Chất thải nguy hại (CTNH) là đối tượng trọng điểm được quan tâm bởi nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Chính vì vậy, pháp luật hiện hành đã quy định rất cụ thể về các điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, làm cơ sở để quản lý, hỗ trợ hạn chế sự tác động của chất thải nguy hại đối với môi trường.
Ai được phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại? Kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại cần điều kiện gì?
* Danh mục từ viết tắt:
- CTNH: Chất thải nguy hại
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về đối tượng kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải, tuy nhiên, căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn có thể đưa ra nhận định như sau:
- Đối tượng được kinh doanh vận chuyển chất thải nguy hại:
+ Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Điều 82, Khoản 4, chỉ có 02 đối tượng được phép vận chuyển CTNH: (1) Chủ nguồn chất thải có đủ các yêu cầu, điều kiện vận chuyển và (2) Cơ sở xử lý chất thải có giấy phép môi trường phù hợp với chất thải vận chuyển.
Như vậy, nếu xét đối tượng kinh doanh dịch vụ vận chuyển CTNH thì chỉ có cơ sở xử lý chất thải.
- Đối tượng được kinh doanh xử lý chất thải nguy hại.
+ Cá nhân, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện luật định, được cấp giấy phép môi trường thì được kinh doanh xử lý CTNH.
Lưu ý: Kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý CTNH là một hoạt động của một đơn vị độc lập thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của vận chuyển, xử lý chất thải nhằm mục tiêu sinh lời.
Cơ sở kinh doanh không phải là chủ thể duy nhất được xử lý chất thải nguy hại mà chủ nguồn CTNH cũng có thể xử lý CTNH trong khuôn viên cơ sở phát sinh của mình nếu đáp ứng đủ điều kiện luật định.
Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh trong hoạt động bảo vệ môi trường, độc giả quan tâm có thể xem thêm điều kiện kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường
- Vận chuyển chất thải nguy hại là quá trình đưa CTNH từ nguồn phát sinh chất thải nguy hại đến nơi xử lý CTNH.
- Vận chuyển CTNH phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Khoản 3, Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, bao gồm:
+ Chất thải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyển động phù hợp. Tính phù hợp phải biểu hiện ở việc không làm rò rỉ chất thải nguy hại dưới bất kỳ hình thức nào hay làm biến tính CTNH.
+ Phương tiện vận chuyển phải lắp đặt thiết bị định vị, hoạt động theo đúng tuyến đường, thời gian quy định của UBND cấp tỉnh. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng, để hạn chế ảnh hưởng và kịp thời khắc phục khi có sự cố.
+ Các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện vận chuyển được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Vận chuyển chất thải nguy hại là một kiểu kinh doanh dịch vụ, nó khác với việc kinh doanh hàng hóa như điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật mặc dù chất thải nguy hại hay thuốc bảo vệ thực vật đều có ảnh hưởng đến môi trường.
Điều kiện cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Quy định pháp luật về điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải nguy hại mới nhất
Đơn vị kinh doanh xử lý chất thải nguy hại cũng là cơ sở được phép vận chuyển CTNH, do vậy, trước hết cơ sở phải đảm bảo được điều kiện vật chất, phương tiện vận chuyển được nêu ở mục 2.
Điều kiện kinh doanh xử lý CTNH được quy định rất rõ trong Luật Bảo vệ môi trường, tại Điều 84, Khoản 3, cụ thể:
- Yêu cầu trong mối quan hệ với quy hoạch chung của Nhà nước:
+ Đó là tính phù hợp trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch có liên quan đến nội dung xử lý chất thải nguy hại, không áp dụng điều kiện này đối với đồng xử lý CTNH.
- Yêu cầu về vị trí:
+ Có khoảng cách an toàn theo QCVN 01:2019/BXD.
- Yêu cầu về công nghệ xử lý CTNH:
+ Được thẩm định, có ý kiến về chuyển giao công nghệ.
- Yêu cầu về hình thức pháp lý:
+ Có giấy phép môi trường.
- Yêu cầu về nhân sự.
+ Người phụ trách về bảo vệ môi trường phải có chuyên môn phù hợp, nhất là được đào tạo chuyên ngành môi trường.
- Yêu cầu về vận hành:
+ Quy trình an toàn, phương tiện, thiết bị phù hợp. Sự phù hợp đối với chất thải nguy hại.
- Yêu cầu về kế hoạch quản lý:
+ Nội dung thể hiện: kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, an toàn lao động, vệ sinh lao động, ứng phó sự cố,...
- Yêu cầu về tài chính:
+ Nếu có chôn lấp chất thải thì phải thực hiện hoạt động ký quỹ bảo vệ môi trường.
Trên đây là những chia sẻ của Blog trên trang Codon.vn về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Có thể thấy rằng, các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đã có sự thay đổi, bổ sung so với trước đây, vừa chặt chẽ nhưng cũng vừa "thông thoáng" hơn, đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức có thể được thực hiện hoạt động kinh doanh thuận lợi nhất.