Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ 2022, quy định về kinh doanh cầm đồ mới nhất

Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ thuộc nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ như sau.

dieu kien kinh doanh dich vu cam do

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần điều kiện gì? Chi tiết thông tư hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo quy định của pháp luật

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
1.1. Điều kiện về thành lập doanh nghiệp.
1.2. Điều kiện về an ninh, trật tự.
1.3. Điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận.
2.1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự.
2.2. Giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy.
2.3. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
3. Câu hỏi liên quan.
3.1. Không lập hợp đồng cầm cố tài sản khi nhận cầm cố bị phạt bao nhiêu?
3.2. Chưa có giấy chứng nhận ANTT mà kinh doanh dịch vụ cầm đồ bị xử lý thế nào?
3.3. Mức phạt đối với làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

* Danh mục từ viết tắt.

- ANTT: An ninh trật tự.

- PCCC: Phòng cháy chữa cháy

- GCN: Giấy chứng nhận.

Lưu ý: Cầm đồ là dịch vụ cung cấp các giải pháp tài chính có hợp đồng và có kỳ hạn, qua việc thế chấp tài sản phi tiền mặt (vàng, trang sức quý và các vật dụng gia đình có giá trị khác) để nhận tiền mặt. Dịch vụ cầm đồ thường hoạt động dưới hình thức là các cửa tiệm nhỏ lẻ hoặc các chuỗi cửa hàng của các công ty tài chính. Để hiểu rõ hơn về định nghĩa, cách thức hoạt động của các tiệm cầm đồ, bạn đọc có thể xem thêm thông tin trong bài viết này trên wikipedia.org.

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là loại hình kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ này cần đáp ứng đủ những điều kiện được quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP, Luật doanh nghiệp 2020, Nghị Định số 01/2021/NĐ-CP như sau:

1.1. Điều kiện về thành lập doanh nghiệp.

- Căn cứ tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định, điều kiện chung về an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề đó là: "Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam."

=> Như vậy, ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ cũng cần phải được đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà có chủ sở hữu khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.

- Theo Quyết định 27/2018/QĐ-Ttg, hoạt động kinh doanh cầm đồ được đăng ký theo mã ngành nghề cấp 4 với mã 6492: Hoạt động cung cấp tín dụng khác.

dieu kien kinh doanh dich vu cam do 2

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP

1.2. Điều kiện về an ninh, trật tự.

* Điều kiện chung:

Người chịu trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:

Đối với người Việt Nam kinh doanh dịch vụ cầm đồ:

- Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo quy định.

- Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án >03 năm tù chưa được xóa án tích.

- Đang trong thời gian: (1) được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù, (2) đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; (3) đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài kinh doanh dịch vụ cầm đồ:

Chưa được cấp phép cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

* Điều kiện riêng:

Ngoài những điều kiện chung về an ninh, trật tự đã nêu trên, tại Điều 9 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định riêng về người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ như sau:

- Phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

- Không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi sau:

(1) Chống người thi hành công vụ.

(2) Gây rối trật tự công cộng.

(3) Cố ý gây thương tích.

(4) Cho vay lãi nặng.

(5) Đánh bạc.

(6) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

(7) Trộm cắp tài sản.

(8) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(9) Chiếm giữ trái phép tài sản trong khoảng thời gian là 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

dieu kien kinh doanh dich vu cam do 3

Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ về an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP

1.3. Điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Điều kiện về PCCC là một trong những điều kiện được quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP khi cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Tương tự, Nghị định 96/2016/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ cho các tổ chức, doanh nghiệp. Nếu đang có dự định kinh doanh trong lĩnh vực này, bạn đọc cần nắm vững và tuân thủ các điều kiện về an ninh trật tự đối với người chủ cơ sở và các hoạt động tuyển chọn nhân sự, kinh doanh để thực hiện đúng.

2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận.

2.1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT khi hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh theo quy định tại Chương III Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Hồ sơ xin giấy phép ANTT bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp GCN đủ điều kiện về ANTT (mẫu 03 Phụ lục I Nghị định 96/2016/NĐ-CP).

