Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình theo Luật xây dựng 2014

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình

Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các công trình xây dựng, dự án đầu tư ngày một nhiều. Kéo theo đó, mô hình kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng ngày càng tăng. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật hiện nay như thế nào? Vấn đề này được Blog Codon.vn giải đáp như sau.

dieu kien kinh doanh dich vu thi cong xay dung cong trinh

Điều kiện kinh doanh thi công xây dựng cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức

Mục Lục bài viết:
1. Thi công xây dựng công trình là gì?
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình.
2.1. Điều kiện về năng lực hoạt động.
2.2. Điều kiện về chỉ huy trưởng công trường.
2.3. Điều kiện về thiết bị thi công.
3. Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
4. Hoạt động kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng nhưng không đủ điều kiện thì bị xử lý thế nào?

1. Thi công xây dựng công trình là gì?

Căn cứ Luật xây dựng 2014 quy định, thi công xây dựng bao gồm những hoạt động sau: xây dựng, lắp đặt thiết bị đối với xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi công trình; phá dỡ, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

(Thông tin về đặc điểm, cách thức phân loại công trình xây dựng đã được trình bày chi tiết trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để tìm hiểu thêm).

Khi thực hiện thi công công trình xây dựng thì cần đảm bảo những yêu cầu được quy định tại Điều 111 Luật xây dựng 2014 như sau:

- Thứ nhất, việc thi công phải tuân thủ thiết kế xây dựng đã được duyệt, đảm bảo về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng vật liệu xây dựng áp dụng cho từng loại công trình theo quy định của pháp luật.

- Thứ hai, thi công xây dựng công trình phải đảm bảo an toàn về vấn đề chịu lực, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và những điều kiện an toàn khác được quy định.

- Thứ ba, trong quá trình thi công xây dựng phải đảm bảo an toàn về con người, về công trình xây dựng, các công trình liền kề, công trình ngầm, ngoài ra cần phải có những biện pháp cần thiết để hạn chế những rủi ro, những thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố.

- Thứ tư, khi thi công xây dựng công trình cần phải thực hiện những biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với từng loại công trình, hạng mục công trình khác nhau.

- Thứ năm, đảm bảo an toàn về việc sử dụng đúng vật tư, vật liệu đúng chủng loại, quy cách, số lượng, khối lượng yêu cầu của thiết kế xây dựng tuy nhiên vẫn phải sử dụng một cách đúng mức, tiết kiệm.

- Thứ sáu, đảm bảo việc thực hiện việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu một cách chặt chẽ, đúng quy trình.

- Thứ bảy, nhà thầu thi công xây dựng công trình phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

dieu kien kinh doanh dich vu thi cong xay dung cong trinh 2

Kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình là gì? Cần đảm bảo những yếu tố gì?

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình.

Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình thì cần phải đáp ứng đủ những điều kiện được quy định tại Điều 157 Luật xây dựng 2014 sửa đổi bổ sung Luật xây dựng 2020 và những văn bản hướng dẫn khác có liên quan, cụ thể như sau:

2.1. Điều kiện về năng lực hoạt động.

Đối với tổ chức thi công xây dựng công trình cần phải có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình tương ứng với từng loại, từng cấp công trình xây dựng. Theo Điều 65 Nghị định 100/2018/NĐ-CP có 03 hạng năng lực :

Hạng I:

- Về chức danh:

+ Đối với chỉ huy trưởng công trường hạng I: cá nhân đó phải đủ điều kiện để trở thành chỉ huy trưởng công trường hạng I theo quy định và phải phù hợp với lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận.

+ Đối với phụ trách thi công: cá nhân phụ trách phải có trình độ đại học/cao đẳng nghề phù hợp và có kinh nghiệm công tác ít nhất 03 năm (đối với đại học), ít nhất 05 năm (đối với cao đẳng).

+ Đối với công nhân kỹ thuật: phải có văn bằng/chứng chỉ bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực.

- Về năng lực:

+ Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu cần thiết phục vụ cho quá trình thi công xây dựng.

+ Đã trực tiếp tham gia thi công công việc thuộc hạng mục công trình chính liên quan theo quy định.

Hạng II:

- Về chức danh:

+ Đối với chỉ huy trưởng: cá nhân là chỉ huy trưởng phải đáp ứng đủ điều kiện trở thành chỉ huy trưởng công trường hạng II trở lên theo quy định và có lĩnh vực, chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận.

+ Đối với phụ trách thi công: có trình độ đại học/cao đẳng nghề phù hợp và có thời gian công tác: ít nhất là 01 năm (đối với đại học), ít nhất 03 năm (đối với cao đẳng nghề).

+ Đối với công nhân kỹ thuật: có văn bằng/chứng chỉ bồi dưỡng, đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận.

