Lương hưu là một khoản tiền được quỹ Bảo hiểm xã hội trả cho người lao động khi đáp ứng đủ điều kiện nghỉ hưu. Vậy người lao động phải đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng lương hưu? Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản pháp luật khác đã có quy định liên quan đến nội dung này. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau của chuyên mục Bảo hiểm trang Codon.vn để nắm thông tin chi tiết.
Đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu? Chi tiết điều kiện, cách tính lương hưu hiện nay
* Danh mục từ viết tắt:
- BHXH: Bảo hiểm xã hội.
- NLĐ: Người lao động.
- NSDLĐ: Người sử dụng lao động.
- GĐYK: giám định y khoa.
- KNLĐ: Khả năng lao động.
* Đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện
Theo Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đáp ứng các điều kiện:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
- Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Mức hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện đã được chúng tôi chia sẻ, mời bạn đọc theo dõi thêm.
* Đối với trường hợp tham gia BHXH bắt buộc
Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, điều kiện hưởng lương hưu với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
(1) Trường hợp thông thường.
- Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
- Thuộc 1 trong các trường hợp:
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động.
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo khoản 3 Điều 169 BLLĐ và có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại; hoặc 15 năm làm ở vùng đặc biệt khó khăn.
+ Nghỉ thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 BLLĐ và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
+ Bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
+ Các trường hợp khác.
(2) Trường hợp nghỉ hưu khi chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH, được hưởng lương hưu khi:
- Đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm và;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo khoản 2 Điều 169 BLLĐ.
Chi tiết về mức hưởng lương hưu với từng trường hợp, mời bạn đọc tham khảo cụ thể tại bài viết mức hưởng lương hưu
Từ quy định nêu tại mục 1 về điều kiện nhận lương lương, nhận thấy thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu chia làm 02 trường hợp: Đóng từ đủ 20 năm BHXH trở lên và trường hợp đóng dưới 20 năm BHXH. Cụ thể như sau:
- Đa số các trường hợp, người lao động phải đóng ít nhất là 20 năm BHXH (áp dụng cho cả đóng BHXH tự nguyện và bắt buộc) và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được nhận lương hưu. Người lao động có thể tiến hành tra cứu bảo hiểm xã hội để biết được số năm đóng bảo hiểm của mình.
- Những trường hợp đã đóng đủ 20 năm BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì có thể lựa chọn:
+ Tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc;
+ Không đóng BHXH nữa, bảo lưu thời gian đã đóng chờ đến tuổi nghỉ hưu.
- Trường hợp chưa đóng đủ 20 năm BHXH nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, có thể:
+ Đóng BHXH tự nguyện theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để nhận lương hưu. Lưu ý, áp dụng với trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), hoặc;
+ Rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Đóng bảo hiểm 20 năm có được hưởng lương hưu? Chi tiết thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu.
Người lao động đóng BHXH dưới 20 năm mà vẫn được hưởng lương hưu, cụ thể áp dụng với trường hợp Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có:
+ Thời gian đóng BHXH: từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng.
+ Đủ tuổi nghỉ hưu: Tuổi nghỉ hưu năm 2021 là đủ 55 tuổi 04 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
=> Kết luận: Thông thường, NLĐ phải đóng ít nhất đủ 20 năm BHXH thì mới được nhận lương hưu, đồng thời phải đáp ứng thêm điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Chỉ có duy nhất một trường hợp đóng BHXH dưới 20 năm vẫn được nhận lương hưu là: lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Thành phần hồ sơ nhận lương hưu được quy định tại tiết 1.2.2 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 như sau:
* Trường hợp đang tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị
Hồ sơ gồm có:
- Sổ BHXH.
- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt HĐLĐ hưởng chế độ hưu trí.
- Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK nếu nghỉ hưu do suy giảm KNLĐ (bản chính), hoặc;
Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (tương đương mức suy giảm KNLĐ 61%) đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (bản sao).
* Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện
Hồ sơ hưởng lương hưu cần chuẩn bị gồm có:
- Sổ BHXH.
- Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB.
- Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK nếu nghỉ hưu do suy giảm KNLĐ (bản chính), hoặc;
Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (tương đương mức suy giảm KNLĐ 61%) đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (bản sao).
- Nếu đang chấp hành hình phạt từ ngày 01/01/2016 trở đi thì có thêm Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB).
- Nếu đã chấp hành xong hình phạt tù giam từ 01/01/1995 - trước 01/01/2016 thì có thêm bản sao của một trong các giấy tờ sau:
Bản sao Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù hoặc giấy đặc xá tha tù trước thời hạn hoặc quyết định miễn hoặc tạm hoãn chấp hành hình phạt tù.
- Nếu xuất cảnh trái phép trở về: Bổ sung Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp.
- Nếu mất tích trở: bổ sung bản sao Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích.
- Trường hợp thanh toán phí GĐYK: Bổ sung hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.
- Trường hợp NLĐ đang tham gia làm việc tại các đơn vị thì NLĐ nộp hồ sơ cho NSDLĐ, hồ sơ nghỉ hưu sẽ được NSDLĐ nộp cho cơ quan BHXH nơi NSDLĐ đóng BHXH.
- Với các trường hợp khác, công dân nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH cấp huyện hoặc BHXH cấp tỉnh nơi cư trú.
Như vậy, việc nhận lương hưu căn cứ vào số năm đóng BHXH và cả độ tuổi của NLĐ. Câu hỏi đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng lương hưu phụ thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Người lao động cần nắm rõ quy định pháp luật về vấn đề này để có thể chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục hưởng lương hưu đúng quy định. Cách tính lương hưu hàng tháng hiện cũng được quy định cụ thể, bạn đọc có thể xem thêm để tự tính tiền lương hưu mình nhận được.