Quy định về cấp giấy phép xây dựng mới nhất 2022

Quy định về cấp giấy phép xây dựng mới nhất

Trước khi khởi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo hay di dời công trình trong những trường hợp nhất định thì chủ đầu tư cần phải xin giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Quy định về cấp giấy phép xây dựng mới nhất cần được các chủ đầu tư cập nhật kịp thời để áp dụng với trường hợp của mình.

quy dinh ve cap giay phep xay dung moi nhat

Quy định mới về cấp phép xây dựng năm 2022 theo Luật xây dựng sửa đổi 2020

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới.
2.2. Hồ sơ xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
2.3. Hồ sơ xin cấp giấy phép di dời công trình.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới nhất.
4. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
5. Chi phí xin giấy phép xây dựng.
6. Câu hỏi liên quan.
6.1. Quy định cấp phép xây dựng nhà ở Hà Nội như thế nào?
6.2. Thời gian cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ là bao lâu?
6.3. Các trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng.

* Danh mục từ viết tắt

- GPXD: Giấy phép xây dựng.

- UBND: Ủy ban nhân dân.

1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng

- Công trình muốn được cấp giấy phép xây dựng cần phải đảm bảo các điều kiện mà Luật Xây dựng quy định.

- Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã có những thay đổi, quy định mới về điều kiện cấp GPXD đối với các công trình khác nhau. Luật quy định điều kiện cấp GPXD với các công trình sau:

+ Công trình trong đô thị.

+ Công trình không theo tuyến ngoài đô thị.

+ Nhà ở riêng lẻ.

+ Điều kiện cấp GPXD có thời hạn.

Chi tiết về nội dung này, mời bạn đọc xem tại bài viết "Điều kiện cấp giấy phép xây dựng".

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng

2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới

Theo Điều 95 Luật Xây dựng 2014 và Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với các loại công trình như sau:

(1) Đối với nhà ở riêng lẻ

Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng: Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

- Bản vẽ thiết kế xây dựng.

- Nếu công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

quy dinh ve cap giay phep xay dung moi nhat 2

Hồ sơ, quy định về cấp giấy phép xây dựng nhà ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành

(2) Đối với công trình không theo tuyến

Hồ sơ xin giấy phép xây dựng có những giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị cấp GPXD (a).

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (Bản sao).

- Quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư (Bản sao) (c).

- Bản vẽ thiết kế xây dựng: 02 bộ (d).

- Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng, và kèm theo bản sao chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế (đ).

(3) Đối với xây dựng công trình theo tuyến

Hồ sơ gồm có những giấy tờ sau đây:

- Các giấy tờ, tài liệu a, c, d và đ mục (2).

- Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự phù hợp với vị trí và phương án tuyến.

- Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(4) Đối với công trình tín ngưỡng, tôn giáo

* Công trình tôn giáo

- Tài liệu, giấy tờ như trường hợp xin GPXD công trình không theo tuyến.

- Văn bản có ý kiến về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc UBND tỉnh.

* Công trình tín ngưỡng

- Tài liệu, giấy tờ như trường hợp xin GPXD nhà ở riêng lẻ.

- Văn bản ý kiến của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc UBND tỉnh (nếu có quy định);

- Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng đối với các công trình tín ngưỡng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng.

* Công trình tín ngưỡng, tôn giáo thuộc dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

- Tài liệu, giấy tờ như 02 trường hợp đã nêu.

- Văn bản về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lưu ý: Di tích lịch sử văn hóa là một thành phần của di tích Việt Nam, đại diện cho các công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Để hiểu rõ hơn về di tích lịch sử văn hóa nói riêng, các tiêu chí xếp hạng và các di tích văn hóa Việt Nam nói chung, Codon.vn mời bạn tham khảo thông tin bài viết này trên cổng bách khoa toàn thư wikipedia.org.

(5) Đối với công trình tượng đài, tranh hoành tráng

- Tài liệu, giấy tờ như trường hợp xin GPXD công trình không theo tuyến.

- Bản sao giấy phép hoặc văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

(6) Đối với công trình quảng cáo

Hồ sơ cần chuẩn bị theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

(7) Đối với công trình của cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế

Hồ sơ tương ứng với trường hợp xin GPXD công trình theo tuyến, công trình không theo tuyến

Và các điều khoản quy định của Hiệp định hoặc thỏa thuận đã được ký kết với Chính phủ Việt Nam.

2.2. Hồ sơ xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình

Căn cứ quy định tại Điều 96 Luật Xây dựng 2014 và Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng trong trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ: Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15.

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (Bản sao).

- Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo.

- Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình.

- Đối với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

quy dinh ve cap giay phep xay dung moi nhat 3

Hồ sơ xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình theo Luật Xây dựng 2014

2.3. Hồ sơ xin cấp giấy phép di dời công trình

Theo Điều 97 Luật Xây dựng 2014 thì hồ sơ trong trường hợp này gồm có các giấy tờ, tài liệu sau:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình: Mẫu số 01 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (Bản sao).

- Bản vẽ hoàn công (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến.

- Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình.

- Phương án di dời gồm phần thuyết minh và phần bản vẽ biện pháp di dời công trình.

