Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Thủ tục đăng ký bảo đảm theo Nghị định 102/2017/NĐ-CP

Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Thủ tục đăng ký

Đăng ký biện pháp bảo đảm là thủ tục bắt buộc trong một số trường hợp để làm phát sinh hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Mặc dù hiểu cơ bản là vậy, nhưng để hiểu đúng, đủ về đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Thủ tục đăng ký là điều rất phức tạp.

dang ky bien phap bao dam la gi thu tuc dang ky

Đăng ký bảo đảm là gì? Ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký biện pháp bảo đảm

Mục Lục bài viết:
1. Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?
2. Các trường hợp bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm.
3. Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.
3.1. Đăng ký biện pháp bảo đảm ở đâu?
3.2. Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm.
3.3. Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.
3.4. Đăng ký biện pháp bảo đảm hết bao nhiêu tiền?
3.5. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là khi nào?
4. Tại sao cần phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

1. Đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?

- Biện pháp bảo đảm là đối tượng của giao dịch bảo đảm nghĩa vụ dân sự.

- Đăng ký biện pháp bảo đảm được ghi nhận tại Điều 298 Bộ luật dân sự 2015 và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

- Giải thích về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định 102 quy định: "Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm".

→ Như vậy, đăng ký biện pháp bảo đảm là quá trình làm thủ tục của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đăng ký biện pháp bảo đảm không phải bắt buộc đối với mọi biện pháp bảo đảm, tức là nó không phải là điều kiện để làm phát sinh hiệu lực đối với mọi giao dịch bảo đảm.

Để biết chi tiết hơn về khái niệm, đặc điểm của biện pháp bảo đảm, mời độc giả tham khảo bài viết "Biện pháp bảo đảm là gì? Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự" của Codon.vn.

2. Các trường hợp bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm.

- Đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện trong 02 trường hợp: (1) Trường hợp bắt buộc; (2) Khi có yêu cầu.

- Tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP liệt kê các biện pháp bảo đảm gắn với tài sản bảo đảm phải thực hiện đăng ký bao gồm:

+ Thế chấp quyền sử dụng đất.

+ Thế chấp tài sản gắn liền với đất (tài sản đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

+ Thế chấp tàu biển.

+ Thế chấp tàu bay.

+ Cầm cố tàu bay.

→ Như vậy, chỉ có cầm cố và thế chấp là hai biện pháp bảo đảm phải đăng ký và chỉ có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển mới là tài sản bảo đảm gắn liền bắt buộc phải đăng ký.

Các tài sản bảo đảm là đối tượng của biện pháp bảo đảm phải đăng ký là những tài sản đặc biệt, có giá trị lớn, việc chuyển giao trong thực tế cũng cần có sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

- Trong trường hợp cần thiết, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể đăng ký các biện pháp bảo đảm sau:

+ Thế chấp tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển), tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (chủ yếu là nhờ ở thương mại). (Việc thế chấp nhà, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai để đảm bảo các khoản vay với bên nhận thế chấp cần tuân thủ theo trình tự của Luật Nhà ở 2014. Toàn bộ nội dung này đã được Codon.vn chia sẻ trong bài thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, mời bạn đọc tham khảo để có thêm thông tin).

+ Bảo lưu quyền sở hữu.

dang ky bien phap bao dam la gi thu tuc dang ky 2

Giao dịch nào phải đăng ký bảo đảm? Quy định chung về đăng ký biện pháp đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành

3. Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.

3.1. Đăng ký biện pháp bảo đảm ở đâu?

Thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm đối với mỗi trường hợp đăng ký bảo đảm được nêu ở mục 2 là khác nhau theo quy định tại Điều 9, Nghị định 102, cụ thể:

+ Đăng ký thế chấp, cầm cố tàu bay: Cục hàng không Việt Nam.

+ Thế chấp tàu biển: Cục Hàng hải Việt Nam/Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục hàng hải Việt Nam.

+ Thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản gắn liền với đất: Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh văn phòng.

Ngoài ra, trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể thực hiện tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp theo quy định tại Thông tư 06/2020/TT-BTP về thế chấp động sản (trừ tàu bay, tàu biển) và bảo lưu quyền sở hữu (trừ tàu bay, tàu biển).

3.2. Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm.

