Thuế giá trị gia tăng là gì? Cách tính thuế giá trị gia tăng năm 2022

Thuế giá trị gia tăng là gì?

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế có nguồn đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước. Là loại thuế mà bất kỳ cá nhân nào cũng đã từng gián tiếp đóng thông những cách thức nhất định. Vậy thuế GTGT là gì? Đặc điểm, cách tính thuế GTGT thế nào? Vấn đề này được Blog Codon.vn thông tin chi tiết như sau.

thue gia tri gia tang la gi

Thuế GTGT là gì? Quy định pháp luật về Thuế giá trị gia tăng mới nhất

Mục Lục bài viết:
1. Khái niệm thuế giá trị gia tăng.
2. Ai là người nộp thuế giá trị gia tăng?
3. Công thức tính thuế giá trị gia tăng?
4. Một số câu hỏi thường gặp về thuế giá trị gia tăng.
4.1. Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là gì?
4.2. Trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế GTGT.

1. Khái niệm thuế giá trị gia tăng.

Thuế GTGT hay còn gọi là Thuế VAT (viết tắt của cụm "Value Added Tax") được giải thích tại Điều 2 Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008 là "thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."

Như vậy, thay vì tính thuế trên toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ, thì thuế GTGT chỉ tính đối với phần giá trị tăng thêm.

Thuế GTGT là loại thuế điển hình nhất về loại thuế gián thu, tức là người nộp thuế và người chịu thuế là khác nhau.

+ Thuế GTGT được tính vào giá trị sản phẩm.

+ Người chịu thuế là người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

+ Người nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

Đây là lý do mà ngay trong phần mở đầu chúng tôi nhận định, thuế GTGT là loại thuế mà bất kỳ cá nhân nào cũng đã từng gián tiếp đóng.

Ví dụ về thuế giá trị gia tăng: Bạn mua một chiếc xe máy với trị giá là 30 triệu đồng, chưa bao gồm thuế VAT, thì khi tính giá trị chiếc xe, bạn sẽ phải thanh toán thêm 10% thuế này, tổng cộng là: 33.000.000 đồng/chiếc xe. 

thue gia tri gia tang la gi 2

Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là gì? Ví dụ về thuế GTGT

Lưu ý: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thuế giá trị gia tăng là một thành phần của thuế tiêu thụ (loại thuế đánh vào nhu cầu chi hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức). Để hiểu và biết cách phân biệt thuế GTGT và thuế tiêu thụ, Codon.vn mời bạn tham khảo bài viết này trên wikipedia.org.

2. Ai là người nộp thuế giá trị gia tăng?

Người nộp thuế GTGT có phạm vi rất rộng, là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Với những doanh nghiệp có kinh doanh, sản xuất hàng hóa dịch vụ chịu thuế cần phải lưu ý làm các thủ tục quyết toán thuế đúng quy đinh. Lúc này, mã số thuế doanh nghiệp sẽ có vai trò quan trọng để làm việc với cơ quan thuế. Việc tra cứu mã số thuế doanh nghiệp đã được Codon.vn chia sẻ, mời bạn đọc xem thông tin.

Vậy hàng hóa, dịch vụ nào chịu thuế GTGT?

Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 219/2013/TT-BTC, thì đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ được sử dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tại Việt Nam (không kể nguồn gốc xuất xứ, có thể mua ở nước ngoài), trừ các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được quy định tại

+ Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC;

+ Khoản 1, 2, Thông tư 26/2015/TT-BTC;

+ Khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung các luật thuế 2016;

3. Công thức tính thuế giá trị gia tăng?

Dựa trên quy định tại Luật Thuế GTGT năm 2008, có thể xác định công thức tính thuế GTGT như sau:

Thuế GTGT= Giá tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

- Giá tính thuế được xác định đối với các loại hàng hóa, dịch vụ là khác nhau, nó có thể là giá bán ra chưa có thuế GTGT (đã có thuế tiêu thụ đặc biệt); giá nhập (đã có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt);....

- Thuế suất được áp dụng theo 03 mức tương ứng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định: 0%; 5% và 10%.

Lưu ý:

- Thuế suất 0% khác với không chịu thuế: Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0% vẫn phải kê khai thuế và được khấu trừ, hoàn trả thuế GTGT đầu vào, nhưng với cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế thì không thực hiện những điều đó.

- Theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/12/2022, mức thuế suất 10% áp dụng với hàng hóa dịch vụ được giảm xuống còn 8%, trừ 04 nhóm hàng hóa dịch vụ được quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định này.

thue gia tri gia tang la gi 3

Căn cứ, Cách tính thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế GTGT 2008

Liên quan đến các khoản thuế, lệ phí phải thu nhà nước, Luật thuế 2008 cũng quy định mức thuế suất, cách tính thuế cho hoạt động đấu thầu. Để có thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo bài Thuế nhà thầu là gì của chúng tôi.

4. Một số câu hỏi thường gặp về thuế giá trị gia tăng.

4.1. Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là gì?

Thuế GTGT được khấu trừ hay nói đúng hơn là thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, là một trong hai yếu tố để tính số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ.

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo quy định tại Khoản 4 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT 2013 là tổng số thuế VAT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 6, Điều 1, Luật này.

4.2. Trình tự, thủ tục thực hiện giảm thuế GTGT.

Căn cứ vào quy định tại Khoản 3, Điều 1, Nghị định 15/2022/NĐ-CP, để được giảm thuế GTGT, cơ sở sản xuất kinh doanh cần chú ý tới các vấn đề sau:

- Để được giảm thuế GTGT, yêu cầu bắt buộc là tổ chức, cá nhân phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, nếu không lập thì sẽ không được giảm.

- Khi lập hóa đơn phải đảm bảo các nội dung: Thuế suất GTGT 8%; tiền thuế GTGT; tổng tiền thanh toán, từ đó kết khai GTGT đầu ra.

- Cơ sở mua hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào hóa đơn để kê khai GTGT đầu vào.

- Cơ sở kinh doanh kê khai theo mẫu 01, Phụ lục IV, ban hành kèm theo Nghị định 15 và tờ khai thuế GTGT. Trường hợp khai thuế GTGT thiếu, sai, sót thì có thể khai bổ sung, tham khảo chi tiết tại bài viết "Hướng dẫn khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN".

Thông tin về thuế giá trị gia tăng là gì đã được Codon.vn chia sẻ chi tiết. Có thể thấy, thuế GTGT (VAT) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nguồn tài chính quốc gia, vì vậy, để quản lý chặt chẽ, hạn chế tình trạng trốn thuế, gian lận thuế thì cơ quan nhà nước cần có nhiều biện pháp tích cực, triệt để hơn.

Bài liên quan