Theo quy định hiện hành, nội dung trên hóa đơn không được tẩy xóa, sửa chữa, Vậy trường hợp tẩy xóa hóa đơn sẽ bị xử phạt ra sao? Sau đây là thông tin về mức phạt do tẩy xóa hóa đơn cập nhật nhất. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây tại chuyên mục Pháp luật Thuế của Codon.vn
Tẩy xóa hóa đơn phạt bao nhiêu tiền? Các mức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mới nhất.
- Khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC xác định hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Điều 16 Thông tư này quy định về nguyên tắc lập hóa đơn như sau: Khi lập hóa đơn, nội dung trên hóa đơn không được tẩy xóa, sửa chữa,...
Như vậy, hóa đơn không được tẩy xóa. Trường hợp người lập hóa đơn tẩy xóa trên hóa đơn thì hóa đơn này sẽ không được chấp nhận. Việc sử dụng hóa đơn có tẩy xóa được xác định là sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện các giao dịch nhanh chóng và thuận tiện thông qua chữ ký số.
- Khoản 1 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
"1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán;
[...]"
- Khoản 2 Điều 6 Nghị định này (được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) quy định:
"Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8 [...] là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.".
=> Như vậy, trường hợp cá nhân tẩy xóa, sửa chữa hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi tẩy xóa hóa đơn thì bị phạt tiền từ 6 triệu đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, bạn đọc có thể xem thêm bài viết mức phạt vi phạm về hóa đơn thường gặp mà chúng tôi đã cung cấp.
Hoá đơn tẩy xoá bị phạt bao nhiêu tiền?
Khi phát hiện nội dung trên hóa đơn đã lập có sai sót, người lập hóa đơn không được tẩy xóa, sửa chữa nội dung hóa đơn mà phải xử lý theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC như sau:
TH1: Hóa đơn đã lập, chưa giao cho người mua
Người lập hóa đơn gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.
TH2:
- Hóa đơn đã lập, đã giao cho người mua nhưng chưa giao hàng, chưa cung ứng dịch vụ;
- Hóa đơn đã lập, đã giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế
Cách xử lý: Hủy bỏ hóa đơn
- Người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản này phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn.
- Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.
TH3: Hóa đơn đã lập, đã giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế - sau đó mới phát hiện hóa đơn có sai sót
Cách xử lý:
- Người bán và người mua phải lập biên bản về vấn đề hóa đơn có sai sót hoặc lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót;
- Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Lưu ý, hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.
Theo Khoản 15 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bị tẩy xóa thì sẽ không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Một hóa đơn phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Nguyên tắc lập hóa đơn:
+ Nội dung đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
+ Không tẩy xóa, không sửa chữa;
+ Hóa đơn dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ;
+ Chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có).
- Nội dung: Những nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy:
+ Tên hóa đơn;
+ Ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hóa đơn;
+ Tên liên hóa đơn: Liên 1: Lưu; Liên 2: Giao cho người mua; từ liên thứ 3 trở đi thì đặt tên theo công dụng mà người tạo hóa đơn quy định. Lưu ý hóa đơn do cơ quan thuế cấp lẻ thì phải có 3 liên, liên 3 được lưu tại cơ quan thuế.
+ Số thứ tự hóa đơn.
+ Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
+ Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
+ Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn.
+ Tên tổ chức nhận in hóa đơn.
Trên đây là thông tin về mức phạt do tẩy xóa hóa đơn mà chúng tôi cung cấp. Khi lập hóa đơn, người lập hóa đơn cần chú ý hạn chế để xảy ra sai sót và xử lý trường hợp lập hóa đơn sai theo đúng quy định pháp luật, không được tẩy xóa, sửa chữa hóa đơn.
Trên thực tế, các hộ kinh doanh tiến hành giao dịch nhưng không thành công vì các lý do khác nhau, vậy xử lý hóa đơn như thế nào? Bạn đọc theo dõi bài viết hộ kinh doanh trả lại hàng mua xử lý hóa đơn thế nào để nắm thông tin.