- Về năng lực:

+ Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị cần thiết để đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng công trình.

+ Đã trực tiếp thi công công việc thuộc hạng mục công trình chính liên quan .

Hạng III:

- Về chức danh:

+ Đối với chỉ huy trưởng: cá nhân là chỉ huy trưởng phải đáp ứng đủ điều kiện trở thành chỉ huy trưởng công trường hạng III trở lên theo quy định và có lĩnh vực, chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận.

+ Đối với phụ trách thi công: phải có trình độ đại học/cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận.

+ Đối với công nhân kỹ thuật: có văn bằng/chứng chỉ bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn phù hợp.

- Về năng lực: Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu cần thiết để đáp ứng yêu cầu thi công.

dieu kien kinh doanh dich vu thi cong xay dung cong trinh 3

Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thi công xây dựng: Điều kiện về năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình ứng với từng loại, từng cấp công trình xây dựng của hộ gia đình, tổ chức.

Lưu ý: Liên quan đến vấn đề xây dựng, bạn đọc muốn tìm hiểu quy định về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thể tham khảo trong nội dung bài viết này để biết thêm các thông tin hữu ích.

2.2. Điều kiện về chỉ huy trưởng.

Căn cứ Khoản 56 Điều 1 Luật xây dựng 2020 quy định điều kiện của chỉ huy trưởng cần phải đáp ứng đó là: "Chỉ huy trưởng công trường có chuyên môn và năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình phù hợp.". Cụ thể:

- Hạng I:

+ Về chứng chỉ: Chỉ huy trưởng phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng I.

+ Hoặc đã có kinh nghiệm: Đã từng làm chỉ huy trưởng công trường ít nhất 01 công trình cấp I; 02 công trình từ cấp II cùng loại trở lên.

- Hạng II:

+ Về chứng chỉ: Chỉ huy trưởng công trường có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng II.

+ Hoặc đã có kinh nghiệm: Đã làm chỉ huy trưởng công trường ít nhất 01 công trình từ cấp II; hoặc 02 công trình từ cấp III cùng loại trở lên.

- Hạng III:

+ Về chứng chỉ: Chỉ huy trưởng phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng III.

+ Hoặc đã có kinh nghiệm: Hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 01 công trình từ cấp III; hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng loại trở lên.

2.3. Điều kiện về thiết bị thi công.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình cần phải đảm điều kiện về thiết bị thi công.

- Theo đó, các thiết bị thi công phải đáp ứng yêu cầu về độ an toàn, số lượng, chất lượng phù hợp với từng hạng mục công trình xây dựng.

- Thiết bị thi công phải được trang bị đầy đủ, đúng loại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được quy định.

dieu kien kinh doanh dich vu thi cong xay dung cong trinh 4

Quy định về thiết bị thi công, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xây dựng cho hộ gia đình, tổ chức

3. Thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 87 Nghị định 15/2021/NĐ-CP theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm có:

(1) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực (Mẫu số 04). 

TẢI MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP CHỨNG CHỈ NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TẠI ĐÂY

(2) Quyết định thành lập tổ chức (nếu có).

(3) Chứng chỉ hành nghề kèm theo bản kê khai.

(4) Hợp đồng/Biên bản nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức thi công xây dựng hạng I, hạng II).

(5) Các tài liệu khác liên quan.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ được nộp tại:

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng (đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I).

- Sở Xây dựng (đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hạng II và hạng III).

Hình thức nộp: trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ.

- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, cấp chứng chỉ trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ nhận đủ hồ sơ theo quy định.

- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ: cơ quan có thẩm quyền thông báo đến tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

dieu kien kinh doanh dich vu thi cong xay dung cong trinh 5

Hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức

4. Hoạt động kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng nhưng không đủ điều kiện thì bị xử lý thế nào?

Căn cứ Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định:

- Đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình mà không đáp ứng đủ điều kiện: bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng và buộc hoạt động xây dựng đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

- Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình mà không đáp ứng đủ điều kiện: bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 - 06 tháng, ngoài ra còn buộc thay thế người có đủ điều kiện năng lực hoặc có chứng chỉ hành nghề phù hợp theo quy định.

Như vậy, các cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ này. Trường hợp không đáp ứng đủ những điều kiện nêu trên mà vẫn hoạt động thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Giống như việc thi công xây dựng, thương mại điện tử cũng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức, doanh nghiệp muốn được cấp phép kinh doanh cần thỏa mãn các điều kiện kinh doanh của pháp luật hiện hành. Thông tin chi tiết về Điều kiện hoạt động thương mại điện tử đã được Codon.vn tổng hợp, mời bạn đọc tham khảo để gia tăng kiến thức pháp luật về kinh doanh.

Bài liên quan