Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì nhiều lý do khác nhau mà có thể không đóng bảo hiểm trong tháng bất kỳ. Vậy không đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng có sao không? Có làm ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ của người lao động không? Mời bạn đọc cùng chuyên mục Bảo hiểm của Codon.vn tìm hiểu chi tiết nội dung qua bài viết sau.
Không đóng BHXH 1 tháng có sao không?
* Danh mục từ viết tắt:
- NLĐ: Người lao động.
- BHXH, BHYT: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Xin chào, tôi là Nga hiện đang làm telesale. Tháng 7/2022 sắp tới, gia đình tôi có một số việc quan trọng nên tôi muốn xin nghỉ không hưởng lương 20 ngày làm việc trong tháng 7. Tôi có báo với nhân sự công ty thì được báo lại là công ty cho phép nghỉ, nhưng tháng 7 tôi sẽ không được đóng BHXH. Không biết là việc không đóng bảo hiểm như vậy có đúng không? Và nếu không đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng có sao không?
Trả lời:
* Nghỉ không hưởng lương 20 ngày làm việc trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó có đúng không?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017: NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
=> Như vậy, nếu tháng 7/2022, chị Nga nghỉ việc và không hưởng lương 20 ngày làm việc thì tháng 7 sẽ không đóng BHXH. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Vấn đề này, chị có thể tham khảo thêm tại bài viết nghỉ việc 14 ngày trở lên trong tháng có phải đóng BHXH, BHYT
* Không đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng có sao không?
(1) Theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giải thích: Thời gian đóng BHXH được tính từ khi NLĐ bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng.
Nếu NLĐ đóng không liên lục (có ngắt quãng, tạm dừng một thời gian) thì thời gian đóng BHXH sẽ là cộng dồn tổng thời gian đã đóng.
=> Do đó, chị Nga chỉ không đóng BHXH tháng 7, các tháng sau chị đi làm bình thường thì vẫn sẽ tham gia BHXH.
Thời gian đóng BHXH của chị Nga sẽ được cộng dồn các khoảng thời gian với nhau, trong đó trừ đi tháng 7 vì tháng này không đóng BHXH.
Ở khía cạnh này, việc không đóng BHXH 1 tháng cũng không làm ảnh hưởng gì đến quyền lợi của chị. Chị cần lưu ý đến thủ tục chốt sổ BHXH khi đã nghỉ việc để có thể hưởng các chế độ về bảo hiểm.
(2) Khi NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, họ có thể được hưởng các chế ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
Câu hỏi "Không đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng có sao không?" cần phải xem xét thêm ở khía cạnh: việc không đóng BHXH 1 tháng có làm ảnh hưởng đến việc hưởng các chế độ của người lao động hay không?
- Qua rà soát các quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất thì không có bất kỳ quy định nào về việc không đóng BHXH 1 tháng thì không được hưởng các chế độ này.
- Việc hưởng các chế độ căn cứ vào tổng thời gian tham gia BHXH cùng các điều kiện khác như độ tuổi, bị bệnh,... Mà thời gian tham gia BHXH sẽ được cộng dồn nếu có ngắt quãng như đã giải thích ở ý đầu tiên.
=> Kết luận: Việc không đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và các chế độ mà NLĐ được hưởng.
Đóng bảo hiểm xã hội không liên tục có ảnh hưởng gì?
Cũng với tình huống của chị Nga đã nêu ở mục 1, chị có hỏi thêm về việc liệu có thể đóng bù BHXH cho tháng chị không đóng BHXH hay không?
Trả lời:
- Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Theo Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hàng tháng công ty có trách nhiệm đóng BHXH và trích từ tiền lương của NLĐ để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.
- Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định nào cho phép người lao động được tự mình đóng BHXH bắt buộc bù cho những tháng chưa đóng trước đây.
=> Như vậy, trường hợp của chị Nga không có căn cứ để tự mình đóng bù 1 tháng không đóng BHXH bắt buộc trước đó.
Câu hỏi không đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng có sao không đã được giải quyết. Người lao động hoàn toàn có thể yên tâm vì thời gian tham gia BHXH sẽ được cộng dồn, không làm ảnh hưởng đến các chế độ được hưởng. Người lao động cũng phải lưu ý đến mức đóng BHXH bắt buộc khi tham gia ký kết hợp đồng lao động tại các công ty, cũng như cách tính BHXH để hưởng các chế độ khi đủ điều kiện mà pháp luật quy định.