Điều kiện kinh doanh rượu theo quy định của Nghị Định 105/2017/NĐ-CP

Điều kiện kinh doanh rượu

Kinh doanh rượu là hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Kinh doanh rượu không chỉ đơn thuần là hoạt động mua bán, mà là tổng hợp một chuỗi các hoạt động từ sản xuất, phân phối, mua bán. Vì vậy, nhắc đến điều kiện kinh doanh rượu là nhắc đến điều kiện của từng hoạt động cụ thể này.

dieu kien kinh doanh ruou

Kinh doanh rượu cần những điều kiện gì? Tìm hiểu điều kiện xin giấy phép buôn bán rượu theo Nghị Định 105/2017/NĐ-CP

Mục Lục bài viết:
1. Kinh doanh rượu cần những điều kiện gì?
1.1. Muốn sản xuất rượu công nghiệp, cần điều kiện gì?
1.2. Đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
1.3. Điều kiện phân phối rượu.
1.4. Bán buôn rượu.
1.5. Bán lẻ rượu.
1.6. Bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
2. Mã ngành nghề kinh doanh rượu.
3. Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp kinh doanh rượu.
4. Quy định về bán rượu online.

1. Kinh doanh rượu cần những điều kiện gì?

Lưu ý: Điều kiện kinh doanh rượu được nêu trong phạm vi bài viết này là rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên.

1.1. Muốn sản xuất rượu công nghiệp, cần điều kiện gì?

- Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất với quy mô lớn, đòi hỏi phải sử dụng máy móc, thiết bị để tạo ra rượu công nghiệp, đảm bảo khả năng cung ứng cho các nhà phân phối hoặc nhà bán buôn.

- Muốn sản xuất rượu công nghiệp, người khởi nghiệp từ hoạt động này phải đáp ứng 06 điều kiện được quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Điều 8 như sau:

(1) Về tổ chức: Chỉ có "doanh nghiệp" mới được sản xuất rượu công nghiệp. + Là các công ty được thành lập dưới các loại hình khác nhau theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

(2) Điều kiện về cơ sở, vật chất:

+ Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.

Tính "đáp ứng" phụ thuộc vào chất lượng, công năng và khả năng vận hành của máy móc, thiết bị.

(3) Điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).

+ Doanh nghiệp sản xuất phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

(4) Điều kiện về bảo vệ môi trường.

+ Doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp thực hiện đăng ký môi trường tại UBND cấp xã theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

(5) Đáp ứng điều kiện về ghi nhãn hàng hóa là rượu.

+ 02 nội dung bắt buộc phải có trên nhãn hàng hóa rượu được ghi nhận tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, Phụ lục I, bao gồm: Định lượng; Hàm lượng etanol.

(6) Về nhân sự.

+ Cán bộ kỹ thuật là người có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề.

1.2. Đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

- Sản xuất rượu thủ công là ngành nghề mang tính quy mô nhỏ, áp áp dụng máy móc, thiết bị, sử dụng các công cụ truyền thống, đảm bảo cung ứng cho một khu vực địa phương nhất định.

- Sản xuất rượu thủ công ở đây phải nhằm mục đích kinh doanh, tức là có hoạt động mua bán để tìm kiếm nguồn lợi nhuận. Nếu sản xuất rượu thủ công chỉ nhằm phục vụ cho việc sử dụng, tặng cho thì không áp dụng các điều kiện dưới đây.

- So với sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công có ít điều kiện hơn và đối tượng thực hiện cũng mở rộng hơn. Tại Điều 9, Nghị định 105 quy định 02 điều kiện sau:

(1) Về đối tượng kinh doanh: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh.

(2) Điều kiện về ATTP và ghi nhãn hàng hóa tương tự như đối với sản xuất rượu công nghiệp.

