Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng 2022

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng 2022

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng 2022 là một trong những vấn đề được các chủ đầu tư quan tâm. Bởi lẽ, với mỗi trường hợp thì Luật Xây dựng, Nghị định 15/2021/NĐ-CP lại có những yêu cầu khác nhau về giấy tờ đề nghị cấp giấy phép. Chuẩn bị đầy đủ, chính xác hồ sơ xin giấy phép xây dựng là bước quan trọng cần phải thực hiện trước khi khởi công xây dựng. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau của chuyên mục Xây dựng trang Codon.vn để nắm thông tin chi tiết.

ho so de nghi cap giay phep xay dung 2022

Hồ sơ xin giấy phép xây dựng gồm những gì? Cập nhật quy định mới về cấp phép xây dựng năm 2022

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
2.1. Cấp giấy phép xây dựng mới.
2.2. Cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
2.3. Cấp giấy phép di dời công trình.
2.4. Lưu ý về hồ sơ.
3. Quy trình cấp giấy phép xây dựng.

* Danh mục từ viết tắt:

- GPXD: Giấy phép xây dựng.

- PCCC: Phòng cháy chữa cháy.

- UBND: Ủy ban nhân dân.

1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng

- Giấy phép xây dựng được cấp cho các trường hợp xây mới, cải tạo, sửa chữa hay di dời công trình bởi UBND tỉnh hoặc UBND huyện.

- Với mỗi loại công trình xây dựng như nhà ở riêng lẻ, công trình theo tuyến/không theo tuyến, công trình tôn giáo,... thì điều kiện cấp giấy phép là khác nhau. Bạn đọc xem tại bài viết Điều kiện cấp giấy phép xây dựng để biết chi tiết nội dung.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng

Căn cứ pháp lý: Điều 95, 96, 97 Luật Xây dựng 2014; Điều 43 - Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

2.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới

a. Đối với nhà ở riêng lẻ

Hồ sơ xin cấp GPXD gồm có:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Bản sao).

- Bản vẽ thiết kế xây dựng;

- Bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề: Nếu có công trình liền kề.

b. Đối với công trình không theo tuyến

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Bản sao).

- Quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư (bản sao).

Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định về PCCC; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.

- Bản vẽ thiết kế xây dựng:

02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt gồm; bản vẽ tổng mặt bằng toàn dự án, mặt bằng định vị công trình trên lô đất; bản vẽ kiến trúc các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình; bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, dự án.

- Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế (bản sao).

ho so de nghi cap giay phep xay dung 2022 2

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng năm 2022 và trình tự, thủ tục thực hiện

c. Đối với công trình theo tuyến

Hồ sơ xin giấy phép xây dựng mới công trình theo tuyến gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Bản sao).

- Quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư (bản sao).

Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định về PCCC; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.

- Bản vẽ thiết kế xây dựng.

(Như trường hợp đối với công trình không theo tuyến).

Và các giấy tờ sau:

- Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự phù hợp với vị trí và phương án tuyến.

- Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

d. Đối với công trình tôn giáo

Hồ sơ xin GPXD công trình tôn giáo có các giấy tờ:

- Các giấy tờ như hồ sơ xin giấy phép công trình không theo tuyến.

- Văn bản có ý kiến về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc UBND tỉnh.

đ. Đối với công trình tượng đài, tranh hoành tráng

Xin GPXD công trình tượng đài, tranh hoành tráng gồm những hồ sơ sau:

- Các giấy tờ như hồ sơ xin giấy phép công trình không theo tuyến.

- Giấy phép hoặc văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (bản sao).

e. Đối với công trình quảng cáo

Thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo (Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung).

f. Đối với công trình của cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế

Thực hiện theo quy định về hồ sơ xin giấy phép công trình không theo tuyến hoặc công trình theo tuyến và các điều khoản quy định của Hiệp định hoặc thỏa thuận đã được ký kết với Chính phủ Việt Nam.

2.2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ.

- Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ (bản sao).

- Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.

Bản vẽ này có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

- Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình.

- Văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (Đối với công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng).

2.3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình

Với trường hợp xin cấp giấy phép di dời công trình thì hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình.

- Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ (bản sao).

- Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời.

Bao gồm: mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến.

Liên quan đến vấn đề hoàn công, bạn đọc có thể theo dõi Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng mà Codon.vn đã tổng hợp và chia sẻ.

- Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện.

- Phương án di dời do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện. Phương án gồm có:

+ Phần thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình sẽ được di dời đến; giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực; giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận; bảo đảm vệ sinh môi trường; tiến độ di dời; tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình.

+ Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.

2.4. Lưu ý về hồ sơ

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng: Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng với trình hợp cấp mới; cải tạo, sửa chữa hay di dời công trình: Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

- Những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai được quy định tại Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP, ví dụ như:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật đất đai năm 1987; năm 1993, sửa năm 2001; năm 2003.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp theo Luật Đất đai 2013.

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo Pháp lệnh nhà ở năm 1991; Luật nhà ở 2005; Nghị định 81/2001/NĐ-CP; Nghị định 95/2005/NĐ-CP; Nghị định 90/2006/NĐ-CP; Nghị định 51/2009/NĐ-CP; Điều 31, Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; các giấy chứng nhận khác về quyền sở hữu nhà ở/công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng qua các thời kỳ.

+ Các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận như giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.

+ Giấy tờ về đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

+ Giấy tờ về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

+ Hợp đồng thuê đất giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và người quản lý, sử dụng công trình giao thông hoặc văn bản chấp thuận về giao thông đối với công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho giao thông,...

3. Quy trình cấp giấy phép xây dựng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đến cơ quan có thẩm quyền.

- Người chuẩn bị: Chủ đầu tư.

- Thành phần hồ sơ: Như hướng dẫn tại mục 2.

- Số lượng: 02 bộ.

- Nơi nộp: UBND cấp tỉnh hoặc huyện tùy thuộc vào loại công trình xây dựng.

Bước 2: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ bước đầu và ghi giấy biên nhận.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.

Bước 4: Lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.

Bước 5: Xem xét cấp giấy phép.

Thời hạn cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể:

- 20 ngày: cấp giấy phép xây dựng công trình, gồm cả GPXD có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.

- 15 ngày: đối với GPXD nhà ở riêng lẻ.

- Nếu đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm => cơ quan cấp GPXD phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn đã nêu.

Cụ thể về các bước tiến hành được nêu tại bài viết Quy định về cấp giấy phép xây dựng, bạn đọc có thể xem thêm để cập nhật thông tin.

Có thể thấy, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng 2022 đối với mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào các loại công trình cũng như việc xây mới, sửa chữa hay cải tạo, di dời công trình. Bản thân các chủ đầu tư cần nắm rõ trường hợp của mình có thuộc các loại công trình được miễn giấy phép xây dựng hay không? Nếu không thì phải tiến hành xin giấy phép theo quy định pháp luật.

Bài liên quan