Xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng cao, hiện nay các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Dưới đây Blog Codon.vn chia sẻ với bạn đọc về điều kiện kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, mời bạn đọc tham khảo, tìm hiểu.
Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cần đáp ứng điều kiện gì? Quy định về thủ tục, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ
- Các loại hình kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ gồm có: bệnh viện đa khoa; bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám đa khoa; cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
- Theo quy định của pháp luật, ngành nghề kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người.
- Như đã nêu ở trên, kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó, đối với loại hình kinh doanh này trước hết cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh bao gồm các điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Cụ thể như sau:
Tại Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cần đáp ứng những điều kiện về an ninh, trật tự như sau:
- Cơ sở kinh doanh phải được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật.
- Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
TH1: Nếu là người Việt Nam:
+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia/các tội khác do lỗi cố ý và đã bị kết án từ 03 năm tù trở lên và chưa được xóa án tích.
+ Đang trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ/được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù.
+ Đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
+ Đang nghiện ma túy/được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc/ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
TH2: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài nhưng lại chưa được cấp phép lưu trú cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo luật định.
Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, mời bạn đọc tham khảo tại mục 2.1 bài viết điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Khoản 4, Khoản 5 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ còn phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất:
- Đối với bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ: phải có ít nhất 20 giường bệnh.
- Các khoa, phòng, hành lang đảm bảo hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện.
- Đảm bảo diện tích sản xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m.
- Có máy phát điện dự phòng.
- Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.
- Có đầy đủ thiết bị y tế phục vụ cho dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
- Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
- Có địa điểm cố định.
- Phải bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định.
- Bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại (trừ trường hợp có quy định khác).
- Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa.
- Trường khoa chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp và phải là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám, bệnh viện.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định mới nhất hiện nay
Khi một cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ những điều kiện nêu trên thì sẽ được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:
* Hồ sơ chuẩn bị gồm có:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
- Một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư/quyết định thành lập theo quy định của pháp luật (bản sao).
- Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người phụ trách bộ phận chuyên môn (bản sao).
- Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động theo quy định.
- Những giấy tờ khác có liên quan (nếu có).
* Nộp hồ sơ tại: Sở y tế tỉnh thành phố nơi đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
* Thời hạn giải quyết: 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết và trả kết quả cho cơ sở đăng ký. Trường hợp từ chối giải quyết cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được quy định tại Điều 25, Điều 41 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật có trách nhiệm kiểm tra, lưu trữ bản sao giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/Hộ chiếu/Giấy khai sinh và ảnh chân dung có kích thước 4x6cm của trẻ em đối với trẻ em dưới 14 tuổi) của khách trong hồ sơ.
- Cơ sở kinh doanh phải báo cáo quý theo quy định và gửi cho cơ quan công an có thẩm quyền (kèm theo bản sao giấy tờ tùy thân của khách hàng).
- Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và thực hiện đầy đủ những quy định về việc đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự; đồng thời duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện này trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Sử dụng cơ sở kinh doanh đúng với hoạt động được ghi trong giấy phép kinh doanh và không được thực hiện các hoạt động trái quy định của pháp luật.
- Phải có văn bản thông báo cho cơ quan Công an có thẩm quyền khi bị mất giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
- Chấp hành, tuân thủ những quy định của pháp luật về việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan Công an và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức tập huấn về công tác đảm bảo an ninh trật tự cho nhân viên trong cơ sở kinh doanh.
trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy pháp luật đã quy định rất cụ thể, chi tiết về điều kiện kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Cũng tương tự như vậy, đối với những tiệm massage thì cũng cần phải đáp ứng những điều kiện mở tiệm massage mà pháp luật quy định.