tìm hiểu thêm.

Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, những người tham gia BHYT được chia thành các nhóm như sau:

Nhóm 1: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng

Nhóm này gồm:

- NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là NLĐ);

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Nhóm 2: Do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng

Nhóm này gồm:

- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng;

- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

muc dong bhyt 2

Chi tiết nhóm đối tượng không bắt buộc, bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014

Nhóm 3: Do ngân sách nhà nước đóng

Nhóm này gồm:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công an... những người làm việc tại lực lượng vũ trang, học viên trường quân đội, công an và thân nhân của họ;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;

- Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;

- Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;

- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;

- Trẻ em dưới 6 tuổi;

- Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;

- Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

- Thân nhân của người có công với cách mạng;

- Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.

Nhóm 4: Được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng

Nhóm này gồm

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

- Học sinh, sinh viên.

Nhóm 5: Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Nhóm này gồm những người thuộc hộ gia đình, không thuộc các đối tượng đã được liệt kê tại 4 nhóm trên

Trong các nhóm đối tượng ở trên, có 5 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia và 2 nhóm đối tượng không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế. Nếu là học sinh, sinh viên và muốn tìm hiểu xem mình thuộc đối tượng đóng BHYT nào thì bài viết BHYT học sinh có bắt buộc không để tìm câu trả lời.

2. Mức đóng BHYT

2.1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng

- Đối với NLĐ làm việc tại các công ty

muc dong bhyt 3

Ví dụ: NLĐ làm việc theo HĐLĐ tại công ty, tiền lương tháng là 5 triệu đồng. NLĐ hàng tháng sẽ đóng 1.5% x 5 triệu = 75.000 đồng tiền BHYT, đồng thời công ty sẽ đóng 3% x 5 triệu = 150.000 đồng tiền BHYT cho người này.

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

muc dong bhyt 4

Ví dụ:

Với mức lương cơ sở hiện là 1.490.000 đồng/tháng. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn sẽ đóng BHYT hàng tháng là 1.5% x 1.490.000 đồng = 22.350 đồng/tháng. UBND xã sẽ đóng 3% x 1.490.000 đồng = 44.700 đồng/tháng cho người này.

2.2. Nhóm do tổ chức BHXH đóng

- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng: 4.5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động.

- Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; và Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng: 4.5% mức lương cơ sở.

- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: 4.5% tiền trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ:

Trường hợp một người đang được hưởng lương hưu hàng tháng là 5 triệu đồng, mỗi tháng người này được đóng 4.5 % x 5 triệu = 225.000 đồng tiền BHYT. Và số tiền đóng BHYT này sẽ do tổ chức BHXH đóng.

2.3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ;...: 4.5% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 4.5% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí;

- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam: 4.5% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;

- Những đối tượng còn lại thuộc nhóm này: 4.5% mức lương cơ sở.

Ví dụ:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được nhận tiền lương tháng là 7 triệu đồng. Hàng tháng những người này được đóng BHYT với mức 4.5% x 7 triệu = 315.000 đồng tiền BHYT, số tiền này do ngân sách nhà nước đóng.

2.4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng

Mức đóng tối đa bằng 4.5% mức lương cơ sở (4.5% x 1.490.000 đồng = 67.050 đồng/tháng, 804.600 đồng/năm) do đối tượng tự đóng, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.

Ví dụ:

Học sinh, sinh viên được nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT 30%. Theo đó, hàng tháng học sinh, sinh viên chỉ cần đóng 70% mức đóng BHYT như quy định.

Cụ thể là 70% x 67.050 đồng = 46.935 đồng/tháng, tương đương 46.935 đồng x 12 tháng = 563.220 đồng/năm.

2.5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (BHYT tự nguyện)

Mức đóng tối đa bằng 4.5% mức lương cơ sở.

Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể mức đóng tối đa như sau:

- Người thứ nhất: 4.5% mức lương cơ sở;

- Người thứ hai: 70% x 4.5% mức lương cơ sở;

- Người thứ 3: 60% x 4.5% mức lương cơ sở;

- Người thứ 4: 50% x 4.5% mức lương cơ sở;

- Từ người thứ 5 trở đi: 50% x 4.5% mức lương cơ sở.

Ví dụ:

Trong gia đình tham gia BHYT tự nguyện, người đầu tiên đóng là người chồng, sau đó là vợ.

- Chồng là người đầu tiên đóng BHYT tự nguyện

Mức đóng sẽ bằng 4.5% x 1.490.000 đồng = 67.050 đồng/tháng, tương đương 804.600 đồng/năm.

- Người vợ là người thứ 2 tham gia BHYT, mức đóng bằng 70% x 67.050 đồng/tháng = 46.935 đồng/tháng, tương đương 563.220 đồng/năm.

Tương tự, luật bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định mức đóng, tỷ lệ đóng bảo hiểm của từng đối tượng người lao động và người sử dụng lao động. Bạn đọc có thể tìm hiểu mức đóng BHXH bắt buộc để dễ dàng so sánh số tiền cần đóng của 2 loại hình bảo hiểm này.

