Làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm là khoảng thời gian làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình tái tạo sức lao động của người lao động. Do vậy, tiền lương được áp dụng đối với các trường hợp này sẽ có sự khác biệt so với thời gian làm việc thông thường. Cụ thể công thức tính tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm theo quy định của pháp luật như sau.
Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm, lương làm ca đêm 12 tiếng theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Thời giờ làm việc bình thường được người sử dụng lao động xác định dựa trên quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động 2019. Cụ thể:
Không quá 08 tiếng/ 01 ngày và không quá 48 tiếng/ 01 tuần.
- Cách thức xác định: Theo ngày hoặc theo tuần. Nếu theo tuần thì không quá 10 tiếng/ 01 ngày và không quá 48 tiếng/ 01 tuần.
- Hình thức ghi nhận: Thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động.
Thời giờ làm việc bình thường là căn cứ để xác định giờ làm thêm, từ đó xác định chính xác tiền lương mà người lao động được nhận.
Lưu ý: Thông tin chi tiết về giờ làm việc bình thường (tiêu chuẩn) và giờ làm thêm đã được wikipedia.org tổng hợp, bạn đọc có thể bấm vào bài viết này để tìm hiểu thêm nội dung hữu ích.
Dựa trên quy định tại Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, xác định công thức tính tiền lương làm thêm giờ như sau:
* Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian.
Công thức:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương thực trả theo công việc đang làm x ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x số giờ làm thêm.
Trong đó:
- Tiền lương thực trả theo công việc đang làm = Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng/tuần/ngày : tổng số giờ thực tế làm việc theo tháng/tuần/ngày.
- Mức % :
+ 150% - làm thêm giờ vào ngày thường.
+ 200% - làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần.
+ 300% - làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
* Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm.
Công thức:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm theo ngày làm việc bình thường x ít nhất 150%/200%/300% (so với đơn giá tiền lương sản phẩm) x số sản phẩm làm thêm.
Lưu ý:
- Làm thêm giờ ngày nghỉ lễ, tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần => Tính tiền lương làm thêm giờ theo ngày nghỉ lễ tết.
- Làm thêm giờ ngày nghỉ bù (lễ tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần) => Tính tiền lương làm thêm giờ theo ngày nghỉ hàng tuần.
Cách tính tiền lương tăng ca, công thức tính lương ngày chủ nhật
Liên quan đến công thức tính tiền làm thêm giờ của cán bộ, công chức nhà nước, bạn đọc có thể xem trong bài cách tính tiền lương làm thêm giờ cho công chức, viên chức để hiểu thêm quy định pháp luật về vấn đề này.
Anh Nguyễn Văn An là nhân viên marketing của công ty phân phối rượu Hải Anh. Mức lương được ghi trong hợp đồng lao động là 7.000.000 đồng/tháng (hưởng lương theo thời gian làm việc).
Thời gian làm việc được ghi trong nội quy lao động:
- Sáng: Từ 8h- 12h; Chiều: 13h- 17h.
- Làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, nghỉ chủ nhật.
Như vậy, thời gian làm việc bình thường được xác định là 8 tiếng 01 ngày và 48 tiếng/tuần.
Tháng 04 năm 2022 (có 31 ngày) , anh An thực hiện đủ 26 ngày làm việc bình thường và có làm thêm giờ như sau:
- Ngày 4/4/2022 (thứ 2): Làm thêm giờ từ 17h đến 21h (4 tiếng).
- Chủ nhật ngày: 10/4/2022: làm thêm giờ từ 8h đến 12h (4 tiếng).
- Ngày giỗ tổ Hùng Vương: 11/1/2022, làm thêm giờ từ 13h-15h (2 tiếng).
Các tính tiền lương tăng ca đối với anh An như sau:
- Tiền lương thực trả theo giờ thực trả theo ngày làm việc bình thường = 7.000.000 đồng : 26 ngày : 8 giờ = 33.654 đồng/giờ.
- Tiền lương làm thêm giờ ngày thường (thứ 2) = 33.654 đồng x 150% x 4 giờ = 201.924 đồng.
- Tiền lương làm thêm giờ ngày nghỉ hàng tuần (chủ nhật) = 33.654 đồng x 200% x 4 giờ = 269.232 đồng.
- Tiền lương làm thêm giờ ngày nghỉ lễ = 33.654 đồng x 300% x 4 giờ = 403.848 đồng.
Giả sử anh An làm đủ 26 ngày làm việc bình thường thì tổng tiền lương anh A nhận được là: 7.000.000 đồng + 201.924 đồng + 269.232 đồng + 403.848 đồng = 7.875.0004 đồng.
Làm việc vào ban đêm: Tính từ 22h đến 06h sáng ngày hôm sau.
Tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Điều 56 xác định công thức tính tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:
* Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian.
Công thức:
Tiền lương làm việc vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả cho công việc theo ngày làm việc bình thường x 2 x ít nhất 30% x số giờ làm vào ban đêm.
Trong đó: Tiền lương giờ thực trả = Tiền lương tháng thực trả : số ngày làm việc tháng : số giờ làm việc ngày.
* Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm.
Công thức:
Tiền lương làm việc vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm ngày làm việc bình thường x 2 x mức ít nhất 30% x số lượng sản phẩm làm vào ban đêm.
Cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Chị Duyên là nhân viên công ty dệt may X. Thời gian làm việc được ghi nhận trong nội quy lao động của công ty là:
- Sáng: 8h đến 12h; Chiều: 1h30 đến 15h30 hoặc Tối: 22h đến 6h sáng ngày hôm sau.
- Làm việc thứ 2 đến thứ 7, nghỉ chủ nhật.
Thời gian làm việc được lựa chọn giữa ca sáng và ca tối và đăng ký với quản lý.
Chị Duyên được trả lương theo sản phẩm với đơn giá tiền lương sản phẩm cho ngày làm việc bình thường là 150.000 đồng/áo.
Giả sử, trong tháng 4/2022, chị Duyên đăng ký làm ca đêm vào ngày thứ 2 (4/4/2022), số lượng áo được làm ra trong khoảng thời gian đó là 5 chiếc ao.
Vậy, tiền lương làm ban đêm của chị Duyên vào ngày bình thường = 150.000 đồng x 2 x 30% x 5 = 450.000 đồng/ngày.
Công thức tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được xác định theo quy định Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
* Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian.
Đặt: Y là tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường.
Ta có công thức tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm như sau:
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày bình thường (NLĐ không làm thêm giờ vào ban ngày trước khi làm thêm giờ vào ban đêm):
Tiền lương = ít nhất [150%Y + 30%Y + (20%x 100%Y)] x số giờ làm thêm vào ban đêm
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày bình thường (NLĐ có làm thêm giờ vào ban ngày trước khi làm thêm giờ vào ban đêm):
Tiền lương = ít nhất [150%Y + 30%Y + (20% x 150%Y)] x số giờ làm thêm vào ban đêm.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ hàng tuần:
Tiền lương = ít nhất [200%Y + 30%Y + (20% x 200%Y) x số giờ làm thêm vào ban đêm.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ có hưởng lương:
Tiền lương = ít nhất [300%Y + 30%Y + (20% x 300%Y)] x số giờ làm thêm vào ban đêm.
Lưu ý : Y = Tiền lương tháng thực trả cho ngày làm việc bình thường : số giờ làm việc bình thường trong tháng.
Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm chi tiết
* Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm.
Đặt: A là đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày bình thường (NLĐ không làm thêm giờ vào ban ngày trước khi làm thêm giờ vào ban đêm):
Tiền lương = ít nhất [150%A + 30%A + (20%x 100%A)] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày bình thường (NLĐ có làm thêm giờ vào ban ngày trước khi làm thêm giờ vào ban đêm):
Tiền lương = ít nhất [150%A + 30%A + (20% x 150%A)] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ hàng tuần:
Tiền lương = ít nhất [300%A + 30%A + (20% x 300%A)] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.
- Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ có hưởng lương:
Tiền lương = ít nhất [300%A + 30%A + (20% x 300%A)] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.
Chú ý: Theo quy định của BHXH 2014, tiền lương tính đóng BHXH của người lao động là tổng số tiền lương, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Vậy tiền làm thêm giờ, tăng ca, làm ca đêm có phải tính đóng BHXH không? Để có câu trả lời về vấn đề này, bạn đọc có thể xem thêm trong bài các khoản phụ cấp không phải đóng BHXH của chúng tôi.
Anh Tiến là nhân viên công ty sản xuất linh kiện điện thoại Sami. Mức lương được ghi nhận trong hợp đồng lao động là 8.000.000 đồng/tháng
Thời gian làm việc theo nội quy lao động là:
- Sáng: 8h đến 12h; Chiều: 1h30 đến 15h30.
- Làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, nghỉ chủ nhật.
Trong tháng 04/2022, anh Tiến làm đủ 26 ngày công (nghỉ 04 ngày chủ nhật).
Tiền lương giờ thực trả cho ngày làm việc bình thường = 8.000.000 đồng : 208 giờ = 38.462 đồng/giờ.
Giả sử, anh Tiến có làm thêm vào ban đêm, từ 1h đến 4h (trước đó anh Tiến không làm thêm giờ vào ban ngày) ngày 11/04/2022 (ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương).
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm của anh Tiến = [(300% x 38.462 đồng + ( 30% x 38.462 đồng) + (20% x 300% x 38.462 đồng)] x 3 = 450.005 đồng.
Tổng tiền lương tháng anh Tiếng được nhận = 8.000.000 đồng + 450.005 đồng = 8.450.005 đồng/tháng.
Dựa trên quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động và Điều 60, 61 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động chỉ được huy động người lao động làm thêm đảm bảo số giờ làm thêm tối đa như sau:
- Làm thêm giờ vào ngày bình thường: không quá 50% giờ số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, tức là thông thường sẽ không quá 4h/ ngày.
- Xác định thời giờ làm việc bình thường theo tuần: Tổng số giờ làm việc bình thường + số giờ làm thêm không quá 12h/ngày; 40h/tháng.
- Không quá 200h/năm. Được phép từ 200h → 300h nếu thuộc một số ngành nghề đặc thù hoặc một số trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động và Điều 61 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Công thức tính tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm đã được Blog Codon.vn tổng hợp, chi tiết. Hiện nay, Luật lao động 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định rất rõ về số giờ làm thêm, cách tính tiền làm thêm giờ, vì vậy, người lao động cần chủ động nắm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.