Trong đó, phần thuyết minh có:

+ Thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình sẽ được di dời đến;

+ Giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực;

+ Giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận;

+ Bảo đảm vệ sinh môi trường;

+ Tiến độ di dời;

+ Tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình.

3. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới nhất

Từ 1/1/2021, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

Theo đó, bãi bỏ quy định về thẩm quyền cấp GPXD của Bộ Xây dựng. Thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh, UBND huyện như sau:

- UBND cấp tỉnh cấp GPXD đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình thuộc thẩm quyền của UBND huyện.

UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.

- UBND cấp huyện cấp GPXD đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

quy dinh ve cap giay phep xay dung moi nhat 4

Quy định về cấp giấy phép xây dựng, thẩm quyền được cấp theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

Bên cạnh nội dung này, theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì cũng có "Những điểm mới về giấy phép xây dựng" mà các cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực xây dựng cần cập nhật. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết để biết thêm thông tin chi tiết.

4. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng

Bước 1: Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đến cơ quan có thẩm quyền

- Số lượng hồ sơ: 02 bộ.

- Thành phần hồ sơ: Như quy định tại mục.

- Nơi nhận hồ sơ: UBND huyện hoặc UBND tỉnh như quy định về thẩm quyền cấp GPXD đã nêu.

Bước 2: Cơ quan có tiếp nhận hồ sơ, thực hiện các công việc để cấp giấy phép

* Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ bước đầu.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra hồ sơ:

- Ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật.

- Hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ nếu hồ sơ không đáp ứng yêu cầu pháp luật quy định.

* Tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.

Căn cứ tài liệu giấy tờ cung cấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định, đồng thời kiểm tra thực địa về công trình xin giấy phép.

* Gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện cấp GPXD theo quy định pháp luật và gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan khác.

Bước 3: Cấp giấy phép xây dựng

- Hồ sơ đảm bảo các điều kiện pháp luật thì sẽ được cấp giấy phép xây dựng.

- Thời hạn cấp giấy phép như sau:

+ 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Đối với trường hợp cấp GPXD công trình, gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.

+ 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Đối với nhà ở riêng lẻ.

- Nếu đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm => Cơ quan cấp GPXD thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, và báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện.

5. Chi phí xin giấy phép xây dựng

- Dựa trên quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC công dân làm thủ tục xin giấy phép xây dựng sẽ phải nộp cho Nhà nước một khoản lệ phí. Lệ phí cấp GPXD ở mỗi tỉnh sẽ khác nhau, do Hội đồng nhân dân tỉnh đó quy định.

- Lệ phí cấp giấy phép xây dựng được chia ra các trường hợp GPXD cho nhà ở riêng lẻ, GPXD đối với công trình khác, cấp lại/ gia hạn/ điều chỉnh GPXD.

Sau đây là quy định về lệ phí xin cấp giấy phép xây dựng tại một số tỉnh, thành phố ở nước ta hiện nay:

- Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng:

+ Cấp GPXD nhà ở riêng lẻ: 75.000 đồng/giấy phép.

+ Cấp GPXD các công trình khác: 150.000 đồng/giấy phép.

- Đà Nẵng:

+ Cấp GPXD nhà ở riêng lẻ: 50.000 đồng/giấy phép.

+ Cấp GPXD các công trình khác: 100.000 đồng/giấy phép.

- Cần Thơ:

+ Cấp GPXD nhà ở riêng lẻ: 50.000 đồng/giấy phép.

+ Cấp GPXD các công trình khác: 100.000 đồng/giấy phép.

- Quảng Ninh:

+ Cấp GPXD nhà ở riêng lẻ: 60.000 đồng/giấy phép.

+ Cấp GPXD các công trình khác: 120.000 đồng/giấy phép.

- Bắc Ninh:

+ Cấp GPXD nhà ở riêng lẻ: 75.000 đồng/giấy phép.

+ Cấp GPXD các công trình khác: 500.000 đồng/giấy phép.

- Hà Nam:

+ Cấp GPXD nhà ở riêng lẻ tại địa bàn thành phố Phủ Lý: 50.000 đồng/1 giấy phép; tại địa bàn thị trấn thuộc huyện và các vùng còn lại 30.000 đồng/1 giấy phép.

+ Cấp GPXD các công trình khác: 100.000 đồng/giấy phép.

quy dinh ve cap giay phep xay dung moi nhat 5

Quy định về chi phí xin giấy phép xây dựng theo Thông tư 85/2019/TT-BTC

6. Câu hỏi liên quan

6.1. Quy định cấp phép xây dựng nhà ở Hà Nội như thế nào?

Việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, còn phải tuân theo quy định tại Quyết định 07/2022/QĐ-UBND ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội.

6.2. Thời gian cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ là bao lâu?

Theo điểm b khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì thời gian cấp GPXD nhà ở riêng lẻ là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

6.3. Các trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng

Các công trình không phải xin giấy phép xây dựng được quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020. Cụ thể mời bạn đọc xem tại bài viết "Các loại công trình được miễn giấy phép xây dựng ".

Trên đây là các quy định về cấp giấy phép xây dựng mới nhất mà Blog Codon.vn tổng hợp và chia sẻ đến bạn đọc. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu xin cấp GPXD cần nắm rõ các quy định để có sự chuẩn bị chu đáo và phù hợp.

Bài liên quan