Xin giấy phép quảng cáo: Thủ tục, hồ sơ, quy trình thực hiện theo Luật Quảng cáo 2012

Xin Giấy Phép Quảng Cáo

Để sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với người tiêu dùng thì quảng cáo là hình thức được các doanh nghiệp lựa chọn. Vậy quảng cáo có cần xin phép không? Việc xin giấy phép quảng cáo được thực hiện như thế nào?

xin giay phep quang cao

Quy trình, thủ tục xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm,..., theo Luật quảng cáo 2012

Mục Lục bài viết:
1. Những trường hợp phải xin giấy phép quảng cáo.
2. Điều kiện quảng cáo.
3. Thủ tục xin giấy phép quảng cáo.
4. Thời hạn giấy phép quảng cáo.
5. Những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.
6. Một số câu hỏi liên quan
6.1. Người quảng cáo có quyền gì?
6.2. Việc quảng cáo có thể thực hiện qua những phương tiện nào?
6.3. Quảng cáo qua tin nhắn điện thoại chỉ được gửi trong thời gian nào?
6.4. Dán quảng cáo ở cột điện, đèn giao thông phạt bao nhiêu?

1. Những trường hợp phải xin giấy phép quảng cáo

Một số sản phẩm, dịch vụ muốn quảng cáo thì phải xin giấy phép quảng cáo, gồm có:

- Thuốc;

- Thực phẩm chức năng;

- Thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

- Dịch vụ khám, chữa bệnh;

- Sữa, các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ;

- Mỹ phẩm;

- Hóa chất, các chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;

- Trang thiết bị y tế;

- Thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật;

- Thuốc thú y;

- Phân bón.

Chú ý: Theo định nghĩa trên wikipedia.org thì quảng cáo được xem là việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông qua quảng cáo, tổ chức, doanh nghiệp có thể tác động đến hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng và thuyết phục họ mua hàng. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm, cách phân loại cũng như các phương tiện quảng cáo, bạn đọc có thể tìm hiểu thông qua nội dung bài viết này.

2. Điều kiện quảng cáo

Để xin giấy phép quảng cáo thì sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần đáp ứng các điều kiện quảng cáo tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2012:

- Hàng hóa, dịch vụ quảng cáo phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Có tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy;

- Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

- 1 số sản phẩm đặc biệt cần đáp ứng thêm các giấy tờ sau đây:

+ Thuốc: Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo. Thuốc phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực và có hướng dẫn sử dụng Bộ Y tế phê duyệt.

+ Mỹ phẩm: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định.

+ Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế: Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.

+ Sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ:

1) Sản phẩm trong nước: Giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng.

2) Sản phẩm nhập khẩu: Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành.

+ Thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn.

+ Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp.

+ Trang thiết bị y tế: Thiết bị y tế sản xuất trong nước phải có giấy phép lưu hành; thiết bị nhập khẩu có giấy phép nhập khẩu.

+ Thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật:

Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

+ Sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật: Giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.

+ Thuốc thú y, vật tư thú y: Giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm.

+ Phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi: Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

xin giay phep quang cao 2

Điều kiện xin giấy phép quảng cáo năm 2022 theo quy định của Luật Quảng cáo năm 2012

3. Thủ tục xin giấy phép quảng cáo

Đối với mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần phải xin giấy phép quảng cáo thì văn bản chuyên ngành lại có những quy định cụ thể. Do đó, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc thủ tục xin giấy phép quảng cáo thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

3.1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm có những giấy tờ sau:

- Đơn xin giấy phép quảng cáo (Xin xác nhận nội dung quảng cáo - Mẫu số 10 Phụ lục I Nghị định 15/2018/NĐ-CP).

- Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (Bản sao).

- Mẫu nhãn sản phẩm (bản sao).

- Mỗi hình thức quảng cáo sẽ cần chuẩn bị thêm các giấy tờ:

+ Quảng cáo trên báo nói, báo hình: Kịch bản dự kiến quảng cáo, và nội dung dự kiến quảng cáo ghi trong đĩa hình, đĩa âm thanh.

+ Quảng cáo trên các phương tiện khác: ma két (mẫu nội dung) dự kiến quảng cáo.

3.2. Gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền

- Hồ sơ được gửi đến: Cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

- Hình thức gửi hồ sơ: Nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

3.3. Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ và trả kết quả.

- Nếu không đồng ý với nội dung quảng cáo hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì gửi văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu cho người nộp đơn.

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung chỉ được thực hiện 01 lần.

