Công ty không trả sổ BHXH khi nghỉ việc thì phải làm sao?

Công ty không trả sổ BHXH khi nghỉ việc thì phải làm sao?

Sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ để giải quyết các chế độ BHXH, do đó, khi nghỉ việc người lao động cần phải lấy lại sổ bảo hiểm từ công ty cũ. Nếu công ty không trả sổ BHXH khi nghỉ việc, người lao động có thể tham khảo một số biện pháp giải quyết trong bài viết này của Blog Codon.vn.

cong ty khong tra so bhxh khi nghi viec thi phai lam sao

Phải làm sao khi công ty không trả sổ bảo hiểm? Quy định thủ tục trả sổ bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc

Mục Lục bài viết:
1. Trách nhiệm trả lại sổ BHXH của người sử dụng lao động.
2. Phải làm sao khi công ty cũ không trả sổ bảo hiểm?
3. Có được cấp lại sổ BHXH khi công ty cũ không trả sổ BH?
4. Nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ BHXH?
5. Không trả sổ bảo hiểm cho người lao động, công ty bị xử phạt như thế nào?

1. Trách nhiệm trả lại sổ BHXH của người sử dụng lao động.

- Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sổ BHXH do người lao động quản lý, bảo quản.

- Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người lao động thôi việc theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động. Đây là thời điểm mà người sử dụng lao động thường giữ lại sổ BHXH.

- Trách nhiệm trả lại sổ BHXH của người sử dụng lao động được ghi nhận tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH và điểm a, Khoản 3, Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019.

→ Vì vậy, công ty không được giữ sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc.

2. Phải làm sao khi công ty cũ không trả sổ bảo hiểm?

Để công ty cũ trả lại sổ bảo hiểm khi nghỉ việc, người lao động có thể lựa chọn biện pháp hành chính hoặc biện pháp tố tụng. Trong đó:

- Biện pháp hành chính:

Khiếu nại đối với hành vi giữ sổ bảo hiểm của người lao động. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ghi nhận tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

+ Khiếu nại lần đầu: Người lãnh đạo hoặc ban lãnh đạo của công ty nơi giữ sổ bảo hiểm. (Người có thẩm quyền giải quyết phía người sử dụng lao động).

Thời hạn giải quyết tính từ ngày thụ lý tối đa 30 ngày.

+ Khiếu nại lần hai: Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính. (Áp dụng khi đã khiếu nại lần một mà công ty chưa trả sổ bảo hiểm.)

Thời hạn giải quyết tính từ ngày thụ lý tối đa 45 ngày.

Hồ sơ khiếu nại: Đơn khiếu nại về việc công ty...không trả sổ bảo hiểm.

- Biện pháp tố tụng:

+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở. (Để hiểu rõ hơn về quyền hạn, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết khiếu nại của tòa án nhân dân cấp huyện, bạn đọc có thể bấm xem thêm trong bài viết này trên wikipedia.org).

+ Mặc dù có thể sử dụng biện pháp tố tụng, tuy nhiên đây không phải là biện pháp tối ưu bởi nó có thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài. Vì vậy, biện pháp hành chính là biện pháp tốt nhất và phải thực hiện theo thứ tự khiếu nại nêu trên.

cong ty khong tra so bhxh khi nghi viec thi phai lam sao 2

Công ty không trả sổ bảo hiểm khi nghỉ việc xử lý thế nào?

Sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ để giải quyết chế độ, nếu không lấy được sổ bảo hiểm người lao động sẽ chịu rất nhiều "thiệt thòi". Thông tin về đối tượng được giữ sổ BHXH của người lao động, bạn đọc có thể theo dõi bài Công ty có được giữ sổ bảo hiểm xã hội của NLĐ không?

3. Có được cấp lại sổ BHXH khi công ty cũ không trả sổ BH?

Căn cứ vào quy định tại Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động chỉ được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội khi:

- Mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ, họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã được hưởng BHXH 01 lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng.

Vì vậy, nếu công ty cũ không trả sổ BH thì người lao động cũng không được cấp lại sổ mới. Bởi sổ BHXH của người lao động còn hiệu lực và mỗi người chỉ có 01 sổ BHXH.

4. Nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ BHXH?

Việc lấy lại sổ BHXH sau khi đã nghỉ việc nhiều năm phụ thuộc vào việc người sử dụng lao động còn hoạt động trong thực tế không.

- Nếu người sử dụng lao động cũ còn hoạt động: Yêu cầu công ty cũ xác nhận thời gian tham gia BHXH và trả sổ BHXH. Nếu công ty cố tình không trả thì thực hiện các biện pháp tại Mục 2.

- Nếu người sử dụng lao động cũ đã chấm dứt hoạt động:

+ Trường hợp công ty chưa xác nhận thời gian tham gia BHXH thì người lao động đến cơ quan BHXH đã được công ty cũ đóng trước đây để yêu cầu xác nhận và yêu cầu cấp lại sổ BHXH.

+ Trường hợp công ty đã xác nhận thời gian đóng BHXH thì người lao động có thể làm thủ tục cấp lại sổ BHXH do bị mất.

cong ty khong tra so bhxh khi nghi viec thi phai lam sao 3

Nghỉ 2 năm có lấy được sổ bảo hiểm không? Quy định lấy sổ bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc

5. Không trả sổ bảo hiểm cho người lao động, công ty bị xử phạt như thế nào?

Trường hợp doanh nghiệp không trả sổ bảo hiểm, người lao động có thể làm mẫu đơn khiếu nại công ty không trả sổ BHXH để gửi lên ban giám đốc hoặc tổ chức công đoàn. Việc sai phạm trong việc không trả sổ BHXH cho người lao động, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như sau:

- Người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu khi vi phạm với mỗi người lao động. Mức phạt tối đa là 75 triệu đồng: Áp dụng với người sử dụng là cá nhân.

- Người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt tiền gấp đôi mức nêu trên.

(Đây là quy định được ghi nhận tại Khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Công ty không trả sổ bảo hiểm khi nghỉ việc là một thực tế phổ biến, người lao động cần chủ động nắm rõ các cách thức, biện pháp để có thể bảo vệ được quyền, lợi ích của chính mình.

Trường hợp sử dụng sổ BHXH nhưng bị hỏng, rác bìa, người lao động sẽ không được cơ quan bảo hiểm giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Khắc phục vấn đề này, bạn đọc có thể tìm hiểu nội dung bài Thủ tục xin cấp lại sổ BHXH bị rách bìa của Codon.vn.

Bài liên quan