Điều kiện khởi công xây dựng công trình, nhà ở từ ngày 01/01/2021

Điều kiện khởi công xây dựng công trình

Các công trình xây dựng cần phải đảm bảo các điều kiện trước khi khởi công theo quy định của pháp luật. Pháp luật đã quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình như thế nào?

dieu kien khoi cong xay dung cong trinh

Chi tiết điều kiện khởi công công trình xây dựng theo khoản 3 điều 14 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện khởi công xây dựng công trình.
1.1.Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng.
1.2. Về giấy phép xây dựng.
1.3. Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt.
1.4. Về việc ký kết hợp đồng.
1.5. Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
1.6. Gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền.
2. Mức phạt vi phạm quy định về khởi công xây dựng.
3. Thủ tục khởi công xây dựng công trình xây dựng.

Chú ý: Theo định nghĩa trên wikipedia.org thì công trình xây dựng được hiểu là sản phẩm được tạo thành từ các loại vật liệu, thiết bị, sức lao động của con người và xây dựng theo thiết kế. Thực tế, các công trình xây dựng bao gồm các dự án về nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi,... Chi tiết định nghĩa, cách phân loại các công trình xây dựng đã được tổng hợp trong bài viết này, mời bạn đọc tham khảo để có thêm thông tin.

1. Điều kiện khởi công xây dựng công trình.

Theo Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật xây dựng 2020, khởi công xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện sau:

1.1. Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng.

- Đối với những dự án đầu tư xây dựng, việc chuẩn bị mặt bằng sẽ được thực hiện thông qua việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

- Thẩm quyền thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư: UBND các cấp theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Thời hạn giải phóng mặt bằng xây dựng: phù hợp với tiến độ thực hiện của dự án đã được phê duyệt/quyết định của người có thẩm quyền.

- Kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, thời gian bàn giao mặt bằng xây dựng (một phần hoặc toàn bộ): theo sự thỏa thuận của các bên (chủ đầu tư - nhà thầu thi công xây dựng) + phải được bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

=> Chỉ khi có mặt bằng xây dựng thì công trình xây dựng mới được khởi công, mặt bằng xây dựng có ý nghĩa trong việc bàn giao từng phần/toàn bộ phù hợp với tiến độ xây dựng.

1.2. Về giấy phép xây dựng.

- Một công trình xây dựng trước khi bắt đầu khởi công thì cần phải đáp ứng điều kiện là có Giấy phép xây dựng hợp lệ được cấp theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định của pháp luật, các công trình khi được xây dựng, sửa chữa, cải tạo; di dời công trình, xây dựng có thời hạn thì chủ đầu tư phải làm thủ tục xin GPXD tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoại trừ những những công trình được nêu tại Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng.

- Thẩm quyền cấp GPXD: UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, theo đó:

+ Đối với công trình thuộc đối tượng yêu cầu phải cấp GPXD trên địa bàn tỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ, công trình cấp III, IV): UBND tỉnh có thẩm quyền cấp.

+ Đối với công trình cấp III, IV + nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh mình quản lý: UBND huyện có thẩm quyền cấp.

dieu kien khoi cong xay dung cong trinh 2

Chi tiết điều kiện cấp lệnh khởi công công trình xây dựng: Có giấy phép xây dựng

Liên quan đến vấn đề cấp phép xây dựng, Codon.vn đã có bài chia sẻ điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho các loại công trình. Chủ đầu tư cần tham khảo để nắm được thông tin cũng như chủ động chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để xin cấp phép tại cơ quan có thẩm quyền.

1.3. Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt.

- Thiết kế bản vẽ thi công đóng vai trò vô cùng quan trọng, khi nhìn vào thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình có thể biết được những nội dung như: các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng cho công trình, cấu tạo chi tiết. Những nội dung sẽ giúp cho việc đánh giá về mức độ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn và bảo đảm có đủ điều kiện để triển khai thi công.

- Nếu không có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công chưa được phê duyệt tức là công trình này chưa đáp bảo đảm điều kiện và sẽ không được khởi công xây dựng.

1.4. Về việc ký kết hợp đồng.

- Khi đã có mặt bằng, có bản vẽ thiết kế, có giấy phép xây dựng, muốn công trình xây dựng được khởi công phải đảm bảo điều kiện chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ Khoản 21 Điều 3 Luật xây dựng 2014, các hoạt động xây dựng trong quá trình khởi công xây dựng công trình bao gồm:

+ Trong quá trình ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu các bên sẽ thống nhất về việc thực hiện các hoạt động xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động xây dựng đó bao gồm các quá trình từ lập dự án đầu tư xây dựng, lập quy hoạch đến các công đoạn như: thiết kế, khảo sát, thi công, giám sát, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

=> Đây là một điều kiện vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cho việc khởi công xây dựng được thực hiện theo đúng tiến độ, đúng theo quy định của pháp luật. Việc quy định điều kiện này khi khởi công xây dựng là có cơ sở, chỉ khi các bên đã xác định rõ về việc thực hiện các hoạt động xây dựng thì mới đảm bảo cho việc công trình sẽ được khởi công.

