Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu, tối đa áp dụng với người lao động làm công việc đơn giản trong điều kiện lao động bình thường hoặc người đã qua đào tạo học nghề có sự khác nhau. Những nội dung này được pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định chi tiết. Mời bạn đọc cùng chuyên mục Bảo hiểm của Codon.vn theo dõi bài viết sau.
Lương cơ bản có phải là lương đóng bảo hiểm không? Tìm hiểu quy định về mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/7/2022
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến mức lương đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ làm việc theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quy định.
Mức đóng BHXH bắt buộc hiện nay đã được quy định cụ thể. Căn cứ khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của NLĐ gồm có các khoản sau:
- Mức lương
Mức lương được trả theo công việc hoặc theo chức danh. Do NLĐ, NSDLĐ thỏa thuận dựa trên thang, bảng lương đã xây dựng hoặc tính trên thời gian làm việc.
- Phụ cấp lương
Phụ cấp lương do các bên thỏa thuận, gồm: các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
- Các khoản bổ sung khác
+ 2 bên sẽ thỏa thuận về các khoản bổ sung khác. Đó có thể là khoản xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương đã thỏa thuận và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Hoặc các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
+ Pháp luật hiện nay có quy định cụ thể về các khoản phụ cấp không phải đóng BHXH, bạn đọc có thể xem thêm để nắm thông tin.
Mức lương tối đa đóng BHXH? Mức lương đóng bảo hiểm xã hội năm 2022 cập nhật mới nhất
Căn cứ tiết 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì:
- NLĐ làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: tiền lương đóng BHXH tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng mới nhất => tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu của NLĐ làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường như sau:
+ Làm tại vùng I: 4.680.000 đồng/tháng
+ Làm tại vùng II: 4.160.000 đồng/tháng
+ Làm tại vùng III: 3.640.000 đồng/tháng
+ Làm tại vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng
- NLĐ làm công việc yêu cầu qua đào tạo, học nghề (lao động có bằng đại học, cao đẳng): cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể:
+ Làm tại vùng I: 5.007.600 đồng/tháng
+ Làm tại vùng II: 4.451.200 đồng/tháng
+ Làm tại vùng III: 3.894.800 đồng/tháng
+ Làm tại vùng IV: 3.477.500 đồng/tháng
- NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường.
- NLĐ làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường.
- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
- Mà mức lương cơ sở theo quy định hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng.
=> Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa = 20 x 1.490.000 = 29.800.00 đồng.
NLĐ có tiền lương cao hơn mức này thì cũng chỉ đóng BHXH bắt buộc với tối đa đã nêu trên.
Thông qua bài viết này bạn đọc đã nắm được quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu, tối đa. Đây là cơ sở để NLĐ kiểm tra, theo dõi về tiền lương đóng BHXH của mình như thế nào, để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được đảm bảo tối đa.
Liên quan đến nội dung về BHXH, bạn đọc có thể xem thêm bài viết người lao động không đóng BHXH bắt buộc có được không.