Quy định về hợp đồng khoán việc: Mẫu tải, nội dung và trường hợp áp dụng

Quy định về hợp đồng khoán việc

Hợp đồng khoán việc hay hợp đồng thuê khoán việc là hợp đồng phát sinh trong thực tiễn đời sống xã hội mà không được ghi nhận cụ thể trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hợp đồng này được áp dụng một cách tùy ý. Chi tiết quy định về hợp đồng khoán việc trong quan hệ lao động dân sự như sau.

quy dinh ve hop dong khoan viec

Hợp đồng khoán việc là gì? Các quy định về hợp đồng giao khoán công việc

Mục Lục bài viết:
1. Quy định về hợp đồng khoán việc mới nhất.
1.1. Có được ký hợp đồng khoán việc không?
1.2. Hợp đồng khoán việc là gì?
1.3. Nội dung của hợp đồng khoán việc.
1.4. Các loại hợp đồng khoán việc.
1.5. Chế độ bảo hiểm xã hội đối với người tham gia hợp đồng khoán việc.
1.6. Chấm dứt hợp đồng thuê khoán việc.
2. Mẫu hợp đồng khoán việc và hướng dẫn mẫu hợp đồng khoán việc.
3. Các câu hỏi thường gặp.
3.1. Hợp đồng khoán việc có phải đóng BHXH không?
3.2. Hợp đồng khoán việc được ký mấy lần trong năm?

1. Quy định về hợp đồng khoán việc mới nhất.

1.1. Có được ký hợp đồng khoán việc không?

Như đã nói ở phần mở đầu, hợp đồng khoán việc không được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản nào. Do vậy, việc xem xét một hợp đồng sẽ luôn chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, mà cụ thể, có thể xem hợp đồng khoán việc là hợp đồng dịch vụ.

Do vậy, các bên hoàn toàn có quyền ký hợp đồng khoán việc để phục vụ cho mục đích cụ thể của mỗi bên.

1.2. Hợp đồng khoán việc là gì?

Hợp đồng thuê khoán công việc là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên cho thuê khoán thực hiện một công việc nhất định cho bên thuê khoán và bên thuê khoán phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với bên cho thuê khoán.

Chú ý: Đối tượng của hợp đồng khoán việc là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội.

1.3. Nội dung của hợp đồng khoán việc.

Nội dung hợp đồng khoán việc do các bên thỏa thuận, nhưng phải đáp ứng được các nội dung cơ bản của một hợp đồng, bao gồm:

- Đối tượng của hợp đồng;

- Số lượng, chất lượng;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Phương thức giải quyết tranh chấp.

Việc đảm bảo đầy đủ các nội dung này cũng là một phần để hợp đồng có hiệu lực và nâng cao tính an toàn pháp lý.

quy dinh ve hop dong khoan viec 2

Quy định mới về hợp đồng khoán việc: Các nội dung cần có

1.4. Các loại hợp đồng khoán việc.

Thực tế, người ta chia hợp đồng khoán việc thành 02 loại:

- Hợp đồng khoán việc từng phần: Trong hợp đồng này, bên thuê khoán không phải chi trả tiền cho việc chuẩn bị công cụ lao động hoặc các loại vật dụng hỗ trợ cho công việc.

- Hợp đồng khoán việc toàn bộ: Còn đối với hợp đồng này, bên thuê khoán phải chi trả toàn bộ các khoản chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện công việc thuê khoán và trả tiền dịch vụ cho bên cho thuê khoán.

Việc phân loại hợp đồng giao khoán có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Hợp đồng thuê khoán được ký kết đối với các công việc mang tính ngắn hạn, thời vụ như hợp đồng thuê khoán tạp vụ, dọn dẹp vệ sinh, hợp đồng thuê khoán lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện, hợp đồng thuê khoán vận chuyển nhà,....Thực tế cho thấy, nhiều người thực hiện giao kết hợp đồng thuê khoán bảo mẫu với cách thức một tháng ký 01 lần.

1.5. Chế độ bảo hiểm xã hội đối với người tham gia hợp đồng khoán việc.

Hợp đồng khoán việc không được xem là hợp đồng lao động, do đó, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về các đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người tham gia hợp đồng khoán việc không cần phải đóng bảo hiểm và không có bất cứ chế độ bảo hiểm xã hội gì liên quan.

Để nắm được đối tượng phải đóng BHXH theo quy định, bạn đọc có thể xem trong bài các đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc năm 2022 của Codon.vn.

