Thuế nhà thầu là gì? Đối tượng, cách tính thuế nhà thầu theo Thông tư 103/2014/TT-BTC

Thuế nhà thầu là gì?

Thuế nhà thầu không phải là thuật ngữ pháp lý nhưng lại được sử dụng rất phổ biến khi nói về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Vậy theo quy định của pháp luật, thực chất thuế nhà thầu là gì?

thue nha thau la gi

Thuế nhà thầu bao nhiều phần trăm? Tìm hiểu cách tính thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC

Mục Lục bài viết:
1. Thuế nhà thầu là gì? Thuế nhà thầu Tiếng anh là gì?
2. Ai là người nộp thuế nhà thầu?
3. Cách tính thuế nhà thầu.
3.1. Phương pháp kê khai.
3.2. Phương pháp trực tiếp.
3.3. Phương pháp hỗn hợp.
4. Thời hạn nộp thuế nhà thầu.

* Danh mục từ viết tắt:

- GTGT: Giá trị gia tăng.

- TNDN: Thu nhập doanh nghiệp.

- TNCN: Thu nhập cá nhân.

- HĐ: Hợp đồng

1. Thuế nhà thầu là gì? Thuế nhà thầu Tiếng anh là gì?

- Thuế nhà thầu là cách gọi tắt để chỉ về các loại thuế được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, cam kết hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân trong nước hoặc giữa các tổ chức, cá nhân nước ngoài với nhau.

- Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 103/2014/TT-BTC, thì thuế nhà thầu bao gồm các loại thuế sau:

+ Thuế GTGT, Thuế TNDN, nếu nhà thầu là tổ chức.

+ Thuế GTGT, Thuế TNCN, nếu nhà thầu là cá nhân.

+ Có thể phát sinh các loại thuế khác nếu văn bản thuế cụ thể có quy định. Ví dụ: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nếu là chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Thuế nhà thầu trong Tiếng anh sử dụng cụm từ "Foreign Contractor Tax- viết tắt FCT".

Lưu ý: Như thông tin ở trên, thuế GTGT là một phần của thuế nhà thấu. Để có thêm thông tin về loại thuế gián thu đánh vào quá trình tiêu dùng sản phẩm , dịch vụ của cá nhân, tổ chức này, bạn đọc có thể xem thêm trong nội dung bài thuế giá trị gia tăng là gì của Codon.vn.

2. Ai là người nộp thuế nhà thầu?

Căn cứ vào Điều 1, Điều 4, Thông tư 103/2014/TT-BTC, người nộp thuế nhà thầu được xác định là:

- Tổ chức nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

- Cá nhân nước ngoài phải hoặc không phải là đối tượng tượng cư trú tại Việt Nam kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

→ Tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 8, Điều 18 Thông tư 103.

- Tổ chức được thành lập, hoạt động hoặc đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật hợp tác xã.

- Tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh:

+ Mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ;

+ Mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms);

+ Thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

thue nha thau la gi 2

Các đối tượng phải nộp thuế nhà thầu theo thông tư 103

3. Cách tính thuế nhà thầu.

Tính thuế nhà thầu được dựa trên 03 phương pháp là phương pháp kê khai; phương pháp trực tiếp và phương pháp hỗn hợp.

3.1. Phương pháp kê khai.

- Điều kiện áp dụng: Thuế nhà thầu áp dụng phương pháp kê khai khi tính thuế GTGT, TNDN phải đáp ứng 03 điều kiện tại Điều 8, Thông tư 103, cụ thể:

+ Có cơ sở thường trú hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam.

+ Kể từ ngày HĐ nhà thầu, HĐ nhà thầu phụ có hiệu lực, phải kinh doanh tại Việt Nam tối thiểu là 183 ngày.

+ Thực hiện chế độ kế toán Việt Nam, đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

- Thuế GTGT được nộp theo phương pháp khấu trừ thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT năm 2013.

Số thuế VAT phải nộp = Số thuế VAT đầu ra - Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ.

- Thuế TNDN được nộp dựa trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế được thực hiện theo quy định tại Chương II, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi bổ sung 2020.

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất.

thue nha thau la gi 3

Cách tính thuế nhà thầu đối với hàng hóa nhập khẩu

Khi xác định thu nhập chịu thuế, độc giả cũng cần chú ý đến khoản thu nhập được trừ, không được trừ. Để có thêm thông tin về vấn đề này, độc giả có thể tham khảo thêm bài viết "Các khoản chi phí được trừ & không được trừ khi tính thuế TNDN" của Codon.vn.

3.2. Phương pháp trực tiếp.

- Điều kiện áp dụng: Bên Việt Nam thực hiện nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài không đáp ứng được 1 trong các điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai được nêu ở mục 3.1.

- Tính thuế GTGT:

Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu.

Trong đó:

+ Doanh thu tính thuế GTGT được xác định theo khoản 1; tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được xác định theo Khoản 2, Điều 12 Thông tư 103.

- Tính thuế TNDN:

Thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu.

Trong đó:

+ Doanh thu tính thuế TNDN được xác định theo Khoản 1; tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được xác định theo Khoản 2, Điều 13, Thông tư 103.

3.3. Phương pháp hỗn hợp.

Phương pháp hỗn hợp là phương pháp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

- Điều kiện áp dụng: Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, thực hiện nộp thuế theo phương pháp hỗn hợp nếu đủ các điều kiện được quy định tại Điều 14, Thông tư 103:

+ Có cơ sở thường trú hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam.

+ Kể từ ngày HĐ nhà thầu, HĐ nhà thầu phụ có hiệu lực, phải kinh doanh tại Việt Nam tối thiểu là 183 ngày.

+ Tổ chức hạch toán kế toán.

- Thuế GTGT được tính tương tự như phương pháp kê khai được nêu ở mục 3.1.

- Thuế TNDn được tính tương tự phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được nêu ở mục 3.2.

thue nha thau la gi 4

Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài theo phương pháp hỗn hợp? Thông tư thuế nhà thầu mới nhất 2022

Lưu ý: Theo quy định của Luật thuế Việt Nam, cả Thuế TNDN, thuế TNCN đều là thành phần của thuế thu nhập (loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của cá nhân và pháp nhân). Nếu chưa hiểu về loại thuế này, bạn đọc có thể bấm xem thêm trong nội dung bài viết này của wikipedia.org để có thêm thông tin.

4. Khi nào phải nộp thuế nhà thầu?

Thời hạn nộp thuế nhà thầu được xác định theo Luật Quản lý thuế 2019.

Việc nộp thuế dựa trên nghĩa vụ thuế phát sinh theo từng lần, hay từng tháng hay theo thời gian hợp đồng nhà thầu.

Cụ thể:

- Nộp tờ khai thuế theo từng lần phát sinh: Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Nộp tờ khai thuế theo tháng: Chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Nộp tờ khai quyết toán khi chấm dứt hợp đồng nhà thầu: chậm nhất 45 ngày, kể từ ngày chấm dứt.

Thời hạn nộp thuế tính theo thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ.(nếu người nộp thuế tự tính); ngày ghi trên thông báo của cơ quan thuế (nếu cơ quan thuế tính).

Toàn bộ thông tin về khái niệm Thuế nhà thầu là gì? và đối tượng, các phương pháp tính thuế đã được Blog Codon.vn chia sẻ. Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ thuế nhà thầu, nếu không sẽ bị xử lý theo điều ước quốc tế liên quan và quy định của pháp luật Việt Nam.

Bài liên quan