1.5. Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

- Đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động đầu tư xây dựng, trong quá trình khởi công, thi công, giám sát công trình xây dựng hoặc các hoạt động liên quan đến xây dựng công trình thì vấn đề bảo đảm có những biện pháp an toàn và bảo vệ môi trường là rất cần thiết.

- Ngoài ra, bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường khi khởi công xây dựng còn là trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc lập, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường trong khi khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.

- Nếu trong trường hợp có những thiệt hại hoặc trong quá trình khởi công xây dựng vi phạm điều kiện về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

dieu kien khoi cong xay dung cong trinh 3

Điều kiện khởi công công trình: Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

1.6. Gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền.

Điều kiện cuối cùng cần phải đảm bảo trước khi khởi công xây dựng đó là: Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.".

- Quy định này có ý nghĩa trong việc giám sát, quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với công trình đang chuẩn bị được khởi công xây dựng. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền nắm bắt được thời gian khởi công, quá trình thi công, tiến độ thực hiện.

* Lưu ý: đối với khởi công xây dựng công trình là nhà ở riêng lẻ thì chỉ cần đáp ứng điều kiện số 2 là phải có giấy phép xây dựng.

2. Mức phạt khi vi phạm quy định về khởi công xây dựng.

Tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP, cụ thể Điều 15 quy định các mức phạt vi phạm về khởi công xây dựng công trình như sau:

* Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng: không gửi văn bản thông báo ngày khởi công; không thông báo/thông báo chậm; không gửi báo cáo/gửi báo cáo không đầy đủ cho cơ quan có thẩm quyền.

* Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng: khởi công xây dựng công trình mà không đảm bảo một trong các điều kiện sau: điều kiện 1.2, 1.4, 1.6 đã nêu ở trên (không áp dụng với nhà ở riêng lẻ).

* Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng:

- Khởi công xây dựng công trình mà không đáp ứng được điều kiện: phải có thiết kế bản vẽ thi công của công trình, hạng mục công trình đã được phê duyệt.

- Xây dựng nhà ở riêng lẻ không có GPXD.

* Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng: xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.

* Phạt tiền từ 120-140 triệu đồng: xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

* Lưu ý:

- Các mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức, trừ trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, di tích lịch sử - văn hóa mà vi phạm về GPXD.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, hộ gia đình.

Các điều kiện khởi công xây dựng công trình được pháp luật rất rõ ràng, cụ thể. Khi khởi công xây dựng công trình, cá nhân, tổ chức cần phải đảm bảo được các điều kiện đó, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

dieu kien khoi cong xay dung cong trinh 4

Mức phạt vi phạm về điều kiện khởi công xây dựng công trình

3. Thủ tục khởi công xây dựng công trình.

Thủ tục khởi công xây dựng công trình được quy định tại các điều từ Mục 1 đến Mục 4 Chương VI Luật xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật xây dựng 2020. Thủ tục khởi công xây dựng công trình gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị xây dựng công trình.

Công tác chuẩn bị xây dựng công trình bao gồm:

(1) Chuẩn bị mặt bằng.

(2) Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đáp ứng yêu cầu đối với công trình, sử dụng vật liệu xây dựng.

Bước 2: Thi công công trình xây dựng.

Bước 3: Giám sát thi công xây dựng.

- Việc giám sát công trình xây dựng được thực hiện với nội dung: chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.

- Lưu y, quá trình giám sát phải đảm bảo các yêu cầu theo luật định.

Bước 4: Nghiệm thu công trình xây dựng.

Nghiệm thu công trình xây dựng là nghiệm thu các nội dung: Công việc xây dựng; giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng; hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng.

Chi tiết các loại giấy tờ cần chuẩn bị để hoàn công công trình đã được Codon.vn chia sẻ trong bài danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng, bạn đọc có thể tham khảo để chủ động chuẩn hồ sơ bàn giao cho chủ đầu tư.

Bước 5: Bàn giao công trình xây dựng.

Việc bàn giao công trình phải đảm bảo các yêu cầu:

- Công trình đã được nghiệm thu theo quy định.

- Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.

- Đối với một số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, có thể bàn giao một phần/toàn bộ và phù hợp với nội dung của dự án, tiến độ, quy hoạch đã được phê duyệt.

Bước 6: Bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

- Bảo hành:

+ Trách nhiệm bảo hành: nhà thầu thi công xây dựng, cung ứng thiết bị bảo hành đối với phần công việc do mình đảm nhiệm.

+ Thực hiện đúng yêu cầu về bảo hành công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

+ Thời gian bảo hành: được xác định theo từng loại, cấp công trình và dựa theo quy định của nhà sản xuất/hợp đồng cung cấp thiết bị.

- Bảo trì:

+ Trách nhiệm bảo trì: Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình bảo trì công trình xây dựng, máy, thiết bị công trình.

+ Thực hiện bảo trì phải đảm bảo an toàn về người, tài sản, công trình theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Blog Codon.vn đã chia sẻ cho bạn đọc điều kiện khởi công xây dựng công trình xây dựng theo Luật xây dựng sửa đổi 2020. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trước khi khởi công xây dựng cần nắm được các quy định pháp luật về điều kiện này để tuân thủ cho đúng. Ngoài ra, khi khởi xây dựng công trình cũng phải đáp ứng các yêu cầu đối với công trình xây dựng, yêu cầu đối với việc sử dụng vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan