Giao dịch dân sự là gì? Đặc điểm, đối tượng của giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là gì?

Giao dịch dân sự là sự tồn tại tất yếu trong xã hội, là mối quan hệ được kết nối dựa trên các hình thức nhất định giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức và tổ chức với tổ chức. Dưới góc độ pháp lý, giao dịch dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự năm 2015. Vậy giao dịch dân sự là gì?

giao dich dan su la gi

Giao dịch dân sự vô hiệu là gì? Giao dịch dân sự có hiệu lực khi nào?

Mục Lục bài viết:
1. Khái niệm giao dịch dân sự.
1.1. Giao dịch dân sự là gì?
1.2. Ví dụ về giao dịch dân sự.
2. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.
3. Hình thức của giao dịch dân sự.
4. Chủ thể giao dịch dân sự là gì?
5. 07 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu?

1. Khái niệm giao dịch dân sự.

1.1. Giao dịch dân sự là gì?

Tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra định nghĩa về giao dịch dân sự như sau: "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự."

Dựa vào cách giải thích này, giao dịch dân sự là gì có thể được nhận diện dựa trên 02 yếu tố:

- Hình thức biểu hiện:

+ Hợp đồng: Là sự thỏa thuận ràng buộc bởi ít nhất 02 bên chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định. (Phải là sự thể hiện ý chí của 02 bên).

+ Hành vi pháp lý đơn phương: Là hành vi, lời nói dựa trên sự thể hiện ý chí của một bên nhưng có tác động tới các đối tượng khác.

- Ý nghĩa: Phải làm phát sinh/thay đổi/chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Một hình thức biểu hiện nhưng có thể vừa làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt, quyền, nghĩa vụ dân sự, đặc biệt là hợp đồng.

Hiện tại, các giao dịch dân sự đều chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Luật dân sự Việt Nam (ngành luật luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hàng hóa, tiền tệ giữa các nhân, tổ chức trên cơ sở bình đẳng, độc lập). Khái niệm, đặc điểm của ngành luật này đã được wikipedia.org tổng hợp, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để tham khảo.

1.2. Ví dụ về giao dịch dân sự.

Căn cứ và hình thức biểu hiện của giao dịch dân sự, có thể lấy ví dụ về giao dịch dân sự như sau:

- Hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng thuê nhà, hợp đồng vay tiền,...

- Hành vi pháp lý đơn phương: Điển hình nhất cho ví dụ về hành vi pháp lý đơn phương là lập di chúc. Đây là quyền của cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình, không phụ thuộc vào ý chí của người khác.

Ngoài ra còn có các ví dụ khác như hứa thưởng, từ chối nhận thưởng, từ bỏ quyền thừa kế, hành vi vứt bỏ tài sản,...

giao dich dan su la gi 2

Giao dịch dân sự là gì ví dụ? Giao dịch dân sự vô hiệu khi nào?

2. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.

Một giao dịch dân sự để phát sinh hiệu lực phải đảm bảo đủ các điều kiện bắt buộc tại Khoản 1, Điều 117 Bộ luật dân sự và Điều kiện về hình thức (tùy trường hợp được pháp luật quy định), cụ thể:

* Điều kiện bắt buộc

- Về chủ thể (Phân tích rõ hơn ở Mục 4):

+ Có năng lực pháp luật/ năng lực hành vi dân sự phù hợp với từng giao dịch cụ thể được xác lập.

+ Tự nguyện xác lập giao dịch (không bị cưỡng ép, lừa dối, đe dọa,...).

- Về mục đích, nội dung:

+ Không vi phạm điều cấm của luật (Ví dụ: các điều cấm như mua bán ma túy, vũ khí quân dụng, động vật quý hiếm,..).

+ Không trái đạo đức xã hội.

* Điều kiện về hình thức

Hình thức của giao dịch dân sự chỉ trở thành điều kiện có hiệu lực khi pháp luật quy định bắt buộc phải sử dụng hình thức đó. Đây là nội dung được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 117 Bộ luật dân sự.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực thì mới phát sinh hiệu lực.

3. Hình thức của giao dịch dân sự.

Hình thức của giao dịch dân sự hay hình thức của hợp đồng/hành vi pháp lý đơn phương được quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự bao gồm 03 hình thức:

- Bằng lời nói. Ví dụ: Mua một cái bút tại cửa hàng tiện lợi.

- Bằng văn bản:

+ Văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký. Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà đất, hợp đồng mua bán xe ô tô,...

(Để hiểu rõ hơn về giao dịch dân sự trong thực tế, Codon.vn mời bạn tham khảo mẫu hợp đồng mua bán ô tô giữa các cá nhân và giữa cá nhân với doanh nghiệp, loại giao dịch mua bán dân sự phổ biến hiện nay.)

+ Văn bản không có công chứng, chứng thực, đăng ký: Di chúc, hợp đồng mua bán máy tính, vay tiền,..

Hình thức văn bản có thể được tồn tại dưới dạng thông điệp dữ liệu như email, tin nhắn văn bản,...

- Bằng hành vi. Ví dụ như: Gắp thú nhồi bông tại các máy tự động, gọi điện thoại công cộng.

Trong các hình thức nêu trên, giao dịch bằng lời nói là phổ biến nhất. Đây thường là các giao dịch nhỏ, thời gian thực hiện quyền, nghĩa vụ nhanh chóng. Các giao dịch bằng văn bản thường có tính quan trọng, giá trị giao dịch lớn, thời gian thực hiện giao dịch lâu hơn.

giao dich dan su la gi 3

Giao dịch dân sự bằng lời nói, hình thức thể hiện của giao dịch dân sự

4. Chủ thể giao dịch dân sự là gì?

- Chủ thể giao dịch dân sự là cá nhân, tổ chức trong mối quan hệ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự bắt buộc phải:

+ Có năng lực pháp luật/ năng lực hành vi dân sự phù hợp với từng giao dịch cụ thể được xác lập (Năng lực biểu hiện thông qua độ tuổi). Trong đó:

(i) Năng lực pháp luật là quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật ấn định;

(ii) Năng lực hành vi là khả năng của mỗi người bằng hành vi để xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.

Mỗi một giao dịch dân sự, điều kiện về năng lực này cũng có sự khác nhau, ví dụ: Người 06 tuổi được mua một cái bút, một gói kẹo, nhưng không thể thiết lập hợp đồng mua bán một chiếc điện thoại, máy tính; hoặc người 17 tuổi có thể giao kết hợp đồng tặng cho tài sản cá nhân, nhưng không thể giao kết hợp đồng tặng cho nhà ở.

+ Chủ thể tự nguyện xác lập giao dịch. Tính tự nguyện là ý chí xuất phát từ cá nhân hoàn toàn, không bị ép buộc, lừa dối, đe dọa hay bất cứ cách thức nào khác làm người xác lập hiểu nhầm hoặc cưỡng ép giao dịch.

Trong quan hệ dân sự, biện pháp bảo đảm được hiểu là biện pháp được thiết lập để đảm bảo trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên tham gia. Để tìm hiểu thêm thông tin về đối tượng, các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật, bạn đọc có thể tham khảo nội dung bài chia s biện pháp bảo đảm là gì? Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của Codon.vn.

5. 07 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu?

Nguyên nhân dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu là do vi phạm một trong các điều kiện được nêu tại Mục 2. Tuy nhiên, để dễ dàng nhận diện, Bộ luật dân sự đã chia các trường hợp cụ thể từ Điều 123 đến Điều 129, gắn với các lý do vô hiệu như sau:

- Nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

- Do giả tạo.

- Giao dịch được xác lập, thực hiện bởi người chưa thành niên, người mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

- Do bị nhầm lẫn.

- Do bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa.

- Tại thời điểm giao dịch, người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi.

- Vi phạm hình thức trong trường hợp pháp luật ấn định phải đảm bảo về hình thức.

Giao dịch dân sự chỉ bị coi là vô hiệu khi có người yêu cầu và Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Như vậy, Blog Codon.vn đã cùng bạn đọc tìm kiếm thông tin, giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề Giao dịch dân sự là gì? Dễ thấy, các giao dịch dân sự đã được hình thành từ lâu, tuy nhiên, cho đến khi có sự điều chỉnh của pháp luật, các chủ thể mới thực sự nghiêm túc, các quyền và nghĩa vụ mới được bảo đảm một cách triệt để hơn.

Bài liên quan