Tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không?

Tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không?

Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là quyền lợi của người lao động khi ký hợp đồng lao động. Vậy người lao động nhận tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không? Đây là thắc mắc của không ít người đang cần lời giải đáp. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của chuyên mục Bảo hiểm trang Codon.vn để biết câu trả lời.

tien luong thang thu 13 co tinh dong bhxh khong

Lương tháng 13 có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Tổng quan thông tin về tiền lương tháng thứ 13

Mục Lục bài viết:
1. Những khoản tiền tính đóng BHXH bắt buộc.
2. Tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không?
2.1. Hiểu đúng về tiền lương tháng 13.
2.2. Tiền lương tháng 13 có tính đóng BHXH?
3. Lương tháng 13 có đóng thuế TNCN không?

* Danh mục từ viết tắt:

- NLĐ, NSDLĐ: Người lao động, người sử dụng lao động.

- BHXH: Bảo hiểm xã hội.

- TNCN: Thu nhập cá nhân.

1. Những khoản tiền tính đóng BHXH bắt buộc

Căn cứ Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc gồm có các khoản sau:

- Mức lương theo công việc/chức danh.

- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.

- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên.

Chi tiết về các khoản này, mời bạn đọc xem thêm tại bài viết các khoản thu nhập tính đóng và không tính đóng BHXH bắt buộc

2. Tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không?

2.1. Hiểu đúng về tiền lương tháng 13

- Tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn không đề cập đến thuật ngữ "lương tháng 13". Cụm từ này được sử dụng nhiều trong thực tế cuộc sống, chỉ số tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động (Điều 104 Bộ luật Lao động).

- Tiền lương tháng 13 hay thưởng tết không phải là khoản tiền bắt buộc doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động. Tùy thuộc theo thỏa thuận và tình hình kinh doanh thực tế mà người lao động và công ty có thể trao đổi thêm về vấn đề này.

Trong quá trình làm việc cho doanh nghiệp, NLĐ được đảm bảo các chế độ bảo hiểm, khi đủ điều kiện thì có thể rút tiền BHXH. Cách lấy tiền BHXH một lần, tiền trợ cấp thất nghiệp được nêu trong bài viết, mời bạn đọc theo dõi.

2.2. Tiền lương tháng 13 có tính đóng BHXH?

- Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH (sửa khoản 3 Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH) có quy định:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản:

+ Các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến;

+ Tiền ăn giữa ca;

+ Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;...

- Đồng thời, theo hướng dẫn tại Công văn 560/LĐTBXH-BHXH năm 2018 có nêu rõ: tiền thưởng lương tháng thứ 13 không làm căn cứ để tính đóng bảo hiểm xã hội.

=> Như vậy, tiền lương tháng 13 không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Không chỉ lương tháng 13, tiền thưởng tết của NLĐ cũng không tính đóng BHXH bắt buộc.

tien luong thang thu 13 co tinh dong bhxh khong 2

Theo công văn 560/LĐTBXH-BHXH ngày 06/02/2018 thì tiền lương tháng 13 không phải tính đóng BHXH

3. Lương tháng 13 có đóng thuế TNCN không?

Tuy không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng liệu lương tháng 13 có đóng thuế TNCN hay không?

- Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

- Theo điểm e khoản 2 Điều này thì thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm cả các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền, thưởng bằng chứng khoán, chỉ trừ một số trường hợp tiền thưởng kèm theo bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương.

=> Từ đó có thể thấy, tiền lương tháng 13 là thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, câu hỏi tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng BHXH không đã có lời giải đáp. Thông qua đó, người lao động có thể chủ động nắm bắt được các quy định về đóng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Liên quan đến nội dung về bảo hiểm xã hội, mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết mức đóng BHXH bắt buộc mà chúng tôi đã chia sẻ.

Bài liên quan