Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong các loại BH/quỹ BH thuộc bảo hiểm xã hội. Do vậy, đối tượng tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là đối tượng tham gia BHXH theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015.
Ai nên tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? Có bắt buộc không?
* Danh mục từ viết tắt
- BH: Bảo hiểm
- TNLĐ: Tai nạn lao động
- BNN: Bệnh nghề nghiệp
- NLĐ: Người lao động
- NSDLĐ: Người sử dụng lao động
- BHXH: Bảo hiểm xã hội.
Căn cứ vào quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, đối tượng bắt buộc phải tham gia BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ:
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Để có thêm thông tin về hình thức làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng của lao động Việt Nam, bạn đọc có thể bấm xem thêm nội dung trên Cổng bách khoa toàn thư mở wikipedia.org thông qua bài viết này)
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Cụ thể về đối tượng phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tại Điều 2, Nghị định 88/2020/NĐ-CP liệt kê như sau:
* Đối với người lao động:
- Người lao động hưởng lương do nhà nước quyết định:
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Người thuộc lực lượng quân đội nhân dân: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, công nhân quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
+ Người thuộc lực lượng công an nhân dân: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn, học viên đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, công nhân công an.
- Người lao động hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định:
+ NLĐ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn tối thiểu 01 tháng. (Không tính người lao động là giúp việc gia đình).
+ Người quản lý DN/điều hành hợp tác xã.
* Đối với người sử dụng lao động.
Là tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng người lao động phải tham gia BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kể trên.
Lưu ý: Mặc dù NLĐ là đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN tuy nhiên, chủ thể có trách nhiệm đóng BH tai nạn lao động, bệnh nghiệp là người sử dụng lao động. (Trong các quỹ thuộc BHXH, người lao động chỉ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, xem chi tiết tại bài viết "Tỷ lệ đóng BHXH 2022".)
→Vì vậy, khi trả lời câu hỏi: Ai phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? thì câu trả lời trực tiếp và chính xác nhất là người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động không đóng BHTNLĐ, BNN sẽ bị xử lý với hành vi không đóng BHXH bắt buộc với mức độ xử phạt khác nhau.
Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp 2022
- Mức đóng Quỹ BHTNLĐ, BNN tối đa:
Theo Khoản 1, Điều 44, Luật An toàn vệ sinh lao động, mức đóng của NSDLĐ vào Quỹ BHTNLĐ, BNN là:
Mức đóng = 1% x Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.
- Mức đóng bình thường:
Tại Điều 4, Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng được áp dụng với NSDLĐ như sau:
+ Mức đóng = 0,5% x tiền lương tháng đóng BHXH.
Trường hợp người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an phục vụ có thời hạn, học viên đang theo học hưởng sinh hoạt phí, thì mức đóng là:
Mức đóng = 0,5% x Mức lương cơ sở.
- Mức đóng đặc biệt:
Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 5, Nghị định 58/2020/NĐ-CP.
Mức đóng = 0,3% x tiền lương tháng đóng BHXH.
- Mức đóng BH TNLĐ, BNN từ 1/7/2021 → hết ngày 30/6/2022.
Theo Quyết định 23/2021/QĐ- TTg, Điều 2, mức đóng BH TNLĐ, BNN của người sử dụng lao động là các doanh nghiệp, hợp tác xã tự quyết định tiền lương trong thời gian này là:
Mức đóng = 0% x Tiền lương tháng đóng BHXH.
Nội dung về tiền lương tháng đóng BHXH đã được phân tích chi tiết tại bài viết "Mức đóng BHXH bắt buộc". Người lao động nên đọc, tham khảo để biết chính xác mức đóng, số tiền đóng bảo hiểm hàng tháng của mình.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động của người sử dụng lao động vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định về 03 điều kiện phải đảm bảo để được hưởng chế độ TNLĐ bao gồm:
- Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc/ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo phân công của NSDLĐ; trên tuyến đường hợp lý từ nơi ở đến nơi làm và ngược lại trong khoảng thời gian hợp lý.
- Do tai nạn mà làm suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5%.
- Không thuộc trường hợp không được hưởng chế độ từ NSDLĐ theo quy định tại Điều 40.
Người lao động được hưởng chế độ BNN khi đáp ứng đủ 02 điều kiện tại Khoản 1, Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động, cụ thể:
- Bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH theo Thông tư 15/2016/TT-BYT.
- Do bị bệnh nghề nghiệp mà làm suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5%.
Mức hưởng chế độ TNLĐ, BNN thực chất là mức hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng, mức hỗ trợ căn cứ vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, mức đóng (được nêu ở Mục 2) và thời gian đóng BHTNLĐ, BNN.
Toàn bộ thông tin về đối tượng tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật BHXH 2014 đã được Blog Codon.vn chia sẻ. Tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động, trong đó người sử dụng lao động có trách nhiệm trực tiếp đóng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi xảy ra các TNLĐ, BNN.