Lưu ý: Nếu sản xuất rượu thủ công để bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì phải có thêm điều kiện về giấy tờ "Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép".

dieu kien kinh doanh ruou 2

Điều kiện kinh doanh phân phối rượu công nghiệp, rượu thủ công

1.3. Điều kiện phân phối rượu.

- Phân phối rượu là hoạt động trung gian nhằm "đưa" rượu từ cơ sở sản xuất đến nhà bán buôn rượu.

- Để thực hiện hoạt động phân phối rượu, cần đáp ứng 03 điều kiện được ghi nhận tại Điều 11 Nghị định 105 và Nghị định 17/2020/NĐ-CP:

+ Doanh nghiệp là "hình thức tồn tại" duy nhất được thực hiện phân phối rượu.

+ Tính cả trụ sở chính, doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn ít nhất 02 tỉnh. Gắn với tỉnh có hệ thống thì phải có ít nhất một thương nhân bán buôn.

Nếu doanh nghiệp có chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính thì không cần xác nhận của thương nhận bán buôn.

- Trước ngày 22/3/2020, để được phân phối rượu, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các điều kiện về diện tích khi hàng, điều kiện phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường,...Tuy nhiên, từ ngày 22/3/2022, khi Nghị định 17 có hiệu lực thì các điều kiện này cũng bị bãi bỏ.

1.4. Bán buôn rượu.

- Bán buôn rượu là hoạt động trung gian "mang" rượu từ doanh nghiệp phân phối đến cơ sở bán lẻ rượu.

- Theo quy định tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP, điều kiện bán buôn rượu đã được giảm bớt đi so với Nghị định 105/2017/NĐ-CP, cụ thể:

+ Là doanh nghiệp.

+ Nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính phải có ít nhất 01 thương nhân bán lẻ rượu (tính trên địa bàn cấp tỉnh).

Nếu thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính thì không cần có xác nhận của thương nhân bán lẻ.

1.5. Bán lẻ rượu.

- Bán lẻ rượu là hoạt động "đưa" rượu từ nhà bán buôn đến trực tiếp với người tiêu dùng.

- Nhà bán lẻ rượu phải đáp ứng 03 điều kiện tại Điều 13 Nghị định 105 như sau:

+ Về đối tượng: Doanh nghiệp, Hợp tác xã (hoặc liên hiệp), cá nhân, hộ gia đình.

+ Địa điểm kinh doanh: có quyền sử dụng, cố định, có địa chỉ rõ ràng.

+ Giấy tờ: Văn bản giới thiệu/hợp đồng nguyên tắc của doanh nghiệp sản xuất/phân phối/buôn bán.

Bán lẻ rượu là hình thức "kinh doanh rượu" đơn giản nhất, dễ dàng thực hiện nhất và nguồn vốn bỏ ra cũng ít nhất. Nếu muốn tham gia kinh doanh vào lĩnh vực này, bạn đọc có thể xem thêm trong bài chia sẻ thủ tục xin cấp giấy phép bán lẻ rượu của Codon.vn.

1.6. Bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

- Bán rượu tiêu dùng tại chỗ được giải thích tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định 105 là "hoạt động bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại địa điểm bán hàng.".

- Bán rượu tiêu dùng tại chỗ là hoạt động đặc thù khác với các hoạt động kinh doanh còn lại. Ở đây có sự tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và người bán, vì vậy, chất lượng rượu hay địa điểm tiêu dùng tại chỗ phải đảm bảo.

- Tại Điều 14 Nghị định 105 và Nghị định 17/2020/NĐ-CP đưa ra các điều kiện sau:

+ Đối tượng thực hiện: Doanh nghiệp, hợp tác xã (hoặc liên hiệp), hộ kinh doanh.

+ Địa điểm kinh doanh: có quyền sử dụng, cố định, có địa chỉ rõ ràng, có đăng ký bán tại chỗ với Phòng Kinh tế/Phòng kinh tế và hạ tầng cấp huyện nơi đặt cơ sở.

