Giấy phép xây dựng là gì? Các loại giấy phép xây dựng hiện nay

Giấy phép xây dựng là gì? Các loại giấy phép xây dựng hiện nay

Đối với các chủ đầu tư dự án, công trình xây dựng thì giấy phép xây dựng không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cụ thể giấy phép xây dựng là gì. Các loại giấy phép xây dựng hiện nay. Những nội dung này được Luật Xây dựng cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung và các văn bản khác hướng dẫn cụ thể.

giay phep xay dung la gi cac loai giay phep xay dung hien nay

Giấy phép xây dựng là gì? Quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép xây dựng hiện nay

Mục Lục bài viết:
1. Giấy phép xây dựng là gì?
2. Các loại giấy phép xây dựng hiện nay.
3. Nội dung các loại giấy phép xây dựng.
4. Một số quy định về giấy phép xây dựng.
4.1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
4.2. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
4.3. Xử lý công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng.

* Danh mục từ viết tắt:

- GPXD: Giấy phép xây dựng.

1. Giấy phép xây dựng là gì?

- Khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 đưa ra định nghĩa về giấy phép xây dựng như sau:

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

=> Theo đó, có thể thấy đây là một loại giấy phép mà chủ đầu tư cần phải chuẩn bị trước khi xây mới, sửa chữa, cải tạo hay di dời công trình.

Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, với nội dung cho phép chủ đầu tư thực hiện các công việc xây dựng công trình, sửa chữa /cải tạo công trình, di dời công trình.

- Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chủ đầu tư cũng phải xin giấy phép. Hiện nay, pháp luật cũng quy định về các loại công trình được miễn giấy phép xây dựng bạn đọc có thể xem thêm để biết cụ thể thông tin.

2. Các loại giấy phép xây dựng hiện nay

Căn cứ Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (sửa bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) thì hiện nay có 04 loại giấy phép xây dựng, gồm:

- Giấy phép xây dựng mới;

- Giấy phép sửa chữa, cải tạo;

- Giấy phép di dời công trình;

- Giấy phép xây dựng có thời hạn.

Trong đó, giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng. Tham khảo bài viết về giấy phép xây dựng có thời hạn để hiểu rõ hơn.

giay phep xay dung la gi cac loai giay phep xay dung hien nay 2

Giấy phép xây dựng bao gồm những loại nào? Tìm hiểu các loại giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật

3. Nội dung các loại giấy phép xây dựng

Tuy có những loại GPXD khác nhau, nhưng về cơ bản, các loại GPXD đều có những nội dung chủ yếu quy định tại Điều 90 Luật Xây dựng 2014 như sau:

- Tên công trình thuộc dự án.

- Thông tin của chủ đầu tư: Tên, địa chỉ.

- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.

- Loại, cấp công trình xây dựng.

- Cốt xây dựng công trình.

- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.

- Mật độ xây dựng (nếu có).

- Hệ số sử dụng đất (nếu có).

- Công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ: Ngoài những nội dung quy đã nêu trên thì có thêm nội dung:

Tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.

- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép.

Nhận thấy, nội dung giấy phép đảm bảo cung cấp đủ thông tin về công trình, thông tin chủ đầu tư. Việc phê duyệt cấp giấy phép được thực hiện theo trình tự nhất định, đặc biệt là trường hợp xin giấy phép xây dựng mới.

4. Một số quy định về giấy phép xây dựng

4.1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng

Với mỗi loại giấy phép xây dựng thì điều kiện xin giấy phép lại khác nhau. Nhưng về cơ bản đều phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận; đáp ứng các yêu cầu về thiết kế,... Toàn bộ nội dung về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đã được đề cập, mời bạn đọc theo dõi.

4.2. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng

- Theo khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì thẩm quyền cấp GPXD thuộc về UBND tỉnh (cụ thể là Sở Xây dựng) hoặc UBND huyện. So với trước đây thì thẩm quyền của Bộ Xây dựng đã bị bãi bỏ.

+ Ủy ban nhân dân tỉnh: cấp giấy phép với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình thuộc thẩm quyền của huyện.

+ Ủy ban nhân dân huyện: cấp giấy phép công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cũng chính là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép do mình cấp.

4.3. Xử lý công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng

Việc khởi công xây dựng công trình mà không có giấy phép xây dựng sẽ bị phạt tiền theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:

- Từ 60 triệu đến 80 triệu: xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Từ 80 triệu đến 100 triệu: xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

- Từ 120 triệu đến 140 triệu: xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Thông qua bài viết này của chuyên mục Xây dựng hi vọng bạn đọc sẽ hiểu được Giấy phép xây dựng là gì? Các loại giấy phép xây dựng hiện nay. Việc tìm hiểu, tuân thủ các quy định về GPXD là điều mà bất kỳ chủ đầu tư nào cũng phải cập nhật để đảm bảo tính pháp lý cho dự án mình tham gia.

Bài liên quan