+ DN xin giấy phép quảng cáo tiến hành sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu và thời hạn trong văn bản, gửi lại cho cơ quản thẩm định. Nếu quá 90 ngày làm việc kể từ khi có văn bản mà không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.

+ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung.

- Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép: Thông báo công khai tên, sản phẩm của đơn vị được cấp giấy phép quảng cáo (giấy xác nhận nội dung quảng cáo) sản phẩm thực phẩm trên website của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

=> Cần lưu ý rằng, xin giấy phép quảng cáo (xác nhận nội dung quảng cáo) đã hoàn tất, tuy nhiên, việc lựa hình thức quảng cáo (quảng cáo ở băng rôn, bảng quảng cáo, quảng cáo trên báo,...) vẫn phải tiến hành xin giấy phép thực hiện quảng cáo.

xin giay phep quang cao 3

Quy trình, thủ tục xin giấy phép quảng cáo năm 2022

Sau đây là hướng dẫn về việc xin quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn căn cứ Điều 29 Luật Quảng cáo 2012.

* Chuẩn bị hồ sơ gồm

1. Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo: Nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị làm dịch vụ quảng cáo (bản sao) hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị có sản phẩm quảng cáo nếu tự thực hiện quảng cáo.

3. Hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ (bản sao).

4. Văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức nếu quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội.(Bản sao).

5. Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu

+ Có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo nếu tự thực hiện quảng cáo.

+ Nếu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.

6. Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

7. Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo.

8. Bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng.

* Gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền

Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch - UBND tỉnh nơi định đặt bảng quảng cáo, băng rôn trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.

* Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được tiến hành quảng cáo.

- Nếu không đồng ý về việc quảng cáo thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Tương tự, pháp luật cũng quy định điều kiện, thủ tục xin giấy phép mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu thiết lập mạng lưới mạng xã hội cần phải xin giấy phép thiết lập mạng xã hội và nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông để được cấp phép.

4. Thời hạn giấy phép quảng cáo

- Thời hạn giấy phép quảng cáo phụ thuộc vào mỗi sản phẩm quảng cáo khác nhau. Pháp luật không quy định chung về thời hạn giấy phép này.

- Trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng, thời hạn giấy phép quảng cáo tương ứng với thời hạn giấy phép về an toàn thực phẩm.

- Ngoài ra, thời hạn giấy phép phụ thuộc vào việc sản phẩm quảng cáo có thay đổi hay không: Thay đổi thành phần, thay đổi hồ sơ công bố,...

5. Những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

Theo Luật quảng cáo 2012 thì những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sau bị cấm quảng cáo:

- Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

- Thuốc lá.

- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

- Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định khi phát sinh trên thực tế.

6. Một số câu hỏi liên quan

6.1. Người quảng cáo có quyền gì?

Người quảng cáo có những quyền sau đây:

- Quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình;

- Quyết định hình thức và phương thức quảng cáo;

- Được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã phê duyệt;

- Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

(Điều 12 Luật Quảng cáo 2012)

6.2. Việc quảng cáo có thể thực hiện qua những phương tiện nào?

Quảng cáo có thể thực hiện qua những phương tiện như: báo chí, phương tiện giao thông, các bảng quảng cáo, băng rôn, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, gửi tin nhắn, quảng cáo tại các hội chợ, hội thảo, các chương trình văn hóa, thể thao,...

(Điều 17 Luật Quảng cáo 2012)

6.3. Quảng cáo qua tin nhắn điện thoại chỉ được gửi trong thời gian nào?

- Câu trả lời là trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ.

- Ngoài ra, các nhà mạng chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo về dịch vụ của mình, không được gửi quá 03 tin nhắn quảng cáo đến 01 số điện thoại.

(Điều 24 Luật Quảng cáo 2012)

6.4. Dán quảng cáo ở cột điện, đèn giao thông phạt bao nhiêu?

- Trường hợp dán quảng cáo ở cột điện, đèn giao thông có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu (Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP).

Trên đây là các thông tin về việc xin giấy phép quảng cáo mà Blog Codon.vn muốn cung cấp đến bạn đọc. Các tổ chức, doanh nghiệp có ý định xin cấp phép nội dung quảng cáo các sản phẩm dịch vụ liên quan đến mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh,..., cần đọc, tham khảo để chủ động chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ xin cấp phép theo đúng quy định.

Liên quan đến tình hình hoạt động/tạm ngưng hoạt động của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01 năm 2021 của Chính phủ đã quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp. Là người quản lý, chủ doanh nghiệp, bạn đọc cần nắm được quy định pháp luật về vấn đề này để thực hiện cho đúng.

Bài liên quan