1.6. Chấm dứt hợp đồng thuê khoán việc.

Hợp đồng khoán việc có thể chấm dứt trong 03 trường hợp:

- Công việc được thực hiện đã hoàn thành.

- Bên khoán việc đơn phương chấm dứt hợp đồng do việc thực hiện công việc không mang lại lợi ích nữa.

Trách nhiệm của bên khoán việc:

+ Thông báo cho bên nhận khoán việc.

+ Trả tiền công cho bên nhận khoán việc đối với phần công việc đã thực hiện được.

+ Bồi thường thiệt hại.

- Bên nhận khoán việc đơn phương chấm dứt hợp đồng do bên khoán việc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.

Quyền của bên nhận khoán việc: yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Khác với hợp đồng thuê khoán, hợp đồng lao động sẽ được chấm dứt do các hành vi pháp lý hoặc các sự biến pháp lý của các bên liên quan. Trường hợp một trong 2 bên chấm dứt hợp đồng sai luật sẽ phải chịu phạt theo quy định. Thông tin chi tiết về vấn đề này đã được Codon.vn chia sẻ trong bài viết bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để nắm được quy định pháp luật về vấn đề này.

2. Mẫu hợp đồng khoán việc và hướng dẫn mẫu hợp đồng khoán việc.

2.1. Mẫu hợp đồng khoán việc.

TẢI MẪU HỢP ĐỒNG KHOÁN VIỆC TẠI ĐÂY

Mẫu số 1:

quy dinh ve hop dong khoan viec 3

Mẫu số 2:

quy dinh ve hop dong khoan viec 4

2.2. Hướng dẫn mẫu hợp đồng khoán việc.

Mặc dù về hình thức của hai mẫu hợp đồng có sự khác nhau, tuy nhiên, về cơ bản, nội dung là tương tự nhau, trong đó, người lập hợp đồng cần lưu ý:

- Ghi đầy đủ, chính xác các thông tin của bên giao khoán và bên nhận giao khoán như tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, mã số thuế,....

- Về nội dung công việc: Phải xác định được cụ thể công việc như lắp đặt điều hòa, lắp đặt bóng đèn, sửa chữa ống nước,... Nếu công việc có liên quan đến thiết bị thì nên liệt kê số lượng, chẳng hạn lắp đặt 50 cái bóng đèn.

- Nơi làm việc: Ghi rõ tên, địa chỉ cụ thể. Ví dụ: Công ty Quang Hưng, Nhà 9, Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

- Thời gian làm việc: Ghi rõ thời hạn, ghi thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc.

- Tiền thuế khoán việc: Được ghi bằng số và bằng chữ, đồng thời xác định nghĩa vụ thuế thuộc về bên giao khoán hay bên nhận khoán.

- Quyền và nghĩa vụ của các bên được ghi nhận tùy theo từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên nghĩa vụ quan trọng nhất của bên nhận khoán là hoàn thành công việc đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và nghĩa vụ quan trọng nhất của bên giao khoán là trả tiền công theo đúng thỏa thuận.

3. Các câu hỏi thường gặp.

3.1. Hợp đồng khoán việc có phải đóng BHXH không?

Câu trả lời: Không.

Bản chất của hợp đồng thuê khoán là một hợp đồng dịch vụ. Trong khi đó, đóng BHXH bắt buộc chỉ được xây dựng trên cơ sở hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong một thời hạn nhất định. Vì vậy, khi tham gia hợp đồng khoán việc thì không phải đóng BHXH (Xem chi tiết tại mục 1.5).

3.2. Hợp đồng khoán việc được ký mấy lần trong năm?

Hợp đồng khoán việc phát sinh từ nhu cầu công việc của bên thuê khoán, vì vậy sẽ không có một con số cụ thể nào để khẳng định về số lần được ký trong một năm. Với những công việc có tính chất dài hạn, hợp đồng khoán việc sẽ có thể chỉ ký 01 lần trong năm nhưng công việc kéo dài đến hết năm đó, hoặc với những công việc rời rạc, lẻ tẻ thì việc ký hợp đồng khoán việc sẽ diễn ra nhiều lần hơn trong năm.

Như vậy, Blog Codon.vn đã chia sẻ cho bạn đọc đầy đủ quy định về hợp đồng khoán việc trong quan hệ lao động dân sự. Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, hợp đồng khoán việc đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mối "quan hệ lao động" giữa các chủ thể trong xã hội.

Bài liên quan