Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân theo Luật doanh nghiệp 2020

Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân đang là loại hình doanh nghiệp được nhiều người lựa chọn trong thời gian gần đây. Việc tìm hiểu về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp các cá nhân chủ động hơn trong quá trình tạo lập DN mới của chính mình.

thu tuc dang ky thanh lap doanh nghiep tu nhan

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân gồm những gì? Tìm hiểu quy trình, thủ tục thành lập DNTN mới nhất

Mục Lục bài viết:
1. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân trực tiếp.
2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân trực tuyến (online).
3. Một số câu hỏi liên quan về thủ tục đăng ký thành lập DNTN.
3.1. Đăng ký thành lập DNTN ở đâu?
3.2. Thành lập doanh nghiệp tư nhân mất bao lâu?
3.3. Chi phí làm thủ tục đăng ký thành lập DNTN là bao nhiêu?
3.4. Có được ủy quyền làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp?

* Danh mục từ viết tắt:

- DNTN: Doanh nghiệp tư nhân

Lưu ý: Doanh nghiệp tư nhân hay công ty tư nhân là loại hình doanh nghiệp do cá nhân tự làm chủ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để có thể hiểu rõ về đặc điểm, ưu/nhược điểm của mô hình doanh nghiệp này, bạn đọc có thể xem thêm thông tin chi tiết trên wikipedia.org qua nội dung bài viết này.

1. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân trực tiếp.

- Cá nhân khi đã thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc một trong các cá nhân bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, thì có quyền thành lập DNTN.

- Thủ tục đăng ký thành lập DNTN được thực hiện theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1.1. Chuẩn bị hồ sơ.

Thành phần hồ sơ được quy định tại Điều 21 bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân. (Mẫu theo Phụ lục I-1, ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).

TẢI ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ KINH DOANH DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TẠI ĐÂY

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. (Thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực).

thu tuc dang ky thanh lap doanh nghiep tu nhan 2

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP

1.2. Nộp hồ sơ.

- Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính tới Phòng đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính.

- Ở bước này, doanh nghiệp có quyền đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp lệ phí công bố. Sau đó nếu không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN thì được hoàn trả lại lệ phí.

1.3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

- Khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

- Tiếp đến, Phòng đăng ký kinh doanh nhập thông tin, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

1.4. Nhận kết quả.

Người thành lập doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại trụ sở Phòng đăng ký kinh doanh hoặc tại địa chỉ đăng ký (qua đường bưu chính).

Tương tự, Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định điều kiện hồ sơ, thủ tục thành lập công ty TNHH. Để hiểu, nắm được quy trình thành lập doanh nghiệp dạng này, bạn đọc có thể tìm hiểu bài thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên của Codon.vn.

2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân trực tuyến (online).

Đăng ký thành lập DNTN trực tuyến thực chất là việc đăng ký thành lập DNTN qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DNTN trực tuyến, người thành lập doanh nghiệp phải có chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh.

Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập DNTN qua mạng thông tin điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 43, 44, 45, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể:

1.1. Chuẩn bị hồ sơ.

Cũng tương tự như hồ sơ nộp trực tiếp, thành phần hồ sơ khi thành lập trực tuyến cũng bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. (Mẫu theo Phụ lục I-1, ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. (Thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực).

Tuy nhiên, các giấy tờ này được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử, được định dạng ".doc", ".docx" hoặc "pdf".

1.2. Gửi hồ sơ đăng ký.

Thực hiện thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Bấm truy cập nhanh Tại đây.

Ở bước này, người đăng ký thành lập DNTN kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ, thanh toán lệ phí, phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình được ghi nhận trên Cổng thông tin quốc gia.

thu tuc dang ky thanh lap doanh nghiep tu nhan 3

Điều kiện thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

1.3. Nhận kết quả.

- Sau khi gửi hồ sơ, người nộp hồ sơ được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

- Nếu hồ sơ hợp lệ, người thành lập doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Dựa theo lịch hẹn trong Giấy biên nhận để nhận Giấy chứng nhận trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh hoặc liên hệ với cơ quan này để được gửi thông qua dịch vụ bưu chính.

Trường hợp chưa có đủ nguồn lực để quản lý, điều hành doanh nghiệp, cá nhân có thể đăng ký kinh doanh dưới dạng hộ gia đình. Thông tin về điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh với quy mô hình hộ gia đình đã được Codon.vn chia sẻ chi tiết trong bài hướng dẫn đăng ký thành lập hộ kinh doanh, mời bạn đọc tham khảo, tìm hiểu.

3. Một số câu hỏi liên quan về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.

3.1. Đăng ký thành lập DNTN ở đâu?

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc về "Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư".

Do đó, đăng ký thành lập DNTN được thực hiện trực tiếp tại cơ quan này hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3.2. Thành lập doanh nghiệp tư nhân mất bao lâu?

- Thời hạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Luật Doanh nghiệp là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Vì vậy, việc thành lập DNTN sẽ mất 03 ngày, nếu người thành lập doanh nghiệp đáp ứng đủ hồ sơ. Tuy nhiên, giai đoạn chuẩn bị hồ sơ và các giai đoạn tiền đề có thể sẽ khiến cho quá trình thành lập doanh nghiệp tư nhân kéo dài hơn rất nhiều.

3.3. Chi phí làm thủ tục đăng ký thành lập DNTN là bao nhiêu?

Theo quy định tại Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp được ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC, thì chi phí mà người thành lập doanh nghiệp phải nộp khi đăng ký thành lập DN bao gồm:

- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp- Cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần.

- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần.

Như vậy, thông thường, khi thành lập DNTN, cá nhân phải đóng 150.000 đồng/lần cho cơ quan có thẩm quyền.

thu tuc dang ky thanh lap doanh nghiep tu nhan 4

Chi phí, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân 2022 theo Thông tư 47/2019/TT-BTC

3.4. Có được ủy quyền làm thủ tục đăng ký thành lập?

Câu trả lời: Có.

Theo quy định tại Điều 12, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Người được ủy quyền khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải nộp thêm văn bản ủy quyền và bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

Như vậy, Blog Codon.vn đã cập nhật chi tiết cho bạn đọc về trình tự, thủ tục đăng ký thành lập DN nói chung, DNTN nói riêng bằng các hình thức khác nhau. Đây là căn cứ quan trọng để các cá nhân dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn trong việc thành lập công ty tư nhân của mình.

Bài liên quan