Một số lưu ý về quyết toán thuế TNDN

Một số lưu ý về quyết toán thuế TNDN

Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề mà bất kỳ kế toán nào tại các công ty, doanh nghiệp cũng phải nắm rõ để thực hiện đúng thời hạn, đúng quy định. Một số lưu ý về quyết toán thuế TNDN được chuyên mục Pháp luật Thuế của Codon.vn tổng hợp và chia sẻ ngay sau đây, mời bạn đọc theo dõi.

mot so luu y ve quyet toan thue tndn

Những lưu ý quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất

Mục Lục bài viết:
1. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Lưu ý khi kê khai quyết toán thuế.
2.1. Chi phí hợp lý được trừ và chi phí không hợp lý.
2.2. Xác định, kê khai giảm thuế.
2.3. Xác định, kê khai thông tin về giao dịch liên kết.
3. Mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN theo Thông tư 80.

* Danh mục từ viết tắt:

- TNDN: Thu nhập doanh nghiệp.

- DN: Doanh nghiệp.

- HHDV: Hàng hóa dịch vụ.

- GTGT: Giá trị gia tăng.

1. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp có mã số thuế riêng, là thông tin để tiến hành các thủ tục, quyết toán thuế với cơ quan quản lý thuế, cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp đã được Codon.vn chia sẻ chi tiết, bạn đọc có thể theo dõi để nắm thông tin. Doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định về thời hạn quyết toán thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

- DN có năm tài chính trùng năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

- DN có năm tài chính khác năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại DN: Chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày có thay đổi.

Ngoài những thời hạn nêu trên, kế toán tại mỗi doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng lịch nộp các loại tờ khai thuế, lệ phí môn bài theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Lưu ý khi kê khai quyết toán thuế

2.1. Chi phí hợp lý được trừ và chi phí không hợp lý

Doanh nghiệp cần xác định cụ thể các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN. Từ đó sẽ xác định được thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế và số thuế phải nộp.

* Chi phí được trừ

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì ngoại trừ các khoản chi không được trừ (theo quy định), mọi khoản chi khác sẽ được trừ nếu đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

(2) Có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp.

(3) Khoản chi có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (đã có thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định về thuế GTGT.

Ngoài ra, cần lưu ý:

- Nếu hóa đơn mua HHDV từng lần có giá trị từ 20 triệu trở lên mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, DN chưa thanh toán => DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

- Nếu khi thanh toán không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt => DN phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị HHDV không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).

- Ví dụ một số khoản chi phí được trừ như:

+ Tiền lương, tiền công, các chi phí đóng bảo hiểm cho nhân viên (trừ trường hợp 2.6 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96).

+ Phụ cấp công tác (tiền tàu xe, ăn ở) cho nhân viên nếu có đủ hóa đơn, chứng từ.

+ Chi phí để mua các nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất.

* Chi phí không được trừ:

Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96 liệt kê 37 khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN, đơn cử như:

- Các khoản chi không đáp ứng đủ điều kiện trở thành khoản chi hợp lý.

- Các khoản tiền nộp phạt vi phạm hành chính: vi phạm giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh hay kế toán thống kê,...

- Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh của năm.

- Các khoản chi của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, kinh doanh chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

mot so luu y ve quyet toan thue tndn 2

Mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN theo Thông tư 80 và quy định về các loại chi phí được trừ, không được trừ khi tính thuế

2.2. Xác định, kê khai giảm thuế

- Đây cũng là một nội dung mà DN cần chú ý thực hiện khi kê khai quyết toán thuế.

- Riêng đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2021, doanh nghiệp được giảm 30% thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện:

+ Được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Doanh thu kỳ tính thuế 2021 không quá 200 tỷ đồng, và giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 (tiêu chí này không áp dụng với DN mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và 2021).

=> Như vậy, những DN thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế thì phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nộp khi thực hiện quyết toán.

2.3. Xác định, kê khai thông tin về giao dịch liên kết

DN phải xác định chính xác đối tượng phải kê khai thông tin về giao dịch liên kết, chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN, hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót.

Hiện nay, chi phí lãi vay được trừ khống chế ở mức tối đa là 30%, Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về nội dung này, mời bạn đọc theo dõi.

3. Mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN theo Thông tư 80

Lưu ý, những biểu mẫu này được sử dụng tùy theo thực tế phát sinh của từng người nộp thuế:

- Tờ khai thuế TNDN (áp dụng với phương pháp tỷ lệ trên doanh thu): Mẫu số 04/TNDN Thông số 80/2021/TT-BTC.

TẢI TỜ KHAI THUẾ TNDN MẪU SỐ 04/TNDN TẠI ĐÂY

- Tờ khai quyết toán thuế TNDN (áp dụng với phương pháp doanh thu - chi phí): Mẫu số 03/TNDN và một số phụ lục đính kèm Thông tư 80/2021/TT-BTC.

TẢI TỜ KHAI QUYẾT TOÁN THUẾ TNDN MẪU SỐ 03/TNDN TẠI ĐÂY

- Phụ lục thuế TNDN được giảm (áp dụng với kỳ tính thuế 2021) ban hành kèm theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP.

- Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động/ chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển đổi loại hình hoặc tổ chức lại DN theo quy định (trừ trường hợp không phải lập báo cáo tài chính).

- Tờ khai giao dịch liên kết.

Áp dụng với người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2020/NĐ-CP => Kê khai thông tin theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III Nghị định này và nộp cùng với tờ khai quyết toán thuế TNDN.

- Những tài liệu khác liên quan đến quyết toán thuế.

Kê khai, quyết toán thuế TNDN là hoạt động không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp hàng năm. Việc tuân thủ quy định, nắm những lưu ý về quyết toán thuế TNDN sẽ giúp công việc diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn. Bạn đọc có thể xem thêm bài viết cách lập tờ khai quyết toán thuế TNDN theo TT80 mà chúng tôi đã chia sẻ.

Bài liên quan