Việc cấp lại thẻ BHYT được thực hiện trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc thực hiện online thông tin qua cổng dịch vụ công quốc gia với những đối tượng đã có tài khoản. Chi tiết về thủ tục cấp lại thẻ BHYT bị mất được thực hiện theo hướng dẫn sau đây của chuyên mục Bảo hiểm trang Codon.vn.
Xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế ở đâu? Chia sẻ hồ sơ, thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bị mất theo Quyết định 595/QĐ-BHXH
* Danh mục từ viết tắt:
- BHYT: Bảo hiểm y tế.
- BHXH: Bảo hiểm xã hội.
- NLĐ: Người lao động.
- NSDLĐ: Người sử dụng lao động.
- Theo Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì về nguyên tắc, người tham gia BHYT phải xuất trình được thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện hay cơ sở y tế khác.
- Thẻ BHYT ghi nhận thông tin của người tham gia BHYT. Thông qua mã thẻ BHYT có thể xác nhận được mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh.
Theo đó, thẻ BHYT là quan trọng và không thể thiếu khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh, để được hưởng các quyền lợi của BHYT.
=> Như vậy, trường hợp bị mất thẻ BHYT thì người tham gia phải làm thủ tục đề nghị cấp lại thẻ BHYT bị mất.
Về quyền lợi, mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh đã được chúng tôi chia sẻ trước đây, bạn đọc có thể xem thêm để nắm rõ các quy định pháp luật.
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì trình tự, thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT trực tiếp như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Thành phần hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT gồm:
Đối với người tham gia BHYT, chuẩn bị:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp NLĐ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
Đối với NSDLĐ:
- Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Bước 2: Nộp hồ sơ.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Nơi nộp hồ sơ:
+ BHXH cấp huyện hoặc tỉnh nơi đang trực tiếp thu tiền BHYT của người tham gia.
+ Người tham gia BHYT hộ gia đình thì nộp hồ sơ tại đại lý thu BHXH hoặc cơ quan BHXH.
+ Đối tượng được cấp phát thẻ BHYT miễn phí thì nộp hồ sơ cho UBND xã.
Bước 3: Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp lại thẻ BHYT.
- Cơ quan BHXH tiếp nhận yêu cầu cấp lại thẻ BHYT bị mất, kiểm tra hồ sơ, thông tin.
- Trường hợp không thay đổi thông tin: Cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp thay đổi thông tin: Thời hạn cấp lại thẻ BHYT không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Ngoài cách thức nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH, người tham gia BHYT có thể làm thủ tục cấp lại thẻ bị mất online qua mạng, cách thức tiến hành như sau:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia. Bấm truy cập nhanh Tại đây
Bước 2: Tìm kiếm dịch vụ cấp lại thẻ BHYT
- Tại ô nhập từ khóa tìm kiếm, bạn tìm "Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế" => Bấm "Tìm kiếm" như hình dưới đây.
- Sau khi tìm thấy kết quả, bạn bấm chọn "Danh sách dịch vụ công" => chọn "Nộp trực tuyến".
Bước 3: Điền thông tin để cấp lại thẻ BHYT
- Sau khi chọn "Nộp trực tuyến" màn hình sẽ chuyển sang Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH.
- Bạn nhập mã số BHXH của mình, nhập "Mã kiểm tra" và chọn "Tra cứu".
- Màn hình hiển thị yêu cầu cấp lại thẻ BHYT, trong đó đã tự cập nhật thông tin của người tham gia BHYT, bạn kiểm tra lại, nhập thông tin còn thiếu.
- Lựa chọn cách thức nhận thẻ BHYT được cấp lại. Nếu chọn nhận qua dịch vụ bưu chính, bạn điền đầy đủ thông tin nơi nhận.
- Nhập "Mã kiểm tra" và chọn "Xác nhận" để hoàn tất yêu cầu.
Theo Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người bị mất thẻ BHYT đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ mà đi khám chữa bệnh thì phải xuất trình:
- Giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146;
- Giấy tờ chứng minh về nhân thân như: CMND, CCCD hay hộ chiếu còn thời hạn sử dụng.
Như vậy, người bị mất thẻ BHYT vẫn đi khám chữa bệnh được trong thời gian chờ cấp lại thẻ.
Ngoài ra, người tham gia BHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Công văn 1493/BHXH-CSYT 2021. Mời bạn đọc tham khảo bài viết cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử để khám chữa bệnh mà chúng tôi đã chia sẻ để có thêm thông tin.
- Trước đây, theo quy định của Khoản 12 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì việc làm lại thẻ BHYT bị mất sẽ phải nộp phí cấp lại theo quy định của Bộ Tài chính.
- Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ bởi điểm d khoản 2 Điều 23 Luật phí và lệ phí 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
=> Như vậy, hiện nay việc làm lại thẻ BHYT bị mất sẽ không tốn tiền phí. Quy định này nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân được cấp lại, sử dụng thẻ BHYT vào mục đích khám chữa bệnh.
Có thể thấy, hiện nay thủ tục cấp lại thẻ BHYT bị mất đã được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng khi thời gian giải quyết có thể ngay trong ngày, người tham gia có thể đề nghị làm lại thẻ BHYT bị mất online thông qua những thao tác đơn giản. Tất cả những thay đổi, cải cách trong thủ tục đều hướng đến việc tạo điều kiện tối đa cho người dân được tham gia và sử dụng BHYT.
Ngoài vấn đề mất thẻ BHYT, có nhiều trường hợp người tham gia BHYT bị sai thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Cách giải quyết khi thẻ bảo hiểm y tế bị sai thông tin đã được chúng tôi hướng dẫn, mời bạn đọc cùng theo dõi để biết thông tin chi tiết.