Điều kiện kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ năm 2022

Điều kiện kinh doanh khách sạn

Xuất phát từ nhu cầu mà hiện nay dịch vụ lưu trú du lịch, đặc biệt là khách sạn ngày một tăng. Đây là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành, nghề này thì cần phải đáp ứng những điều kiện kinh doanh khách sạn mà pháp luật quy định.

dieu kien kinh doanh khach san

Điều kiện kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú du lịch cho các tổ chức, hộ gia đình

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ khách sạn.
1.1. Điều kiện về đăng ký kinh doanh.
1.2. Điều kiện về cơ sở vật chất.
1.3. Điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.
2. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khách sạn.
3. Điều kiện xếp hạng sao khách sạn.

* Danh mục từ viết tắt.

- ANTT: An ninh trật tự.

- PCCC: Phòng cháy chữa cháy.

Chú ý: Khách sạn được hiểu là một công trình kiến trúc kiên cố gồm nhiều phòng, được trang bị tiện nghi hiện đại để phục vụ dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhiều dịch vụ liên quan khác. Thông thường, khách sạn được phân thành nhiều loại khác nhau dựa trên đối tượng sử dụng dịch vụ. Để có thêm thông tin về hoạt động kinh doanh khách sạn, bạn đọc có thể xem thêm trong nội dung bài viết này trên wikipedia.org.

1. Điều kiện kinh doanh khách sạn.

Tại Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định, khách sạn là một trong các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết để phục vụ khách du lịch.

Khách sạn được chia thành: khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi, khách sạn thành phố.

- Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;

- Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;

- Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;

- Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.

=> Đối với mỗi loại khách sạn khác nhau sẽ có những kết cấu, quy mô, quy chuẩn riêng khác nhau, nhưng về cơ bản khi kinh doanh khách sạn thì đều phải đáp ứng tất cả các điều kiện chung được quy định tại Điều 49 Luật du lịch 2017, Điều 22 Nghị định 168/2017/NĐ-CP như sau:

1.1. Điều kiện về đăng ký kinh doanh.

Cá nhân, tổ chức khi kinh doanh khách sạn trước hết cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng nghĩa với việc phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện để được đăng ký thành lập doanh nghiệp như: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ gia đình theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

dieu kien kinh doanh khach san 2

Điều kiện đăng ký kinh doanh khách sạn theo Luật doanh nghiệp 2020 và các văn bản Luật liên quan

1.2. Điều kiện về cơ sở vật chất.

- Có ít nhất 10 buồng ngủ;

- Có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.

- Có nơi để xe cho khách: áp dụng với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.

- Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống: áp dụng với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.

- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

1.3. Điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Tại Điểm m Khoản 1 Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ lưu trú đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự. Về phương án đảm bảo an ninh, trật tự bao gồm những nội dung sau:

- Xác định khu vực, địa bàn, mục tiêu cụ thể cần phải tăng cường thực hiện để đảm bảo ANTT.

- Biện pháp, phương tiện cụ thể thực hiện.

- Lực lượng phục vụ thường xuyên.

- Các biện pháp: tổ chức, chỉ đạo; phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan ở địa phương mà cơ sở kinh doanh hoạt động.

- Tình huống giả định khi có vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra; công tác huy động lực lượng, phương tiện; biện pháp xử lý.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh khách sạn còn phải đảm bảo đủ điều kiện về PCCC, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

dieu kien kinh doanh khach san 3

Quy định về điều kiện an ninh, trật tự phòng cháy chữa cháy cần có trong ngành nghề kinh doanh khách sạn

Lưu ý: Theo quy định của pháp luật, để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng cần được cấp giấy chứng nhận điều kiện ANTT, PCCC. Chi tiết vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo trong bài Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ của Codon.vn để biết thêm thông tin.

2. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khách sạn.

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khách sạn được quy định tại Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:

- Những trách nhiệm chung được quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

- Ban hành nội quy về công tác đảm bảo ANTT, phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC và niêm yết tại những nơi dễ thấy, dễ đọc.

- Kiểm tra, quản lý giấy tờ tùy thân, ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý trước khi cho khách vào phòng nghỉ, trả lại giấy tờ tùy thân khi khách ra khỏi khách sạn. Trường hợp khách đến ở không có giấy tờ tùy thân thì phải báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

- Đối với khách lưu trú là người Việt Nam, cơ sở kinh doanh phải thông báo cho công an xã, phường, thị trấn. Đối với khách lưu trú là người nước ngoài, phải khai báo tạm trú với cơ quan có công an xã, phường, thị trấn.

- Lưu trữ thông tin của khách, người đến thăm khách trong thời hạn ít nhất là 36 tháng.

- Kiểm tra và quản lý giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ, ghi đầy đủ thông tin vào sổ và trả lại giấy tờ tùy thân khi họ ra khỏi cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.

- Nếu khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phải yêu cầu xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan Công an hoặc Quân đội cấp, nếu khách không xuất trình giấy phép sử dụng phải báo ngay cho cơ quan Công an.

dieu kien kinh doanh khach san 4

Luật kinh doanh khách sạn về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh

Tương tự, chương II Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung cũng quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh dịch vụ xăng dầu đối với các doanh nghiệp. Nếu cũng quan tâm đến lĩnh vực này, bạn đọc có thể xem thêm trong bài điều kiện kinh doanh xăng dầu của chúng tôi.

3. Xếp hạng sao khách sạn.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 50 Luật du lịch 2017, tổ chức, cá nhân kinh doanh khách sạn tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với khách sạn có 05 hạng là: 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao.

- Thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng sao:

+ Khách sạn hạng 01 sao, 02 sao, 03 sao: Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có thẩm quyền.

+ Khách sạn hạng 04 sao, 05 sao: Tổng cục Du lịch có thẩm quyền.

* Trình tự thủ tục đăng ký xếp hạng sao:

- Chuẩn bị hồ sơ gồm có:

+ Đơn đề nghị (mẫu 07 Phụ lục I Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL).

TẢI MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN HẠNG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH TẠI ĐÂY

+ Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở kinh doanh khách sạn theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

+ Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở kinh doanh khách sạn.

+ Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở kinh doanh khách sạn (bản sao có chứng thực).

- Nộp hồ sơ:

+ Khách sạn hạng 01 sao, 02 sao, 03 sao: nộp tại cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có thẩm quyền.

+ Khách sạn hạng 04 sao, 05 sao: nộp tại Tổng cục Du lịch có thẩm quyền.

- Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ:

+ Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

+ Hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ: cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản và nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung (thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ).

- Kết quả:

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận hạng sao trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Phí thẩm định cơ sở hạng sao: được quy định tại Điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BTC như sau

+ Khách sạn hạng 01 sao, 02 sao: 1,5 triệu đồng

+ Khách sạn 03 sao: 2 triệu đồng.

+ Khách sạn 04 sao, 05 sao: 3,5 triệu đồng.

Trên đây là những điều kiện kinh doanh khách sạn Blog Codon.vn tổng hợp được. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh khách sạn cần phải lưu ý những điều kiện, những trình tự thủ tục khi làm thủ tục đăng ký xếp hạng sao theo đúng quy định của pháp luật.

Bài liên quan