Phân biệt sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh

Phân biệt sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh

Sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh là tên gọi thông thường của các giấy tờ pháp lý về đất đai, nhà ở và giữa chúng có những đặc điểm khác biệt nhau từ hình thức cho đến nội dung. Chi tiết cách phân biệt sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh sẽ được chuyên mục Đất đai tại trang Codon.vn bật mí ngay sau đây.

phan biet so hong so do so trang so xanh

Sổ hồng la gì? Sổ trắng là gì? Sổ đỏ là gì? Bật mí cách phân biệt các loại sổ chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật

Mục Lục bài viết:
1. Sổ hồng là gì?
2. Sổ đỏ là gì?
3. Sổ trắng là gì?
4. Sổ xanh là gì?
5. Phân biệt giữa sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh.
6. Có bắt buộc phải đổi từ sổ hồng cũ, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh sang sổ hồng mới không?

1. Sổ hồng là gì?

1.1. Thế nào là sổ hồng?

Sổ hồng là cách gọi được dùng để chỉ về Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (trước ngày 10/12/2009) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (Từ ngày 10/12/2009) xuất phát từ màu hồng cánh sen của Giấy chứng nhận.

Thông tin chi tiết về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng, bìa hồng), điều kiện, hồ sơ, lệ phí cấp sổ hồng đã được tổng hợp chi tiết trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để tìm hiểu thêm.

1.2. Đặc điểm của sổ hồng.

Theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Điều 3, thì sổ hồng có các đặc điểm sau:

- Chỉ có một mẫu thống nhất do Bộ Tài nguyên môi trường ban hành áp dụng trong cả nước và với mọi loại đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất.

- Sổ hồng có 04 trang, nền được in hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen; các trang bổ sung là màu trắng.

- Kích thước trang: 190mm x 265mm.

1.3. Khi nào được cấp sổ hồng?

Sổ hồng được cấp khi cá nhân, tổ chức, hộ gia đình thuộc một trong các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 99 Luật Đất đai năm 2013.

Ví dụ:

- Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 1/7/2014.

- Người được nhận chuyển nhượng, tặng cho.

1.4. Thẩm quyền cấp sổ hồng.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được xác định dựa theo quy định tại Điều 105 Luật Đất đai, trong đó:

- UBND cấp tỉnh cấp cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

- UBND cấp huyện cấp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

phan biet so hong so do so trang so xanh 2

Sổ hồng, bìa hồng là gì? Sổ hồng và sổ đỏ, sổ nào giá trị hơn?

2. Sổ đỏ là gì?

2.1. Thế nào là sổ đỏ?

Sổ đỏ là cách gọi phổ biến để chỉ về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho người sử dụng đất trước ngày 10/12/2009 do Giấy chứng nhận này có trang bìa (trang 1) màu đỏ.

Thực tế, ngày nay người ta vẫn dùng "sổ đỏ" để chỉ về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mặc dù màu sắc trên giấy chứng nhận đã có sự thay đổi. Như vậy, hiện này khi thực hiện Thủ tục xin cấp sổ đỏ lần đầu thì người sử dụng đất sẽ được cấp sổ đỏ.

2.2. Đặc điểm của sổ đỏ?

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đặc điểm:

- Chỉ áp dụng một mẫu thống nhất trong cả nước đối với mọi loại đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành.

- Tài sản gắn liền với đất (nếu có) sẽ được ghi trong Giấy chứng nhận.

- Sổ đỏ có 01 tờ, 04 trang: Trang 1 (bìa)- màu đỏ; trang 2, 3- Nền được in hoa văn trống đồng màu vàng tơ ram 35%; trang 4-màu trắng. Đặc được này được ghi nhận tại Điều 2, Quyết định 08-2006/QĐ-BTNMT.

2.3. Khi nào được cấp sổ đỏ?

Sổ đỏ được cấp trước năm 2009 sẽ căn cứ vào các văn bản quy phạm khác nhau. Giả sử, nếu được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thì người sử dụng đất phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 49.

Trường hợp bị mất, hỏng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư, đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể hoàn tất hồ sơ, giấy tờ để yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại sổ. Chi tiết về hồ sơ, trình tự cần thực hiện, bạn đọc có thể xem trong nội dung bài thủ tục cấp lại sổ đỏ khi bị mất của Codon.vn.

2.4. Thẩm quyền cấp sổ đỏ.

Việc xác định thẩm quyền cấp sổ đỏ dựa theo quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2003, theo đó Sổ đỏ được cấp bởi:

- UBND cấp tỉnh cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- UBND cấp huyện cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

phan biet so hong so do so trang so xanh 3

Thông tin về khái niệm, phân biệt sổ hồng và sổ đỏ khác nhau như thế nào?

3. Sổ trắng là gì?

Sổ trắng là cách gọi dùng để chỉ về một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp cho người sử dụng trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Chẳng hạn: Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở;....

Cách gọi sổ trắng cũng xuất phát từ màu bìa của các giấy tờ về quyền sử dụng đất.

4. Sổ xanh là gì?

Cũng tương tự như các loại sổ khác, sổ xanh cũng là cách gọi xuất phát từ màu bìa của Giấy chứng nhận, cụ thể là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Thực tế, Giấy chứng quyền sử dụng đất lâm nghiệp được cấp theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP cho người sử dụng đất có quyền sở hữu với rừng sản xuất là rừng trồng.

Sổ xanh hiện nay có thể được hiểu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và nó có thời hạn theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.

Liên quan đến mục đích sử dụng đất nông nghiệp, Điều 6 Luật đất đai 2013 đã chỉ rõ nguyên tắc sử dụng đất là: "Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất". Vậy có được xây nhà trên đất nông nghiệp không? Muốn xây nhà trên đất nông nghiệp, cá nhân, tổ chức cần làm những gì? Đáp án cho vấn đề này đã được Codon.vn chia sẻ, bạn đọc có thể bấm vào link bài viết để tìm hiểu thêm.

5. Phân biệt sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh.

Dựa trên các phân tích ở trên, có thể thấy, sự khác biệt giữa các loại sổ như sau:

- Khác nhau về tên gọi pháp lý.

- Khác nhau về thời điểm được ban hành.

- Khác nhau về nội dung và hình thức theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường qua từng thời kỳ.

phan biet so hong so do so trang so xanh 4

Cách phân biệt giữa sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh

6. Có bắt buộc phải đổi từ sổ hồng cũ, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh sang sổ hồng mới không?

Dựa trên quy định tại Luật Đất đai 2013, tại Điều 97, Khoản 2:

"Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này."

Như vậy, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình đã có sổ đỏ, sổ hồng cũ, sổ trắng, sổ xanh thì không bắt buộc phải chuyển sang sổ hồng mới. Việc chuyển đổi chỉ thực hiện khi có nhu cầu của người sử dụng đất, trường hợp sang tên khi được tặng cho, mua bán,...thì thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ để được cấp sổ mới theo quy định hiện hành.

Cách phân biệt sổ hồng, sổ đỏ, sổ trắng, sổ xanh về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất có ý nghĩa quan trọng, để quyết định đến tính chất pháp lý của các giấy tờ, làm căn cứ để chứng minh tính hợp pháp trong quá trình sử dụng đất.

Bài liên quan