Tranh chấp lao động là gì? Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp lao động

Tranh chấp lao động là gì?

Tranh chấp lao động là tranh chấp diễn ra phổ biến trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động do không dung hòa được lợi ích từ cả hai phía. Dưới góc độ pháp lý, tranh chấp lao động được ghi nhận sâu rộng hơn về nội dung cũng như các chủ thể trong tranh chấp. Thông tin tranh chấp lao động là gì? sẽ được Blog Codon.vn chia sẻ ngay sau đây.

tranh chap lao dong la gi

Tranh chấp lao động tập thể là gì? Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2019

Mục Lục bài viết:
1. Tranh chấp lao động là gì?
2. Các loại tranh chấp lao động.
3. Cách thức giải quyết tranh chấp lao động.
4. Một số câu hỏi liên quan về tranh chấp lao động.
4.1. Đình công là gì? Đình công có ý nghĩa gì đối với giải quyết tranh chấp lao động tập thể?
4.2. Thời hiệu giải quyết tranh chấp tập thể về lợi ích?

* Danh mục từ viết tắt

- TCLĐ: Tranh chấp lao động.

- NLĐ: Người lao động

- NSDLĐ: Người sử dụng lao động.

1. Tranh chấp lao động là gì?

- Giải thích về tranh chấp lao động, tại Khoản 1, Điều 179 Bộ luật lao động quy định: "Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động."

- Khái niệm này đã có sự thay đổi so với quy định tại Bộ luật lao động 2012, mở rộng hơn về các đối tượng trong tranh chấp lao động, bao gồm:

+ Tranh chấp giữa NLĐ (cá nhân/tập thể) với NSDLĐ.

+ Tranh chấp giữa Công đoàn với nhau.

+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ học nghề, giáo dục nghề nghiệp, cho thuê lại lao động, an toàn, vệ sinh lao động,.....

- Trong các tranh chấp lao động nêu trên, tranh chấp trong quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ là phổ biến nhất.

2. Các loại tranh chấp lao động.

Sự phân loại TCLĐ làm căn cứ cho việc xác định thẩm quyền tranh chấp lao động. Tại Điều 179 Bộ luật lao động chia TCLĐ thành 02 loại:

- Tranh chấp lao động cá nhân.

Ví dụ: An là nhân viên ký hợp đồng lao động với công ty X và được cử đi Nhật Bản đào tạo trong vòng 6 tháng với cam kết sau khi trở về phải làm việc tại công ty 03 năm. Tuy nhiên, sau khi trở về và làm việc tại công ty X 01 năm thì An đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty X đã khởi kiện đến tòa án để yêu cầu An bồi thường chi phí đào tạo là 500 triệu đồng.

- Tranh chấp lao động tập thể.

+ Tranh chấp lao động tập thể về quyền.

Ví dụ: Tập thể lao động công ty X chỉ được trả lương dưới mức lương tối thiểu vùng hoặc không được đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

+ Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Ví dụ: Tập thể NLĐ yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện cơ sở vật chất nơi làm việc, tăng tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động.

tranh chap lao dong la gi 2

Tranh chấp là gì? ​Tìm hiểu cách phân loại tranh chấp lao động mới nhất

3. Cách thức giải quyết tranh chấp lao động.

- Các bên trong TCLĐ có thể lựa chọn một trong các phương thức giải quyết tranh chấp sau:

+ Thương lượng.

+ Hòa giải. (Thông tin về đặc điểm, các yếu tố hòa giải và cách phân loại đã được wikipedia.org chia sẻ, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để xem thêm)

+ Trọng tài lao động.

+ Khởi kiện tại Tòa án.

- Trong 04 phương thức giải quyết, chỉ có thương lượng là cách thức được thực hiện bởi thiện chí của hai bên mà không có bên thứ ba hỗ trợ giải quyết.

- Phương thức hòa giải được thực hiện bởi Hòa giải viên lao động; Phương thức trọng tài thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động và phương thức khởi kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

- TCLĐ cá nhân phải được hòa giải bởi Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc tòa án giải quyết, trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 188, Bộ Luật lao động.

- TCLĐ tập thể về quyền phải được hòa giải bởi Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc tòa án giải quyết (không có trường hợp ngoại lệ).

- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không được giải quyết tại Tòa án nhân dân.

Chú ý: Theo quy định của Luật lao động, trong điều kiện làm việc bình thường, NLĐ làm việc đủ 12 tháng cho 1 NSDLĐ thì sẽ được nghỉ phép năm 12 ngày và được hưởng nguyên lương. Đóng vai trò là người lao động, ban lãnh đạo tổ chức công đoàn, bạn đọc cần nắm được thông tin quy định nghỉ phép năm với người lao động để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình nếu tranh chấp lao động xảy ra.

4. Một số câu hỏi liên quan về tranh chấp lao động.

4.1. Đình công là gì? Đình công có ý nghĩa gì đối với giải quyết tranh chấp lao động tập thể?

- Tại Điều 198 Bộ luật lao động giải thích: "Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện, có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.."

- Đình công chỉ được áp dụng đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích chưa được giải quyết hoặc giải quyết không được bởi chủ thể có thẩm quyền.

- Chủ thể tổ chức và lãnh đạo: Tổ chức đại diện người lao động của bên trong tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

tranh chap lao dong la gi 3

Ý nghĩa đình công đối với tranh chấp lao động

4.2. Thời hiệu giải quyết tranh chấp tập thể về lợi ích?

- Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, đối với tranh chấp tập thể về lợi ích không đặt ra thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động cá nhân có quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tại Điều 190, 194 Bộ luật lao động. Cụ thể:

- Tính từ thời điểm phát hiện hành vi mà một bên cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm thì bên đó có 06 tháng để yêu cầu Hòa giải viên lao động giải quyết, 09 tháng để yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động và 01 năm để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp tranh chấp lao động xảy ra khi người lao động yêu cầu người sử dụng lao động tăng lương, tăng phụ cấp làm thêm giờ, cán bộ hòa giải có thể căn cứ vào quy định pháp luật về thời hạn tăng lương cho người lao động để giải đáp. Thông tin về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo quy định về thời hạn tăng lương cho người lao động để tìm hiểu thêm.

Với những thông tin mà Codon.vn chia sẻ, chắc hẳn bạn đọc đã tìm được đáp án cho câu hỏi tranh chấp lao động là gì? Để đảm bảo quyền lợi của mình, NLĐ cần chủ động trong việc lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp và đề cao tinh thần thiện chí, thỏa thuận của các bên trong giải quyết tranh chấp.

Bài liên quan