Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo Luật Hải quan 2014

Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics

Logistics là hoạt động dịch vụ mới phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Vì là ngành dịch vụ quan trọng và mang lại nguồn lợi nhuận lớn nên nhiều người hướng đến việc kinh doanh loại hình dịch vụ này. Vậy, điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics là gì?

dieu kien kinh doanh dich vu logistics

Kinh doanh dịch vụ logistic cần những điều kiện gì? Quy định cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ Logistics theo Luật hải quan 2014

Mục Lục bài viết:
1. Kinh doanh dịch vụ logistics là gì?
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics 2022.
2.1. Điều kiện chung về kinh doanh dịch vụ logistics.
2.2. Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng điều kiện gì?
3. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là gì?
4. Mã ngành nghề trong kinh doanh dịch vụ logistics.

1. Kinh doanh dịch vụ logistics là gì?

- Kinh doanh dịch vụ logistics là hoạt động của thương nhân đáp ứng đủ điều kiện thực hiện một hoặc tất cả các công việc liên quan đến hàng hóa trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng nhằm mục đích lợi nhuận.

- Về cơ bản, dịch vụ logistics đã là hoạt động thương mại, tức là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ logistics được hiểu rộng hơn là việc hướng đến một hoạt động thường xuyên, có tổ chức và phải đăng ký theo quy định của pháp luật.

- Dịch vụ logistics cho phép người làm dịch vụ thực hiện một hoặc nhiều công việc như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan,...theo quy định tại Điều 233 Luật thương mại năm 2005.

- Dịch vụ logistics là tổng hợp của nhiều dịch vụ khác nhau được cung cấp, cụ thể là 15 loại dịch vụ cụ thể và 02 nhóm dịch vụ khác được quy định tại Điều 3, Nghị định 163/2017/NĐ-CP.

Chú ý: Thông tin chi tiết về định nghĩa, các hoạt động cần có của dịch vụ Logistics đã được chia sẻ trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm xem thêm trong bài viết này để tìm hiểu thêm.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics 2022.

2.1. Điều kiện chung về kinh doanh dịch vụ logistics.

- Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cụ thể nào thì phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với dịch vụ đó. Đây là nguyên tắc hay điều kiện đầu tiên trong điều kiện chung được quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 163/2017/NĐ-CP.

Ví dụ: Đối với dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan.

Để được kinh doanh đại lý làm thủ tục hải quan, thương nhân phải đáp ứng điều kiện được quy định tại Luật Hải quan 2014, Điều 20 như sau:

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/doanh nghiệp có ngành, nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa/đại lý làm thủ tục hải quan.

+ Nhân viên có trình độ, chứng chỉ phù hợp và được cấp mã số nhân viên.

+ Hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo thực hiện khai hải quan điện tử và các điều kiện khác.

Là một nhánh nhỏ của ngành Logistics, vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển cũng là lĩnh vực kinh doanh được nhiều cá nhân, thương nhân chú ý. Để được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này, bạn đọc cần tham khảo bài điều kiện kinh doanh vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển để có thêm thông tin.

- Ngoài đáp ứng điều kiện đầu tiên, "tuân thủ các quy định về thương mại điện tử" là điều kiện được áp dụng đối với các thương nhân tiến hành hoạt động logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng khác.

dieu kien kinh doanh dich vu logistics 2

Điều kiện đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics theo Nghị định 163/2017/NĐ-CP

2.2. Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng điều kiện gì?

- Nhà đầu tư nước ngoài được hoạt động logistics tại Việt Nam dưới các hình thức như thành lập doanh nghiệp (DN) theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần với một tỷ lệ nhất định.

- Nhà đầu tư nước ngoài phải đến từ các nước là thành viên của WTO (Tổ chức thương mại thế giới

- Nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh việc đáp ứng điều kiện chung được nêu ở mục 2.1. thì còn phải đáp ứng các điều kiện riêng ứng với các dịch vụ logistics cụ thể:

* Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá thuộc dịch vụ vận tải biển quốc tế.

+ Có công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc có tỷ lệ vốn góp tối đa 49% trong các doanh nghiệp Việt Nam.

+ Có số thuyền viên là người nước ngoài chiếm tối đa 1⁄3 định biên có quốc tịch Việt nam hoặc đăng ký ở Việt Nam.

+ Thuyền trưởng, thuyền phó thứ nhất mang quốc tịch Việt Nam.

+ Công ty vận tải biển nước ngoài thành lập/ góp vốn trong doanh nghiệp.

* Kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container (trừ dịch vụ cung cấp tại sân bay):

+ Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập DN/tỷ lệ vốn góp trong các DN Việt Nam tối đa 50%.

+ Hiện diện thương mại tại Việt Nam theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. (Điều kiện này chỉ áp dụng với kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển).

* Kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ vận tải biển.

+ Nhà đầu tư được thành lập/góp vốn vào DN Việt Nam.

+ Hiện diện thương mại tại Việt Nam theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

* Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, đường sắt.

+ Được thành lập doanh nghiệp hoặc có tỷ lệ góp vốn trong các DN tối đa 49%.

* Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.

+ Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

+ Thành lập DN hoặc có tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp khác tối đa 51%.

+ Nhân viên lái xe của DN phải là công dân Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có quyền lựa chọn áp dụng điều ước quốc tế nếu có sự khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics.

Tương tự, để được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cá nhân, thương nhân cần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008. Thông tin chi tiết, bạn đọc có thể xem trong bài chia sẻ điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ mà chúng tôi chia sẻ trước đây.

3. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là gì?

- Thương nhân theo giải thích của Luật Thương mại bao gồm cả tổ chức kinh tế và cá nhân, tuy nhiên, thực tế lại lại không có bất cứ cá nhân nào được xác định là thương nhân cho đến nay.

- Tại Điều 234 Luật Thương mại xác định thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp (thành lập theo từng loại hình phù hợp hoạt động và quy mô của doanh nghiệp) đáp ứng đủ điều kiện luật định.

Như vậy, nếu muốn kinh doanh dịch vụ logistics, phải thành lập doanh nghiệp mà không được thành lập hợp tác xã hay bất kỳ loại hình tổ chức nào khác.

dieu kien kinh doanh dich vu logistics 3

Điều kiện về đối tượng, chủ thể cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ Logistics

4. Mã ngành nghề trong kinh doanh dịch vụ logistics.

Như đã nói ở phần 1, kinh doanh dịch vụ logistics là việc thực hiện một hoặc nhiều công việc cụ thể. Do đó gắn với mỗi hoạt động đó, thì mã ngành nghề được quy định theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg cũng có sự khác nhau.

Ví dụ:

- Logistics: 52292

- Dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không: 5120.

- Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa: 5210.

Thông tin về những điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics đã được Blog Codon.vn chia sẻ. Việc này đòi hỏi thương nhân phải nắm bắt được tổng hợp các quy định của pháp luật ứng với ngành dịch vụ kinh doanh cụ thể. Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh logistics tại Việt Nam là phù hợp với điều ước quốc tế, góp phần làm phát triển hơn ngành dịch vụ này tại nước ta.

Bài liên quan