Thủ tục giải chấp sổ đỏ

Thủ tục giải chấp sổ đỏ

Khi sổ đỏ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay, trường hợp nghĩa vụ trả nợ hoàn thành, bên thế chấp và bên nhận thế chấp cần thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ như sau.

thu tuc giai chap so do

Giải chấp sổ đỏ ở đâu? Điều kiện, thủ tục giải chấp sổ đỏ mới nhất

Mục Lục bài viết:
1. Giải chấp sổ đỏ là gì?
2. Điều kiện giải chấp sổ đỏ mới nhất.
3. Thủ tục giải chấp sổ đỏ 2022.
3.1. Hồ sơ giải chấp sổ đỏ.
3.2. Thẩm quyền giải chấp sổ đỏ.
3.3. Trình tự thực hiện giải chấp sổ đỏ.
4. Thủ tục giải chấp sổ đỏ mất bao lâu?
5. Lệ phí xóa thế chấp sổ đỏ.

1. Giải chấp sổ đỏ là gì?

- Sổ đỏ hay gọi chính xác theo thuật ngữ pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

- Thế chấp sổ đỏ thực chất là thế chấp quyền sử dụng đất, tuy nhiên, bản chất của thế chấp là không chuyển giao tài sản do đó sổ đỏ là giấy tờ được chuyển giao cho bên nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Người sử dụng đất chỉ có thể thực hiện biện pháp bảo đảo thế chấp quyền sử dụng đất khi có giấy chứng nhận, vì vậy, trong trường hợp bị mất thì cần thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ khi bị mất để thế chấp nói riêng và thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất nói chung.

- Theo quy định tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP, thế chấp quyền sử dụng đất là biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký.

- Từ những phân tích trên có thể hiểu, giải chấp sổ đỏ là việc bên thế chấp thực hiện thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất tại cơ quan có thẩm quyền khi có đủ các căn cứ luật định.

2. Điều kiện giải chấp sổ đỏ mới nhất.

- Tại Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định về 10 căn cứ giải chấp sổ đỏ, tuy nhiên, xét ở góc độ thực tế, một vài các căn cứ điển hình gồm có:

+ Nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt (Bên thế chấp hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng chính đối với bên bảo đảm).

+ Biện pháp thế chấp sổ đỏ bị hủy bỏ hoặc thay thế bằng một biện pháp bảo đảm khác như cầm cố ô tô.

+ Quyền sử dụng đất được thay thế bởi một tài sản bảo đảm khác.

+ Giải chấp khi có thỏa thuận của các bên.

Thế chấp sổ đỏ thường là biện pháp bảo đảm cho các hợp đồng vay ở tổ chức tín dụng. Để biết cách thế chấp sổ đỏ, độc giả xem tại bài viết thủ tục thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng năm 2022. Giải chấp diễn ra khi bên vay đã trả xong nợ (gốc và lãi theo quy định) hoặc trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ và quyền sử dụng đất bị xử lý để thanh toán.

thu tuc giai chap so do 2

Điều kiện, thủ tục xóa thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng theo quy định mới

3. Thủ tục giải chấp sổ đỏ 2022.

3.1. Hồ sơ giải chấp sổ đỏ.

- Khi xóa biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất nói chung, giải chấp sổ đỏ nói riêng, người đã yêu cầu đăng ký nộp một bộ hồ sơ gồm:

+ Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (bản chính) - Mẫu 04/XĐK, Thông tư 07/2019/TT-BTP.

+ Một bản chính và một bản sao văn bản đồng ý xóa đăng ký của bên nhận bảo đảm / văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm nếu phiếu yêu cầu chỉ có chữ ký của bên thế chấp.

+ Bản chính Giấy chứng nhận.

Nếu người người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có văn bản ủy quyền (hợp đồng hoặc giấy ủy quyền).

3.2. Thẩm quyền giải chấp sổ đỏ.

- Thẩm quyền xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Khoản 3, Điều 9 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

3.3. Trình tự thực hiện giải chấp sổ đỏ.

- Người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp sổ đỏ gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Cơ quan có thẩm quyền ghi nội dung xóa đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận.

Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trường hợp xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì ghi:

"Thế chấp bằng... (ghi tên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) tại... (ghi tên và địa chỉ của bên nhận thế chấp) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)";

Sổ đỏ sau khi được giải chấp có thể thực hiện các giao dịch, đặc biệt là mua bán, bên mua khi nhận quyền sử dụng đất phải thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ

theo quy định của pháp luật.

4. Thủ tục giải chấp sổ đỏ mất bao lâu?

- Thời gian giải chấp sổ đỏ kéo dài tối đa 03 ngày, từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ mà không tính ngày nghỉ, lễ.

Nếu ở các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì thời gian giải chấp sổ đỏ tối đa là 13 ngày.

5. Lệ phí xóa thế chấp sổ đỏ.

- Thực hiện theo Thông tư 202/2016/TT-BTC, lệ phí xóa thế chấp sổ đỏ đang được áp dụng với mức thu 20.000 đồng/hồ sơ.

Lưu ý: Sổ đỏ được nhắc đến trên đây có thể là sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trước đây), để có thể nhận diện các giấy tờ lý cùng với cách gọi phổ biến này, độc giả xem tại bài viết phân biệt sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh.

Trên đây là những thông tin về thủ tục giải chấp sổ đỏ được chuyên mục Đất đai tại Codon.vn tổng hợp và phân tích. Thủ tục xóa thế chấp là bắt buộc khi có căn cứ, để đảm bảo quyền sử dụng đất có thể là đối tượng trong các giao dịch khác mà không bị rào cản bởi giao dịch bảo đảm đã được xác lập.

Bài liên quan