- Đối với mỗi trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm thì hồ sơ đăng ký cũng có sự khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chỉ cung cấp hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất với tư cách là biện pháp bảo đảm phổ biến nhất.

- Người yêu cầu đăng ký chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ được quy định tại Điều 39, Nghị định 102 như sau:

+ Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm (Mẫu số 01, Thông tư 08/2018/TT-BTP).

+ Hợp đồng thế chấp (có công chứng, chứng thực nếu pháp luật bắt buộc).

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ pháp lý khác tại Khoản 2, Điều 97 Luật Đất đai 2013.

+ Nếu thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không đồng thời là người có quyền sử dụng đất thì phải có văn bản thỏa thuận công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất.

+ Trường hợp ủy quyền yêu cầu đăng ký thì phải có văn bản ủy quyền. (Thông tin chi tiết về nội dung, hình thức của giấy ủy quyền đã được tổng hợp trên wikipedia.org, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để xem thêm).

+ Nếu là đối tượng được miễn nộp phí khi đăng ký thì phải có văn văn bản chứng minh.

Lưu ý: Ngoài Phiếu yêu cầu và Giấy chứng nhận bắt buộc là bản chính, các giấy tờ khác có thể là bản chính hoặc bản sao có chứng thực.

dang ky bien phap bao dam la gi thu tuc dang ky 3

Đăng ký biện pháp bảo đảm cần những gì? Chi tiết hồ sơ cần chuẩn bị

3.3. Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.

Việc thực hiện đăng ký bảo đảm trải qua các giai đoạn sau:

- Bước 1: Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ.

+ Phương thức: Trực tuyến/trực tiếp/qua đường bưu chính/qua thư điện tử nêu đã được cấp mã số sử dụng dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và ghi vào sổ tiếp nhận, nếu người yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp thì phải cấp Phiếu hẹn trả kết quả.

+ Thời hạn giải quyết hồ sơ và thực hiện đăng ký là trong ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu nhận hồ sơ sau 03h chiều thì thời gian đăng ký sẽ diễn ra vào ngày tiếp theo. Trường hợp đặc biệt tối đa 03 ngày làm việc.

- Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền trả kết quả đăng ký.

Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện hoặc phương thức khác theo thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền và người yêu cầu đăng ký.

3.4. Đăng ký biện pháp bảo đảm hết bao nhiêu tiền?

- Việc thu phí đăng ký biện pháp bảo đảm là đối với động sản, tàu biển được thực hiện theo Thông tư 202/2016/TT-BTC, trong đó, việc đăng ký lần đầu bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển là 80 nghìn đồng/hồ sơ.

- Đối với việc thu phí đăng ký biện pháp bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do HĐND cấp tỉnh quyết định. Vì vậy mức thu giữa các tỉnh cũng có sự khác nhau.

3.5. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là khi nào?

- Nếu đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp bắt buộc thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

- Các trường hợp đăng ký khác theo yêu cầu là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhất vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Đây là nội dung được quy định tại Điều 5 Nghị định 102.

Lưu ý: Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm cũng là thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3.

dang ky bien phap bao dam la gi thu tuc dang ky 4

Thời điểm có hiệu lực khi đăng ký biện pháp bảo đảm

4. Tại sao cần phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

- Giải thích cho lý do cần phải đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

+ Đăng ký biện pháp bảo đảm là một trong các cách thức để hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh xoay quanh tài sản bảo đảm, là cơ sở để hạn chế quyền của bên cầm cố, thế chấp đối với tài sản bảo đảm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp.

+ Các tài sản cầm cố, thế chấp là các tài sản lớn, có giá trị, được nhà nước quản lý một cách chặt chẽ, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

+ Đăng ký biện pháp bảo đảm sẽ giúp bên nhận bảo đảm dễ dàng truy đòi tài sản và được ưu tiên thanh toán khi cùng nhận tài sản bảo đảm.

Đăng ký biện pháp bảo đảm đơn giản về thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh chóng, vì vậy khi phát sinh giao dịch bảo đảm bắt buộc phải đăng ký thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải chủ động đăng ký để được pháp luật công nhận và bảo vệ giao dịch. Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết đăng ký biện pháp bảo đảm là gì? Thủ tục đăng ký của Blog Codon.vn sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký bảo đảm cho độc giả. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau.

Bài liên quan