Thủ Tục Thành Lập Công Ty TNHH 2 Thành Viên trở lên năm 2022

Thủ Tục Thành Lập Công Ty TNHH 2 Thành Viên

Quy định hiện nay về thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên như thế nào? Chi tiết về thủ tục mời bạn đọc theo dõi ngay sau đây.

thu tuc thanh lap cong ty tnhh 2 thanh vien

Chi tiết hồ sơ, giấy đề nghị thành lập công ty TNHH 2 thành viên

Mục Lục bài viết:
1. Thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên
2. Những công việc cần làm sau khi xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Câu hỏi liên quan.
3.1. Thành lập công ty TNHH 2 thành viên cần bao nhiêu vốn điều lệ?.
3.2. Công ty TNHH 2 thành viên có được phát hành cổ phần không?
3.3. Công ty TNHH 2 thành viên có tư cách pháp nhân khi nào?

Lưu ý: Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân là loại hình doanh nghiệp có không quá 50 thành viên cùng góp vốn thành lập. Loại hình doanh nghiệp này được thừa nhận bởi Luật Doanh nghiệp và không được phát hành cổ phần để huy động vốn. Để hiểu rõ hơn về khái niệm, đặc điểm của loại hình công ty này, Codon.vn mời bạn tham khảo thông tin trên wikipedia.org thông qua bài viết này.

1. Thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 2 thành viên gồm các giấy tờ sau:

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

(2) Điều lệ công ty.

(3) Danh sách thành viên của công ty.

(4) Bản sao có công chứng/chứng thực các giấy tờ sau:

- CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn còn hiệu lực của người đại diện theo pháp luật của công ty, thành viên công ty.

- Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu khác nếu người thành lập là tổ chức; CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu công ty được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;

Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền

DN nộp hồ sơ tại:

- Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở chính (Nộp tại Bộ phận một cửa).

- Ngoài ra, DN có thể nộp hồ sơ qua mạng tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn

Lưu ý, việc đăng ký thành lập công ty TNHH 2 thành viên tại Hà Nội yêu cầu thực hiện qua mạng.

thu tuc thanh lap cong ty tnhh 2 thanh vien 2

Hồ sơ pháp lý công ty TNHH 2 thành viên, mẫu giấy đề nghị thành lập công ty TNHH 2 thành viên theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ, xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

- Hồ sơ được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Hồ sơ đầy đủ giấy tờ;

+ Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

+ Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;

+ Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp (100.000 đồng).

- Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

- Sau đó, nhập đầy đủ, chính xác thông tin hồ sơ đăng ký DN, các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.

Bước 4: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

- Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký DN được thực hiện đồng thời với thời điểm DN nộp hồ sơ đăng ký DN.

- Nội dung công bố là nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin ngành, nghề kinh doanh.

2. Những công việc cần làm sau khi xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

2.1. Khắc con dấu doanh nghiệp/chữ ký số

- Sau khi DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì DN phải tự đi khắc con dấu cho chính công ty mình.

- Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

- DN không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu trước khi sử dụng mẫu dấu này.

- Việc quản lý và lưu giữ con dấu được thực hiện theo Điều lệ công ty hoặc quy chế DN, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của DN có dấu ban hành.

- Con dấu thường có thông tin: tên DN và mã số DN.

2.2. Gắn biển hiệu công ty

Theo Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tên DN phải được gắn tại: Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

- Việc gắn biển hiệu công ty là nghĩa vụ bắt buộc.

- Trường hợp không gắn biển hiệu (tên công ty) thì bị xử phạt tiền từ 30 triệu - 50 triệu theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, và buộc gắn biển hiệu công ty đầy đủ.

thu tuc thanh lap cong ty tnhh 2 thanh vien 3

Thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên 2022 sau được cấp phép: Gắn biển hiệu công ty

2.3. Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp có thể lựa chọn bất kỳ ngân hàng nào tại Việt Nam để mở tài khoản ngân hàng. Sau khi mở tài khoản thành công, tài khoản đã được kích hoạt, DN tiến hành thông báo số tài khoản ngân hàng lên Sở Kế Hoạch Đầu Tư.

2.4. Kê khai lệ phí môn bài

- Doanh nghiệp mới thành lập sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập (từ 1/1 - 31/12)

- Tuy nhiên, công ty vẫn phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập.

Liên quan đến nộp thuế, lệ phí môn bài của các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP cũng quy định chi tiết các trường hợp được miễn lệ phí môn bài. Tham gia kinh doanh trên thị trường, bạn đọc cần nắm được mình có thuộc đối tượng được miễn giảm sắc thuế này hay không và tiến hành nộp thuế theo quy định.

3. Câu hỏi liên quan

3.1. Thành lập công ty TNHH 2 thành viên cần bao nhiêu vốn điều lệ?

- Theo Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 thì pháp luật không yêu cầu số vốn điều lệ cụ thể để thành lập công ty TNHH 2 thành viên.

- Vốn điều lệ của công ty là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

3.2. Công ty TNHH 2 thành viên có được phát hành cổ phần không?

- Câu trả lời là không, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

- Căn cứ Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty TNHH 2 thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, công ty này được phát hành trái phiếu.

3.3. Công ty TNHH 2 thành viên có tư cách pháp nhân khi nào?

Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tất cả các thông tin về thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên đã được Blog Codon.vn tổng hợp, chia sẻ trong bài viết này. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập công ty cần theo dõi để lựa chọn ra loại hình công ty phù hợp với kế hoạch phát triển của mình.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có nhiều trường hợp, các bên tham gia vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và bị xử phạt. Vậy mức phạt vi phạm hợp đồng của các loại hình doanh nghiệp thế nào? Cần bồi thường bao nhiêu? Click vào bài viết sau đây của Codon.vn, bạn sẽ dễ dàng tìm được câu trả lời cho mình.

Bài liên quan