Luật lao động mới nhất 2022 và những nội dung đáng chú ý

Luật lao động

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động, các yêu cầu, đòi hỏi về vấn đề quản lý doanh nghiệp, người lao động cũng ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, bộ luật lao động cũ cần được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện. Mời bạn đọc cùng chuyên mục Thư viện pháp luật của Codon.vn tìm hiểu về Bộ luật Lao động mới nhất thông qua bài viết sau đây.

luat lao dong

Bộ Luật lao động mới nhất 2022 và những nội dung đáng chú ý

Mục Lục bài viết:
1. Khái quát về luật lao động, bộ luật lao động.
2. Những nội dung nổi bật của Bộ luật Lao động 2019.
2.1. Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.
2.2. Tăng trần làm thêm giờ theo tháng.
2.3. Thêm 01 ngày nghỉ Quốc khánh 2/9.
2.4. Không còn hợp đồng mùa vụ, chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động.
2.5. Bổ sung thêm 03 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.
2.6. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do.

* Danh mục từ viết tắt:

- NLĐ: Người lao động

- NSDLĐ: Người sử dụng lao động

- BLLĐ: Bộ luật lao động

- HĐLĐ: Hợp đồng lao động

- DN: Doanh nghiệp

1. Khái quát về luật lao động, bộ luật lao động

- Bộ luật Lao động mới nhất đang có hiệu lực thi hành là Bộ luật số: 45/2019/QH14, hay còn gọi là Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

- Bộ luật gồm 17 Chương, 220 điều.

+ Chương I. Những Quy định chung (từ Điều 1 - Điều 8).

+ Chương II. Việc làm, tuyển và quản lý lao động (từ Điều 9 đến Điều 12).

+ Chương III. Hợp đồng lao động (từ Điều 13 đến Điều 58).

+ Chương IV. Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề (từ Điều 59 đến Điều 62).

+ Chương V. Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể (từ Điều 63 đến Điều 89).

+ Chương VI. Tiền lương (từ Điều 90 đến Điều 104).

+ Chương VII. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (từ Điều 105 đến Điều 116).

+ Chương VIII. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất (từ Điều 117 đến Điều 131).

+ Chương IX. An toàn lao động, vệ sinh lao động (từ Điều 132 đến Điều 134).

+ Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới (từ Điều 135 đến Điều 142).

+ Chương XI. Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác (từ Điều 143 đến Điều 167).

+ Chương XII. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 168 và Điều 169).

+ Chương XIII. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ Điều 170 đến Điều 178).

+ Chương XIV. Giải quyết tranh chấp lao động (từ Điều 179 đến Điều 211).

+ Chương XV. Quản lý nhà nước về lao động (Điều 212 và Điều 213).

+ Chương XVI. Thanh tra lao động, xử phạt vi phạm pháp luật về lao động (từ Điều 214 đến Điều 217).

+ Chương XVII. Điều khoản thi hành (Điều 218 đến Điều 221).

- Phạm vi điều chỉnh: Quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

- Đối tượng áp dụng BLLĐ gồm có:

+ Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.

+ Người sử dụng lao động.

+ Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

2. Những nội dung nổi bật của Bộ luật Lao động 2019

2.1. Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Đây là quy định nổi bật nhất, ảnh hưởng tới rất nhiều người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó tuổi nghỉ hưu

- Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 4 tháng đối với nam kể từ năm 2021.

- Lao động nam nữ được nghỉ hưu sớm không quá 05 tuổi trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các đối tượng áp dụng gồm có: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn.

- NLĐ có quyền nghỉ hưu muốn hơn không quá 05 tuổi trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Áp dụng đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt.

luat lao dong 2

Bộ Luật lao động quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với người lao động

2.2. Tăng trần làm thêm giờ theo tháng

Theo đó, BLLĐ 2019 đã tăng trần làm thêm giờ theo tháng từ 30h/tháng lên 40h/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300h/năm

- Điều kiện để NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ gồm:

+ Người lao động đồng ý làm thêm.

+ Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; nếu quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ 1 số trường hợp nhất định (luật quy định).

2.3. Thêm 01 ngày nghỉ Quốc khánh 2/9

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì chỉ được nghỉ ngày Quốc khánh 01 ngày. Tuy nhiên theo quy định mới, NLĐ được nghỉ 02 ngày (ngày 02/09/ dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).

Liên quan đến quyền lợi của người lao động, Luật bảo hiểm xã hội cũng là văn bản mà NLĐ cần tìm hiểu.

2.4. Không còn hợp đồng mùa vụ, chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động

Đây cũng là một nội dung đáng chú ý của Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, luật cũ quy định có 03 loại hợp đồng lao động gồm: Hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng mùa vụ. Tuy nhiên, luật mới đã bãi bỏ quy định về hợp đồng mùa vụ, chỉ còn 02 loại HĐLĐ là hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn.

2.5. Bổ sung thêm 03 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

Bộ luật Lao động 2019 kế thừa 10 trường hợp chấm dứt HĐLĐ của BLLĐ 2012 và bổ sung thêm 03 trường hợp là:

+ NSDLĐ cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này (trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình DN; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của DN, hợp tác xã).

+ Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

+ Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

2.6. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do

- Theo Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, tuy nhiên phải đảm bảo thời gian báo trước theo quy định tại khoản 1 Điều này.

- Trong khi đó, theo bộ luật lao động cũ năm 2012, người lao động bắt buộc phải có 01 trong những lý do được nêu tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật này và đồng thời đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước.

Trên đây là nội dung cơ bản cũng như một số điểm nổi bật của Bộ luật Lao động 2019 mà chúng tôi thông tin đến bạn đọc. Những thay đổi của luật lao động mới là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 cũng như đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Liên quan trong nội dung về lao động, Mẫu đơn cam kết được đi làm cho người dưới 18 tuổi cũng được nhiều người quan tâm.

Ngoài Bộ luật lao động, Luật an toàn vệ sinh lao động cũng là văn bản ghi nhận các quyền, nghĩa vụ của NLĐ cần tìm hiểu. Bạn đọc có thể xem thêm để nắm các thông tin.

Bài liên quan