Không cần phải làm việc tại công ty hay cơ quan nhà nước, những người lao động tự do vẫn có thể mua và hưởng quyền lợi BHYT khi mua BHYT hộ gia đình hay chính là BHYT tự nguyện. Theo pháp luật hiện hành, những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình được chuyên mục bảo hiểm của Codon.vn tổng hợp và chia sẻ qua bài viết sau.
Bảo hiểm y tế hộ gia đình là gì? Ai là người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình?
* Danh mục từ viết tắt:
- BHYT: Bảo hiểm y tế.
- KCB: Khám chữa bệnh.
- NLĐ, NSDLĐ: Người lao động, người sử dụng lao động.
- Theo Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình (BHYT tự nguyện) là những người không thuộc các nhóm tham gia BHYT do: NLĐ và NSDLĐ đóng, tổ chức bảo hiểm xã hội hay ngân sách nhà nước đóng, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng hay nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Đó có thể là:
+ Người có tên trong sổ hộ khẩu;
+ Người có tên trong sổ tạm trú;
+ Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
+ Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Ví dụ như: Nông dân, người làm việc tự do.
- Theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT thì việc xác định đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình dựa vào một trong các giấy tờ sau đây:
+ Chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
+ Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú.
=> Như vậy, khi không thuộc các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì BHYT hộ gia đình là lựa chọn cuối cùng để người dân tham gia BHYT, hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.
- Mức đóng BHYT hộ gia đình căn cứ trên mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng.
- Mức đóng BHYT hộ gia đình như sau:
+ Người thứ nhất: 6% mức lương cơ sở.
+ Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng: 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
+ Người thứ năm trở: 40% mức đóng của người thứ nhất.
Với các đối tượng không mua thẻ BHYT hộ gia đình, mức đóng BHYT cũng sẽ có những điểm khác, bạn đọc xem tại bài viết Mức đóng BHYT để biết thêm thông tin.
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình mới nhất
Căn cứ Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT hộ gia đình khi đi khám chữa bệnh sẽ được hưởng BHYT với mức khác nhau tương ứng với trường hợp khám đúng tuyến hay trái tuyến, cụ thể như sau:
* Khám, chữa bệnh đúng tuyến:
- 100% chi phí KCB tại tuyến xã;
- 100% chi phí KCB nếu chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng/lần);
- 100% chi phí KCB khi người bệnh đáp ứng đồng thời các điều kiện:
+ Có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên;
+ Số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (lớn hơn 8.940.000 đồng);
- 80% chi phí KCB nếu không thuộc các trường hợp trên.
* Khám, chữa bệnh trái tuyến:
Mức hưởng khi đi KCB trái tuyến được tính trên mức hưởng khi đi khám đúng tuyến theo tỷ lệ % như sau:
- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương;
- 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh;
- 100% chi phí KCB tại bệnh viện tuyến huyện.
Để tiện so sánh mức hưởng BHYT hộ gia đình với các đối tượng khác, bao gồm cả đối tượng được hưởng quyền lợi bảo hiểm 5 năm liên tục, bạn đọc có thể xem thêm trong bài mức hưởng BHYT của codon.vn.
Mức hưởng bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2022, chi tiết quyền lợi bảo hiểm y tế hộ gia đình
- Theo Điều 32 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì người dân có thể mua bảo hiểm y tế hộ gia đình tại đại lý thu BHYT hoặc tại UBND xã nơi cư trú.
- Thủ tục mua như sau:
+ Người mua thẻ BHYT chuẩn bị giấy tờ gồm: sổ hộ khẩu bản sao, thẻ BHYT (bản chính hoặc bản chụp) của thành viên hộ gia đình đã mua trước đó để được giảm trừ mức đóng.
+ Điền thông tin một cách đầy đủ, chính xác vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).
+ Nộp tiền BHYT.
+ Việc nộp hồ sơ đến cơ quan BHXH sẽ do UBND hoặc đại lý bán BHYT hộ gia đình thực hiện.
+ Chờ nhận thẻ BHYT.
Đến đây, người dân đã hoàn thành việc mua BHYT theo hộ gia đình, chỉ cần chờ nhận thẻ và sử dụng khi đi khám chữa bệnh.
Hiện nay, người dân cũng có thể dùng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để sử dụng khi khám chữa bệnh nếu không may quên mang theo thẻ giấy. Bạn đọc xem chi tiết thủ tục tại bài viết cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử để khám chữa bệnh.
Như vậy, các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình chỉ cần dành một khoản tiền không quá lớn hàng năm để tham gia vào quỹ BHYT. Đổi lại, họ sẽ được hỗ trợ một phần không nhỏ chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi không may mắn bị ốm đau, bệnh tật.