- Một trong các loại giấy tờ sau đây: GCN đăng ký kinh doanh, GCN đăng ký doanh nghiệp hoặc những giấy tờ khác tương đương (bản sao).

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về PCCC.

- Bản khai lý lịch của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự (mẫu 02 Nghị định 96/2016/NĐ-CP).

- Danh sách những người làm việc trong cơ sở kinh doanh.

- Những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.

Bước 2: Nộp hồ sơ.

Chủ cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan Công an cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Hình thức nộp:

+ Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.

+ Gửi qua đường bưu điện.

+ Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công An.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ.

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ và cấp GCN đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn là không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, đầy đủ.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; nếu từ chối giải quyết hồ sơ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2.2. Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị (Mẫu số PC33 - Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)

- Văn bằng/Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC.

- Danh sách cá nhân có văn bằng, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC, chứng chỉ khác tương đương.

- Văn bản chứng minh về điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh như: GCN quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê địa điểm hoạt động; bảng kê khai các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC....

Bước 2: Nộp hồ sơ

Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp Tỉnh hoặc Bộ phận một cửa của Công an tỉnh/Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh (nếu đã triển khai tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công).

Hình thức nộp:

- Trực tiếp tại cơ quan.

- Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công.

- Qua dịch vụ bưu chính.

Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

- Nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ: người có thẩm quyền tiếp nhận và viết Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về PCCC giao cho người nộp 01 bản và lưu hồ sơ 01 bản.

- Nế hồ sơ chưa hợp lệ, đầy đủ: trả lại, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ giao cho người nộp 01 bản và lưu hồ sơ 01 bản.

Bước 4: Trả kết quả.

Cá nhân, tổ chức đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả căn cứ theo ngày hẹn được ghi trên Phiếu tiếp nhận.

Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

dieu kien kinh doanh dich vu cam do 4

Các quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ: Thủ tục xin giấy phép về phòng cháy, chữa cháy

2.3. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Người nộp hồ sơ chọn 01 trong các hình thức nộp sau đây:

(1) Trực tiếp: tại Bộ phận một cửa Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư nơi đặt trụ sở chính của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

(2) Trực tuyến: thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ: trả lại hồ sơ, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hồ sơ; nếu trường hợp từ chối giải quyết hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Trả kết quả.

- Người nộp hồ sơ đến cơ quan giải quyết để nhận kết quả theo giấy hẹn.

- Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Xin giấy phép ANTT và giấy chứng nhận PCCC (Xem mục 2.1 và mục 2.2.)

* Lệ phí giải quyết:

- Đăng ký thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh: 50 nghìn đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp, miễn phí đối với hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng (Thông tư 47/2019/TT-BTC)

- Phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh: 300 nghìn đồng/lần (Thông tư 218/2016/TT-BTC)

Trong trường hợp muốn bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực môi giới, quản lý bất động sản, các cá nhân, tổ chức cũng cần đáp được các điều kiện kinh doanh của Nghị định 02/2022/NĐ-CP. Nếu chưa nắm được các quy định này, bạn đọc có thể tham khảo bài điều kiện kinh doanh bất động sản sản của Codon.vn để có câu trả lời.

3. Câu hỏi liên quan.

3.1. Không lập hợp đồng cầm cố tài sản khi nhận cầm cố bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ tại Điểm i Khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi không lập hợp đồng tài sản khi nhận cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.

3.2. Chưa có giấy chứng nhận ANTT mà kinh doanh dịch vụ cầm đồ bị xử lý thế nào?

- Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT là hành vi vi phạm pháp luật.

- Mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động từ 06 - 09 tháng đối với cơ sở kinh doanh đó.

3.3. Mức phạt đối với làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Mức phạt đối với làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Điểm d Khoản 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP là:

- Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục đối với hành vi này là: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được khi thực hiện hành vi vi phạm.

Trên đây là một số quy định quan trọng về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ mà Blog Codon.vn muốn chia sẻ đến bạn đọc. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ mà pháp luật quy định.

Bài liên quan