Phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên

Phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên

Nhà giáo, giáo viên, giảng viên đều là tên gọi nghề nghiệp được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều người vẫn đánh tráo các thuật ngữ này với nhau và sử dụng không chính xác. Để giúp người đọc hiểu đúng và sử dụng đúng, Blog Codon.vn sẽ chia sẻ cách phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên trong bài viết dưới đây.

phan biet nha giao giao vien giang vien

Nhà giáo là gì? Giảng viên và giáo viên có gì khác nhau?

Mục Lục bài viết:
1. Phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên.
1.1. Khái niệm nhà giáo trong Luật Giáo dục.
1.2. Giảng viên là gì? Các loại giảng viên.
1.3. Giáo viên là gì? Giáo viên được gọi là công chức hay viên chức?
1.4. Giảng viên khác giáo viên như thế nào?
2. Tiêu chí phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên.

1. Phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên.

1.1. Khái niệm nhà giáo trong Luật Giáo dục.

- Tại Luật Giáo dục năm 2005, Điều 70 giải thích "Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác".

- Tiếp thu và chỉnh sửa Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019 tại Điều 66 về vị trí, vai trò của nhà giáo cũng đưa ra nhận định "Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật này.". Như vậy, người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập được phép đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ không được gọi là nhà giáo.

- Người làm nhà giáo tùy thuộc vào các vị trí thì có các yêu cầu, tiêu chuẩn nghề nghiệp, trình độ khác nhau. Độc giả có thể tham khảo tại: Những bằng cấp, chứng chỉ giáo viên cần có để biết thêm chi tiết.

1.2. Giảng viên là gì? Các loại giảng viên.

- Giảng viên là nhà giáo dạy từ trình độ cao đẳng trở lên, vì vậy mới xuất hiện các thuật ngữ như giảng viên cao đẳng, giảng viên đại học,...

- Trước đây, tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, giảng viên là nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.

=> Như vậy, cách xác định giảng viên hiện nay dựa vào tiêu chí giảng dạy ở trình độ nào chứ không phải dạy ở địa điểm, cơ sở giáo dục nào.

- Nếu xét về chức danh giảng viên thì giảng viên gồm có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư.

1.3. Giáo viên là gì? Giáo viên được gọi là công chức hay viên chức?

- Giáo viên là nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), cơ sở giáo dục khác (nhóm trẻ độc lập, trung tâm giáo dục thường xuyên,..), giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp.

- Giáo viên được gọi là viên chức, là người làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ. Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ giáo viên các cấp hiện nay.

phan biet nha giao giao vien giang vien 2

Giáo viên là gì? Hướng dẫn phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên

1.4. Giảng viên khác giáo viên như thế nào?

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng, nhà giáo là cách gọi chung cho giáo viên và giảng viên. Trong đó, giáo viên là người dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học, trình độ sơ cấp, trung cấp; giảng viên là người dạy trình độ cao đẳng, đại học.

Sự khác nhau giữa giáo viên và giảng viên biểu hiện rõ ở vị trí, trình độ giảng dạy.

2. Tiêu chí phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên.

Lưu ý: Sự phân biệt dưới đây là sự phân biệt giữa giáo viên và giảng viên đại học.

(1) Về trình độ giảng dạy:

- Giáo viên: Mầm non, tiểu học, trung học, sơ cấp, trung cấp.

- Giảng viên: trình độ đại học.

(2) Thời gian làm việc trong năm học.

- Giáo viên: 42 tuần, tương ứng với các công tác cụ thể tùy theo từng cấp học.

- Giảng viên: 44 tuần, tương đương với 1.760 giờ hành chính.

(3) Nhiệm vụ:

- Giáo viên: Giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn bị năm học mới và kết thúc năm học.

- Giảng viên: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và các nhiệm vụ chuyên môn khác.

(4) Thời gian nghỉ hè trong năm.

- Giáo viên: 08 tuần (tính cả thời thời gian nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ luật lao động).

- Giảng viên: cao đẳng - 06 tuần (tính cả thời thời gian nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ luật lao động; đại học: do trường đại học quyết định và quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động.

Để hiểu thêm về tiêu chí này, độc giả tham khảo bài viết: Thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp

Việc phân biệt nhà giáo, giáo viên, giảng viên là cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh, tiêu chuẩn nghề nghiệp, chính sách áp dụng đối với từng đối tượng cụ thể.

Bài liên quan