Sau khi di chúc phát sinh hiệu lực, những người được hưởng di sản thừa kế cần phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhằm chuyển giao tài sản của người chết để lại. Dưới đây, Blog Codon.vn sẽ chia sẻ với bạn đọc về thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc 2022.
Mẫu văn bản khai nhận di sản thừa kế và quy định về thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc, những người thừa kế di sản thừa kế theo di chúc có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo quy định. Cụ thể tại Điều 58 Luật công chứng 2014 và những văn bản khác có liên quan đã quy định về việc công chứng văn bản khai nhận di sản như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị để công chứng văn bản khai nhận di sản gồm có:
- Phiếu yêu cầu công chứng.
- Di chúc (bản sao)
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản.
- Giấy chứng tử/giấy tờ chứng minh người để lại di sản đã chết.
- Bản dự thảo khai nhận di sản thừa kế (nếu có).
- Giấy tờ tùy thân của người khai nhận di sản thừa kế: CMND/CCCD/hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
- Những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.
Sau khi chuẩn bị những giấy tờ nêu trên, tại các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Khai nhận di sản thừa kế ở đâu? Mẫu văn bản, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại UBND xã
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc được thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 57, 58 Luật công chứng 2014, Điều 18 Nghị định 29/2015 như sau:
Người thừa kế chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ nêu trên nộp tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền.
- Công chứng viên kiểm tra, xác minh những thông tin, xác định người để lại di sản có đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng có đúng là người được hưởng di sản thừa kế hay không:
+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý, ghi vào sổ công chứng.
+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ: Công chứng viên hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ.
+ Nếu trong hồ sơ có những thông tin chưa rõ ràng, hoặc có căn cứ về việc để lại di sản và hưởng di sản là trái với quy định của pháp luật thì công chứng viên có quyền yêu cầu từ chối công chứng/ theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định theo luật định.
Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành niêm yết công khai về việc thụ lý công chứng văn bản di sản thừa kế tại UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản/nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản (trường hợp không có nơi thường trú).
- Thời hạn niêm yết: 15 ngày.
- Nội dung niêm yết cần phải đảm bảo được những nội dung sau:
+ Họ tên của người để lại di sản và họ tên của người khai nhận di sản thừa kế.
+ Mối quan hệ của những người khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế.
+ Danh mục di sản thừa kế.
+ Trong bản niêm yết cần phải nêu rõ: "Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết"
- UBND cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết, bảo vệ việc niêm yết trong thời hạn 15 ngày.
Sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ như sau:
- Trường hợp nếu đã có dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế: công chứng viên tiến hành kiểm tra các nội dung có trong văn bản khai nhận, đảm bảo những nội dung này không trái với những quy định của pháp luật, không trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục....
- Trường hợp chưa có dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế: công chứng viên soạn thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế theo yêu cầu của người khai nhận di sản. Sau đó, người khai nhận di sản đọc lại nội dung đã được soạn, nếu đồng ý thì công chứng viên sẽ hướng dẫn ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Nếu chưa đồng ý với nội dung có thể yêu cầu công chứng viên điều chỉnh lại.
- Sau khi ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế, người khai nhận di sản thừa kế xuất trình bản chính những giấy tờ để công chứng viên tiến hành đối chiếu trước khi ký xác nhận và lời chứng.
- Công chứng viên trả kết quả là bản chính văn bản khai nhận di sản thừa kế cho người thừa kế.
Trong trường hợp di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì người được hưởng di sản phải thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ để hợp thức hóa quyền sở hữu. Về thủ tục sang tên sổ đỏ đã được Codon.vn chia sẻ trước đây, mời bạn đọc cùng theo dõi.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức phí công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế được tính dựa trên giá trị của di sản thừa kế, cụ thể:
- Đối với giá trị di sản dưới 50 triệu đồng: 50 nghìn đồng/trường hợp.
- Đối với giá trị di sản từ 50 - 100 triệu đồng: 100 nghìn đồng/trường hợp.
- Đối với giá trị di sản từ trên 100 triệu - 01 tỷ đồng: 0,1% giá trị tài sản. .
- Đối với giá trị di sản từ trên 01 tỷ - 03 tỷ đồng: 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản vượt quá 01 tỷ đồng.
- Đối với giá trị di sản từ trên 03 tỷ - 05 tỷ đồng: 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản vượt quá 03 tỷ đồng.
- Đối với giá trị di sản từ 05 tỷ - 10 tỷ đồng: 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản vượt quá 05 tỷ đồng.
- Đối với giá trị di sản từ trên 10 tỷ - 100 tỷ đồng: 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản vượt quá 10 tỷ đồng.
- Đối với giá trị di sản từ trên 100 tỷ đồng: 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).
Bên cạnh đó, để nắm được rõ hơn về trình tự công chứng di chúc, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại bài viết thủ tục công chứng di chúc như thế nào
Như vậy, thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc cập nhật 2022 đã được đề cập trong bài viết trên đây. Trên thực tế, thủ tục khai nhận di sản thừa kế có thể kéo dài hơn so với luật định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài ra, đối với những trường hợp chia di sản thừa kế nhưng không có di chúc, bạn đọc có thể tham khảo bài viết cách chia tài sản thừa kế không có di chúc để tìm hiểu thêm thông tin