Quy định về tuyển dụng công chức, các phương thức tuyển dụng

Quy định về tuyển dụng công chức, các phương thức tuyển dụng

Nghị định 138/2020/NĐ-CP được ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã quy định về tuyển dụng công chức, các phương thức tuyển dụng công chức. Trong đó, có một vài những điểm mới trong hoạt động tuyển dụng công chức.

quy dinh ve tuyen dung cong chuc cac phuong thuc tuyen dung

Quy định mới về tuyển dụng công chức. Quy ché tuyển dụng công chức 2022

Mục Lục bài viết:
1. Quy định về tuyển dụng công chức.
1.1. Căn cứ tuyển dụng công chức.
1.2. Nguyên tắc tuyển dụng công chức.
1.3. Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức.
2. Các phương thức tuyển dụng công chức.
2.1. Thi tuyển công chức.
2.2. Xét tuyển công chức.
2.3. Trường hợp đặc biệt.

1. Quy định về tuyển dụng công chức.

Tại Luật cán bộ công chức 2008 được sửa đổi, bổ sung 2019, Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về vấn để tuyển dụng công chức cụ thể như sau:

1.1. Căn cứ tuyển dụng công chức.

- Tuyển dụng công chức được căn cứ dựa trên: yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và tiêu chí biên chế. Việc tuyển dụng công chức cần phải có kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng xây dựng và phải báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt.

- Về nội dung của kế hoạch tuyển dụng công chức gồm có:

+ Số lượng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao.

+ Số lượng biên chế công chức công chức chưa sử dụng của cơ quan sử dụng công chức.

+ Số lượng biên chế công chức cần tuyển ở từng vị trí.

+ Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có) và phải xác định rõ về chỉ tiêu, cơ cấu cần tuyển.

+ Số lượng vị trí việc làm thực hiện xét tuyển (nếu có) đối với từng nhóm đối tượng khác nhau theo luật định.

+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm.

+ Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển.

+ Các nội dung khác (nếu có).

1.2. Nguyên tắc tuyển dụng công chức.

Khi tuyển dụng công chức cần đáp ứng những nguyên tắc tuyển dụng như sau:

- Thứ nhất, tuyển dụng công chức phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

- Thứ hai, tuyển dụng công chức phải đảm bảo tính cạnh tranh.

- Thứ ba, tuyển dụng công chức phải được thực hiện nhằm tuyển chọn đúng người và đáp ứng đủ những yêu cầu, tiêu chí, nhiệm vụ, vị trí việc làm.

- Thứ tư, về việc ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với đất nước, người dân tộc thiểu số. Đây là những công dân thuộc một trong những đối tượng được ưu tiên khi thi tuyển công chức, viên chức mà pháp luật quy định.

1.3. Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức.

Những cơ quan có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng công chức gồm có:

(1) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

(2) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

(3) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

(4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

(5) Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

=> Đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức thì sẽ được giao biên chế, kinh phí hoạt động, có con dấu riêng, tài khoản riêng và được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức.

quy dinh ve tuyen dung cong chuc cac phuong thuc tuyen dung 2

Công chức được tuyển dụng theo hình thức nào? Tìm hiểu quy chế, các phương thức tuyển dụng công chức theo quy định mới

2. Các phương thức tuyển dụng công chức.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi bổ sung 2019, các hình thức tuyển dụng công chức gồm có: (1) thi tuyển, (2) xét tuyển.

2.1. Thi tuyển công chức.

Hình thức thi tuyển công chức được quy định tại Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

- Về số vòng thi: 02 vòng, trong đó :

Vòng 1: Kiểm tra kiến thức, năng lực chung.

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

* Vòng 1:

- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

- Nội dung thi:

+ Phần I: Thi kiến thức chung gồm 60 câu hỏi - thời gian làm bài: 60 phút (về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác).

+ Phần II: Thi ngoại ngữ gồm 30 câu hỏi - thời gian làm bài: 30 phút - thi một trong năm ngoại ngữ: tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định.

+ Phần III: Thi tin học gồm 30 câu hỏi - thời gian làm bài: 30 phút.

Những trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học theo quy định của pháp luật thì người dự thi phải nộp các văn bằng, chứng chỉ, tài liệu chứng minh theo yêu cầu của hội đồng tuyển dụng công chức).

- Nếu người dự thi hoàn thành vòng 1 với kết quả đúng từ 50% trở lên thì sẽ được thi tiếp vòng 2.

* Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

- Hình thức thi: người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết (tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm, yêu cầu của vị trí làm việc cần tuyển).

- Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút

- Thang điểm (thi phỏng vấn, thi viết): 100 điểm.

2.2. Xét tuyển công chức.

Căn cứ Điều 10, Điều 11 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, xét tuyển công chức được thực hiện như sau:

* Về đối tượng được xét tuyển công chức: sẽ do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng như sau:

- Nhóm 1: Xét tuyển công chức đối với người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Nhóm 2: Xét tuyển công chức đối với người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

- Nhóm 3: Xét tuyển công chức đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

* Về hình thức xét tuyển công chức: được thực hiện theo 02 vòng, trong đó:

- Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển.

Người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra về tất cả những thông tin, điều kiện của người dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trường hợp người dự tuyển đáp ứng đủ những điều kiện thì được tham dự vòng 2.

- Vòng 2:

+ Phỏng vấn, kiểm tra về: kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

+ Thời gian phỏng vấn 30 phút (thời gian chuẩn bị trước khi phỏng vấn: không quá 15 phút).

+ Thang điểm: 100 điểm.

2.3. Trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh 02 hình thức tuyển dụng công chức đã nêu trên, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người vào làm công chức khi người đó đáp ứng đủ những tiêu chuẩn, điều kiện và không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, thuộc một trong những trường hợp sau:

(1) Làm viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Làm cán bộ, công chức cấp xã.

(3) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức.

(4) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương.

(5) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Trên đây, Blog Codon.vn đã chia sẻ với bạn đọc quy định về tuyển dụng công chức, các phương thức tuyển dụng một cách chi tiết, cụ thể để dễ dàng hơn trong quá trình áp dụng. Theo đó, để trở thành công chức thì cần phải đáp ứng những điều kiện dự thi công chức mà pháp luật quy định.

Bài liên quan