Có nhiều trường hợp người lao động đã nghỉ việc không hưởng lương tại tháng liền kề trước tháng nghỉ việc hoặc tại tháng nghỉ việc. Họ thắc mắc rằng nghỉ không lương trước khi nghỉ việc có được trợ cấp thất nghiệp hay không? Để có câu trả lời chính xác nhất, cần phải xét đến điều kiện nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Chi tiết nội dung được chuyên mục Bảo hiểm của Codon.vn đề cập tại bài viết sau.
Điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Nghỉ việc sau khi nghỉ không lương có được trợ cấp thất nghiệp?
* Danh mục từ viết tắt:
- BHTN: Bảo hiểm thất nghiệp.
- NLĐ: Người lao động.
- Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Cách thức chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc (sau đây gọi chung là "hợp đồng") đúng quy định pháp luật.
(2) Đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bạn đọc có thể kiểm tra thời gian đóng BHTN bằng cách tra cứu bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn dã chia sẻ.
(3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo đúng quy định.
(4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp:
+ Đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
- Một điều đáng chú ý ở đây là đối tượng "người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp".
Theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xem là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi thuộc một trong những trường hợp sau:
+ TH1: Tại tháng chấm dứt hợp đồng, NLĐ đã đóng BHTN.
+ TH2: Tháng liền kề trước tháng nghỉ việc, NLĐ đã đóng BHTN tháng đó.
+ TH3: Tháng liền kề trước tháng nghỉ việc hoặc tại tháng nghỉ việc, NLĐ nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên/tháng, không nhận lương.
+ TH4: Tháng liền kề trước tháng nghỉ việc hoặc tháng nghỉ việc, NLĐ nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị.
+ TH5: Tháng liền kề trước tháng nghỉ việc hoặc tháng nghỉ việc, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng từ 14 ngày làm việc trở lên.
Yêu cầu chung: Tất cả thời gian đóng, thời gian nghỉ nêu trên đều phải có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội trên sổ BHXH.
=> Thông qua đây, có thể thấy trường hợp NLĐ nghỉ không hưởng lương trước khi nghỉ việc (tại tháng người này chấm dứt hợp đồng hoặc tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng) thì cũng được xác định là NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Lưu ý: Trong thời gian tham gia BHTN, người lao động phải tuân thủ mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mà pháp luật quy định.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2022
Căn cứ quy định tại mục 1 cùng cách xác định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp đã nêu, có thể kết luận rằng:
- Người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trước khi nghỉ việc: nghỉ tại tháng nghỉ việc hoặc nghỉ tại tháng liền kề trước tháng nghỉ việc => Được xác định là người lao động đang đóng BHTN.
- Người này được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu đảm bảo cả 04 điều kiện về hưởng trợ cấp thất nghiệp (cách thức nghỉ việc, thời gian đóng BHTN, đã nộp hồ sơ và chưa tìm được việc làm) thì được nhận trợ cấp thất nghiệp.
Cách tính tiền trợ cấp thất nghiệp đã được chúng tôi chia sẻ, mời bạn đọc theo dõi thêm.
- Ngày 25/7/2022, chị Hương hết hạn hợp đồng lao động với công ty cổ phần Gia An. Chị đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2018 đến tháng 7/2022 được 4 năm 8 tháng.
- Trong tháng 6/2022, chị Hương có xin nghỉ không hưởng lương 15 ngày làm việc để chăm mẹ bị ốm.
Vậy khi hết hợp đồng vào 25/7/2022, chị Hương có nhu cầu nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì có được không?
Trả lời:
- Trường hợp chị Hương nghỉ không hưởng lương 15 ngày làm việc vào tháng 6/2022, và 25/7/2022 chị chấm dứt hợp đồng lao động (vì hết thời hạn) thì tháng 6/2022 được xác định là tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng.
- Căn cứ khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì trường hợp chị Hương có tháng liền kề trước tháng kết thúc hợp đồng mà nghỉ việc từ 14 ngày trở lên, được cơ quan BHXH xác nhận => Chị được xác định là NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
=> Theo đó, nếu chị Hương đảm bảo các điều kiện về hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ,..thì được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Chị Hương lưu ý phải nộp lại sổ bảo hiểm xã hội cho công ty (nếu chị giữ sổ) để công ty làm thủ tục chốt sổ, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận vào sổ.
Nghỉ không lương trước khi nghỉ việc có được trợ cấp thất nghiệp hay không phụ thuộc vào điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp (thời gian đóng, cách thức nghỉ việc,...). Đặc biệt phải xác định được việc người lao động có thuộc trường hợp đang đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không.