+ Nguồn cung ứng: Thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ.

Thương nhân hoàn toàn có quyền tự sản xuất và tự bán để tiêu dùng tại chỗ. Tùy vào hoạt động sản xuất gì thì cơ sở phép sản xuất đó. Ví dụ sản xuất rượu thủ công để kinh doanh thì phải có giấy phép này.

dieu kien kinh doanh ruou 3

Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu

Ngoài kinh doanh, phân phối rượu, kinh doanh xăng dầu, bất động sản, dịch vụ du lịch lữ hành,..., cũng là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho các cá nhân, tổ chức. Bạn đọc có thể bấm xem thêm điều kiện kinh doanh của một số ngành nghề khác tại các bài viết chia sẻ điều kiện kinh doanh xăng dầu hay điều kiện kinh doanh bất động sản để có thêm thông tin.

2. Mã ngành nghề kinh doanh rượu.

- Mã ngành nghề kinh doanh rượu là nội dung bắt buộc phải có khi đăng ký kinh doanh. Khi đăng ký mã ngành nào thì cơ sở chỉ được thực hiện hoạt động nghề nghiệp trong ngành nghề đó.

- Phụ lục Quyết định 27/2018/QĐ-TTg liệt kê mã ngành nghề kinh doanh rượu như sau:

+ Sản xuất đồ uống:

Chưng, tinh cất, pha chế các loại rượu mạnh: 11010

Sản xuất rượu vàng: 11020.

Sản xuất bia và mạch nha ủ men bia: 11030.

+ Bán buôn đồ uống:

Bán buôn đồ uống có cồn: 46331.

+ Bán lẻ đồ uống có cồn: 4723- 47230.

3. Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp kinh doanh rượu.

- Để kinh doanh rượu, trước hết, doanh nghiệp phải được thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thông qua Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Tuy nhiên, điều quan trọng để kinh doanh rượu là phải được cấp giấy phép kinh doanh rượu.

- Mỗi hoạt động kinh doanh rượu cụ thể thì có hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khác nhau.

Đối đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, doanh nghiệp cần có:

* Hồ sơ đề nghị:

+ Đơn đề nghị (Mẫu 01, Nghị định 105).

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao). (Thông tin chi tiết về khái niệm, nội dung thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được tổng hợp chi tiết trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để có thêm thông tin.)

+ Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện ATTP theo Nghị định 17, Điều 16, khoản 14.

+ Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện bảo vệ môi trường theo Khoản 4 Điều 19, Nghị định 105.

+ Bản liệt kê tên rượu, bản sảo nhãn hàng hóa.

+ Bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn, quyết định tuyển dụng/hợp đồng lao động của cán bộ kỹ thuật (bản sao).

* Thẩm quyền cấp phép:

- Bộ Công thương: Quy mô sản xuất ít nhất 03 triệu lít/năm.

- Sở Công thương: Quy mô sản xuất dưới 03 triệu lít/năm.

* Trình tự thực hiện:

- Nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ/Sở Công thương (trực tiếp/trực tuyến/bưu điện).

- Thời gian cấp giấy phép cho thương nhân sản xuất rượu công nghiệp là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

dieu kien kinh doanh ruou 4

Điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh rượu

4. Quy định về bán rượu online.

- Trước ngày 22/3/2020, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet là hành vi bị cấm theo Nghị định 105. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 17 có hiệu lực thì quy định này cũng được bãi bỏ.

+ Điều này có nghĩa là, hiện nay, cơ sở kinh doanh có thể bán rượu online, thông qua hình thức thương mại điện tử.

+ Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa người dưới 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu theo quy định tại Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-CP.

Với những thông tin mà Blog Codon.vn phân tích, chia sẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các cá nhân đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh rượu. Điều kiện kinh doanh rượu là bắt buộc và không có ngoại lệ trong bất kỳ trường hợp nào, vì vậy, phải cực kỳ lưu ý.

Bài liên quan