Trường hợp ly hôn có chia tài sản thì án phí chia tài sản sẽ được tính dựa trên giá trị của tài sản mà các bên được nhận, cụ thể được hướng dẫn tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Theo đó, tại Blog Codon.vn sẽ chia sẻ với bạn đọc về cách tính án phí chia tài sản khi ly hôn.
Chi phí khi ly hôn mất bao nhiêu tiền? Tìm hiểu công thức tính án phí chia tài sản chung khi ly hôn
Khi tiến hành thủ tục ly hôn, về vấn đề tài sản, vợ chồng có thể tự thỏa thuận được với nhau, nếu không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi đó, các bên đương sự có yêu cầu phải nộp án phí theo quy định của pháp luật theo các mức được tính dựa trên phần giá trị của tài sản, cụ thể tại danh mục A Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:
- Án phí đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình không có giá ngạch: 300 nghìn đồng.
- Án phí đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình có giá ngạch được tính dựa trên giá trị tài sản tranh chấp, cụ thể như sau:
(1) 300 nghìn đồng: Tài sản tranh chấp từ 6 triệu đồng trở xuống.
Ví dụ 1:
Vợ chồng chị Tuyết - anh Thịnh yêu cầu giải quyết chia tài sản có giá trị 5.5 triệu đồng. Cho nên án phí cho việc chia tài sản này là 300 nghìn đồng.
(2) 5% giá trị tài sản có tranh chấp: Tài sản tranh chấp từ trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
Ví dụ 2:
Vợ chồng chị Tuyết và anh Thịnh ly hôn và có phần tài sản chung đang tranh chấp là 1 chiếc xe máy vision trị giá là 50 triệu đồng, 1 khoản tiền tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng. Vậy khi yêu cầu Tòa án giải quyết, án phí là bao nhiêu?
Tổng giá trị số tài sản đang tranh chấp là: 50 + 150 = 200 triệu đồng.
=> Án phí phải đóng là: 5% x 200.000.000 = 10.000.000 đồng.
(3) 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng: Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng.
Ví dụ 3:
Chị Linh và anh Quân là vợ chồng hợp pháp và có đăng ký kết hôn vào tháng 9/2017 đến nay, trong quá trình chung sống vì một vài lý do mà chị Linh quyết định ly hôn anh Quân. Được biết, hai anh chị có khối tài sản chung gồm có: 01 ngôi nhà trị giá 700 triệu đồng và 1 chiếc xe máy trị giá 80 triệu đồng, hai anh chị không thể tự thỏa thuận được về vấn đề tài sản và có yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, số tiền án phí phải đóng là bao nhiêu?
Trả lời:
Tổng số tài sản hiện đang tranh chấp là: 700 + 80 = 780 triệu đồng (trong đó số tài sản tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng là 380 triệu đồng).
=> Án phí phải đóng là: 20 triệu + 4% x 380 triệu = 35,2 triệu đồng.
(4) 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng: Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng.
Ví dụ 4:
Số tài sản đang tranh chấp giữa hai vợ chồng anh Mạnh và chị Nga gồm có: 2 chiếc xe máy trị giá 150 triệu đồng, 01 căn nhà trị giá 01 tỷ đồng, 01 cửa hàng có trị giá 500 triệu đồng. Hỏi: khi có yêu cầu gửi đến Tòa án giải quyết, án phí phải nộp là bao nhiêu?
Trả lời:
- Tổng số tài sản hiện đang tranh chấp là: 150 triệu + 01 tỷ + 500 triệu = 1 tỷ 650 triệu đồng (trong đó, giá trị tài sản tranh chấp vượt 800 triệu đồng là 850 triệu đồng).
=> Án phí phải nộp là: 36 + 3% x 850 triệu = 61,5 triệu đồng.
(5) 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng: Từ trên 02 tỷ - 04 tỷ đồng.
Chi phí khi nhờ tòa án chia tài sản ly hôn là bao nhiêu? Ví dụ cách tính án phí chia tài sản khi ly hôn
Ví dụ 5:
Vợ chồng anh chị Hương - Long có gửi đơn ra Tòa yêu cầu giải quyết ly hôn, tuy nhiên hai anh chị vẫn đang có sự tranh chấp về số tài sản chung hiện có bao gồm: 02 mảnh đất tổng 03 tỷ đồng; 01 chiếc xe máy 120 triệu đồng. Vậy hai anh chị sẽ phải nộp án phí là bao nhiêu?
Trả lời:
Tổng số tài sản đang tranh chấp là: 03 tỷ + 120 triệu = 3 tỷ 120 triệu (trong đó giá trị tài sản vượt 02 tỷ đồng là 1 tỷ 120 triệu đồng).
=> Án phí phải nộp là: 72 triệu + 2% x 1 tỷ 120 triệu = 96 triệu đồng.
(6) 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 04 tỷ đồng: Từ 04 tỷ đồng trở lên.
Ví dụ 6:
Khi ly hôn, tổng số tài sản mà 2 vợ chồng hiện đang tranh chấp là 8,5 tỷ đồng. Như vậy án phí mà họ phải nộp là bao nhiêu?
Giá trị tài sản vượt mức 04 tỷ đồng là 04 tỷ 500 triệu đồng.
=> Án phí phải nộp là: 112 triệu + 0,1% x 4,5 tỷ đồng = 116,5 triệu đồng.
Có thể thấy, tương ứng với giá trị tài sản có tranh chấp thì mức án phí là khác nhau.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể thì sẽ xác định được người phải nộp án phí theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo bài viết: Ai là người nộp án phí ly hôn?
- Căn cứ Điều 6 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, đối với vụ án ly hôn giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí = 50% mức án phí theo quy định đã được nêu tại mục 1.
- Ví dụ:
Như trường hợp (2) nêu tại mục 1.
Nếu tài sản tranh chấp có giá trị từ trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng => Án phí = 5% giá trị tài sản có tranh chấp.
=> Án phí theo thủ tục rút gọn = 2.5% giá trị tài sản có tranh chấp = 5 triệu đồng.
Qua đây, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về cách tính án phí chia tài sản khi ly hôn, để có thể cân nhắc việc yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản hoặc tự thỏa thuận với nhau. Ngoài ra liên quan đến vấn đề án phí ly hôn, bạn đọc có thể tham khảo bài viết quy định về án phí ly hôn năm 2022.