Việc lập di chúc xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc, trong một số trường hợp, sau khi di chúc đã được công chứng mà người lập di chúc lại muốn sửa đổi lại. Trong trường hợp này: "Di chúc đã công chứng có sửa đổi được không?"
Di chúc đã công chứng có thay đổi được không? Tìm hiểu quy định pháp luật về quyền sửa đổi, bổ sung nội dung di chúc sau khi công chứng của người lập di chúc
- Di chúc được lập dưới một trong hai hình thức: di chúc bằng văn bản, di chúc miệng.
Căn cứ Điều 635 Bộ luật dân sự 2015, di chúc bằng văn bản có thể được công chứng hoặc không, nhưng vẫn có hiệu lực nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự.
Chi tiết về vấn đề này, mời bạn đọc xem tại bài viết: "Điều kiện để di chúc có hiệu lực pháp luật".
- Tại Khoản 1 Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sửa đổi di chúc, cụ thể:
Người lập di chúc có thể sửa đổi di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
+ Đây được hiểu là quyền của người lập di chúc, không chỉ sửa đổi mà người lập di chúc còn có thể bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập.
Tuy nhiên, tại điều luật cũng không quy định là việc sửa đổi di chúc phải được thực hiện khi di chúc đã được công chứng hay chưa được công chứng.
+ Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 56 Luật công chứng 2014 quy định: di chúc đã được công chứng và người lập di chúc muốn sửa đổi (một phần hoặc toàn bộ) di chúc thì có thể yêu cầu công chứng viên công chứng về việc sửa đổi đó.
=> Như vậy, di chúc đã công chứng hoàn toàn có thể sửa đổi vào bất cứ lúc nào mà người lập di chúc có yêu cầu.
Có được sửa lại di chúc đã được công chứng không? Chi tiết quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc theo Bộ luật dân sự 2015 và Luật công chứng 2014
- Thủ tục sửa đổi di chúc đã công chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 51, Điều 56 Luật công chứng 2014 và các văn bản khác có liên quan.
Cụ thể các bước tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hồ sơ để làm thủ tục sửa đổi di chúc công chứng gồm có:
- Di chúc (bản chính).
- Phiếu yêu cầu công chứng.
- Giấy tờ tùy thân của người lập di chúc như: CMND/CCCD/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bước 2: Nộp 01 bộ hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng.
Bước 3: Công chứng/ người có thẩm quyền thực hiện những công việc sau:
- Xác nhận việc sửa đổi di chúc đã công chứng.
- Giải thích rõ cho người lập di chúc biết về quyền, nghĩa vụ của họ khi sửa đổi di chúc.
- Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu.
Bước 4: Tiến hành thực hiện sửa đổi di chúc đã công chứng.
Hướng dẫn người lập di chúc ký tên vào từng trang trong dự thảo di chúc sửa đổi => công chứng viên/người có thẩm quyền kiểm tra, ký xác nhận về nội dung sửa đổi.
Bước 5: Trả kết quả.
Thời hạn giải quyết: 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (trường hợp nội dung phải xác minh có tính chất phức tạp).
* Lưu ý:
- Khi sửa đổi di chúc đã công chứng, người lập di chúc có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào thực hiện. (Chi tiết thông tin về điều kiện, chức năng, nhiệm vụ của công chứng viên tại Việt Nam đã được wikipedia.org tổng hợp, mời bạn đọc bấm vào bài viết này để có thêm thông tin).
- Nếu di chúc trước đó đang được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng/Văn phòng công chứng) thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang giữ di chúc biết về việc sửa đổi di chúc đó.
Di chúc đã công chứng có được sửa đổi không? Chi tiết thủ tục thay đổi di chúc đã được công chứng
- Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, khi công chứng sửa đổi di chúc đã công chức thì người lập di chúc có yêu cầu sửa đổi phải nộp phí với mức là: 40 nghìn đồng/trường hợp.
- Ngoài ra, người yêu cầu công chứng còn chịu thêm thù lao công chứng: Mức thù lao sẽ do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận, đảm bảo không vượt quá mức quy định của ủy ban nhân dân tỉnh.
Qua bài viết trên đây của Blog Codon.vn, bạn đọc đã có dễ dàng trả lời câu hỏi di chúc đã công chứng có được sửa đổi không? Trong trường hợp có muốn thay đổi, bổ sung nội dung di chúc đã công chứng, người lập di chúc hoàn toàn có quyền thực hiện điều này, tuy nhiên cần lưu ý về trình tự, thủ tục tiến hành.
Thủ tục công chứng việc sửa đổi di chúc có những điểm gì khác so với thủ tục công chứng di chúc bình thường? Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Thủ tục công chứng di chúc như thế nào? để biết thêm thông tin chi tiết.