3. Mức đóng BHYT trong trường hợp đặc biệt

3.1. Một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT

Một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT => Đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.

muc dong bhyt 5

Mức đóng bảo hiểm y tế 2022 cho các trường hợp đặc biệt

Ví dụ

- Một người vừa thuộc hộ gia đình cận nghèo (Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng), vừa là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo hợp đồng lao động xác định thời hạn (Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng).

- Theo đó xác định thứ tự đối tượng theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:

"Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

....

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

b) Học sinh, sinh viên"

=> Như vậy, người này sẽ tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng vì có thứ tự đầu tiên theo quy định Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.

3.2. NLĐ cùng tham gia nhiều HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên cùng một lúc

Trường hợp này NLĐ cùng có nhiều HĐLĐ cùng lúc thì sẽ đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.

Ví dụ:

Anh A hiện đang cùng lúc tham gia 2 HĐLĐ có thời hạn 02 năm ở 2 công ty khác nhau.

Hợp đồng với công ty X có mức lương 8 triệu đồng/tháng, hợp đồng với công ty Y có mức lương 9 triệu đồng/tháng. Trường hợp này, anh A đóng BHYT theo hợp đồng tại Công ty Y có mức lương 9 triệu đồng/tháng.

3.3. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc nhiều đối tượng

Trường hợp những người này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo thứ tự: do tổ chức BHXH đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.

4. Mức hưởng BHYT

4.1. Khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến

* Mức hưởng 100% chi phí KCB

- KCB tại tuyến xã;

- Chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện tại thấp hơn 223.500 đồng);

- Người bệnh có 2 điều kiện sau:

+ Thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên;

+ Và số tiền chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng (6 tháng lương cơ sở)

- Trẻ em dưới 6 tuổi;

- Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;

- Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;

- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

- Hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, ...

muc dong bhyt 6

Chi tiết mức hưởng BHYT 2022 khi khám, chữa bệnh

* Mức hưởng 95% chi phí KCB trong các trường hợp:

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng

- Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ trường hợp là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

* Mức hưởng 80% chi phí KCB

- Người lao động;

- Người tham gia BHYT tự nguyện hộ gia đình;

- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

- Học sinh, sinh viên;

- Các đối tượng khác chưa được liệt kê.

4.2. Khi đi khám chữa bệnh trái tuyến

Mức hưởng = Mức hưởng BHYT khi KCB đúng tuyến x Tỷ lệ A

Tỷ lệ A được xác định như sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;

- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.

Chi tiết mức hưởng bảo hiểm y tế cho các đối tượng đã được Codon.vn chia sẻ trong nội dung bài viết chia sẻ mức hưởng BHYT mới nhất. Bạn đọc có thể tham khảo để có thêm nhiều thông tin khi sử dụng thẻ BHYT khám, chữa bệnh.

5. Thủ tục hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh

- Người đi KCB xuất trình thẻ BHYT có dán ảnh để được hưởng BHYT theo quy định. (Nội dung của vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo cách tính BHYT khi khám chữa bệnh đúng tuyến, trái tuyến.)

- Thẻ BHYT không dán ảnh thì phải xuất trình kèm CMND, CCCD, hộ chiếu, Giấy xác nhận của Công an xã hoặc thẻ sinh viên, giấy xác nhận của trường hoặc các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

- Trẻ em dưới 6 tuổi KCB: Chỉ cần xuất trình thẻ BHYT.

+ Nếu chưa có thẻ BHYT thì xuất trình giấy chứng sinh/giấy khai sinh (bản sao).

+ Nếu chưa có giấy chứng sinh mà cần điều trị ngay sau khi sinh thì cha, mẹ, người giám hộ hoặc giám đốc bệnh viện ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án.

- Người đang chờ cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT: Xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT.

6. Những câu hỏi thường gặp

6.1. Đã đóng BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, khi đi làm công ty có phải đóng BHYT nữa không?

Theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, thứ tự các đối tượng đóng BHYT được xác định như sau:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;

2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng;

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;

5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Nếu một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT, thì người này sẽ tiến hành đóng đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.

=> Theo đó, trường hợp người này đã tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình thì khi đi làm tại công ty vẫn phải đóng BHYT theo đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng (nhóm thứ 1). Người này có thể thông báo với đại lý thu BHYT về việc sẽ tham gia BHYT theo đối tượng khác.

6.2. Nghỉ thai sản có được đóng BHYT không?

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH thì trong thời gian lao động nữ nghỉ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, họ vẫn được cơ quan BHXH đóng BHYT.

Ngoài ra, thời gian này, công ty là lao động nữ nghỉ thai không phải đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

6.3. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của sinh viên

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì thời hạn sử dụng thẻ BHYT của sinh viên như sau:

- Sinh viên năm nhất: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;

- Sinh viên năm cuối: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Ngoài ra, người sử dụng có thể tiến hành tra cứu giá trị sử dụng thẻ bhyt theo hướng dẫn mà chúng tôi đã chia sẻ.

Trên đây là các thông tin về mức đóng BHYT theo quy định hành mà chuyên mục Bảo hiểm của Codon.vn muốn cung cấp đến bạn đọc. Hãy đọc, xem xét kỹ nội dung bài viết để hiểu và lựa chọn phương thức tham gia bảo hiểm y tế phù hợp, tiết kiệm nhất cho cá nhân, gia đình mình bạn nhé!

Bài liên quan