Chế độ kế toán hộ kinh doanh 2022

Chế độ kế toán hộ kinh doanh 2022

Đối với hộ kinh doanh, việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ kế toán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thống kê, báo cáo tài chính của hộ kinh doanh đó. Tại Thông tư 88/2021/TT-BTC đã quy định chi tiết về chế độ kế toán hộ kinh doanh 2022.

che do ke toan ho kinh doanh 2022

Mẫu sổ sách kế toán hộ kinh doanh? Tìm hiểu chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới nhất

Mục Lục bài viết:
1. Hộ kinh doanh có được lựa chọn chế độ kế toán không?
2. Ai là người làm kế toán của hộ kinh doanh?
3. Chế độ kế toán hộ kinh doanh 2022.
3.1. Chứng từ kế toán.
3.2. Sổ kế toán.
3.3. Xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế.

1. Hộ kinh doanh có được lựa chọn chế độ kế toán không?

- Chế độ kế toán được điều chỉnh bởi Thông tư 88/2021/TT-BTC áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Thông tư 88/2021/TT-BTC, các hộ kinh doanh được thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ để phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật.

=> Như vậy, hộ kinh doanh có được lựa chọn chế độ kế toán.

Ngoài ra đối với những hộ kinh doanh không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán theo quy định nhưng nếu hộ kinh doanh đó có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021 thì vẫn được khuyến khích áp dụng.

che do ke toan ho kinh doanh 2022 2

Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh và cách hạch toán kế toán

2. Ai là người làm kế toán của hộ kinh doanh?

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 88/2021/TT-BTC, chủ thể làm kế toán của hộ kinh doanh sẽ do người đại diện của hộ kinh doanh đó quyết định, theo đó người làm kế toán của hộ kinh doanh có thể là:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người đại diện hộ kinh doanh.

- Vợ, chồng, con cái (con đẻ, con nuôi) của người đại diện của hộ kinh doanh.

- Anh, chị, em ruột của người đại diện của hộ kinh doanh.

- Người làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ của hộ kinh doanh.

3. Chế độ kế toán của hộ kinh doanh 2022.

3.1. Chứng từ kế toán.

Chứng từ kế toán của hộ kinh doanh được điều chỉnh bởi Điều 4 Thông tư 88/2021/TT-BTC như sau:

- Thứ nhất, về nội dung chứng từ kế toán:

Nội dung chứng từ kế toán của hộ kinh doanh được áp dụng tại Điều 16 Luật kế toán 2015, nội dung của chứng từ kế toán phải đáp ứng đủ những nội dung cơ bản như sau:

+ Thông tin của chứng từ kế toán: Tên và số hiệu của chứng từ kế toán; thời gian lập chứng từ kế toán.

+ Thông tin của cá nhân, tổ chức lập chứng từ kế toán: tên, địa chỉ.

+ Nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

+ Nội dung về: số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính (ghi bằng số), tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền (ghi bằng số và bằng chữ)

+ Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.

+ Những nội dung khác có liên quan.

- Thứ hai, về lập và lưu trữ chứng từ kế toán:

+ Chứng từ kế toán chỉ được lập 01 lần cho 01 nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

+ Về cách lập chứng từ kế toán: phải rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật.

+ Về cách viết nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính: không được viết tắt, không được tẩy xóa, không được sửa chữa, giữa chữ và số phải viết liên tục, không ngắt quãng, viết bằng bút mực, chỗ trống phải gạch chéo; người lập, người duyệt chứng từ kế toán, những người ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán đó.

- Thứ ba, về chữ ký của chứng từ kế toán:

Tại Điều 19 Luật kế toán 2015 quy định về ký chứng từ kế toán như sau:

+ Trên chứng từ kế toán thì phải có đủ chữ ký theo các chức danh đã được quy định trên chứng từ.

+ Về cách ký trên chứng từ: phải ký bằng màu mực không phai, không được ký bằng mực đỏ/đóng dấu chữ ký khắc sẵn; chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất; chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền/người được ủy quyền ký theo quy định; chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên.

+ Đối với chứng từ kế toán chưa ghi đủ nội dung thì không được ký.

* Lưu ý: đối với hộ kinh doanh lựa chọn lập chứng từ kế toán điện tử thì phải thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật kế toán2015:

+ Đáp ứng đầy đủ những nội dung theo quy định về nội dung của chứng từ.

+ Hình thức thể hiện chứng từ: mạng dữ liệu điện tử, mã hóa.

+ Phải đảm bảo được tính bảo mật, bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng, lưu trữ.

+ Phải được quản lý, kiểm tra chặt chẽ, chống các hình thức lợi dụng để trục lợi như: khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp, sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định.

+ Về chữ ký: phải sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.

- Thứ tư, về nội dung, hình thức, trình tự lập, quản lý, sử dụng hóa đơn thì được thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là cần chú ý đến các từ được viết tắt trên hóa đơn mà pháp luật quy định.

- Thứ năm, về mẫu chứng từ kế toán của hộ kinh doanh:

Mẫu chứng từ kế toán của hộ kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 88/2021/TT-BTC gồm có:

1. Phiếu thu - Mẫu 01-TT.2. Phiếu chi - Mẫu 02-TT
3. Phiếu nhập kho - Mẫu 03-VT
4. Phiếu xuất kho - Mẫu 04-VT.
5. Bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động - Mẫu 05-LĐTL

TẢI MẪU CHỨNG TỪ KẾ TOÁN CỦA HỘ KINH DOANH TẠI ĐÂY

3.2. Sổ kế toán.

Sổ kế toán của hộ kinh doanh được quy định tại Điều 5 Thông tư 88/2021/TT-BTC, các điều từ Điều 24 đến Điều 26 Luật kế toán 2015:

- Thứ nhất, về nội dung sổ kế toán của hộ kinh doanh:

+ Mục đích: ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan.

+ Trong phần nội dung phải đáp ứng đủ những thông tin cơ bản như: ngày tháng năm ghi sổ kế toán, số hiệu, ngày tháng năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ, tóm tắt nội dung, số tiền nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.

+ Phải ghi rõ tên đơn vị kế toán, tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ,khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật; số trang; đóng dấu giáp lai.

- Thứ hai, về mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, lưu trữ sổ kế toán của hộ kinh doanh:

+ Thời điểm mở sổ: đầu kỳ kế toán năm hoặc ngày thành lập (đối với đơn vị kế toán mới thành lập).

+ Sổ kế toán phải được ghi kịp thời, chính xác, rõ ràng, đầy đủ theo nội dung về các thông tin, số liệu theo quy định của pháp luật.

+ Cách ghi sổ kế toán: ghi theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính, phải được ghi liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ. Các thông tin phải được ghi bằng bút mực, không ghi chồng lên nhau; không ghi cách dòng.

+ Đơn vị kế toán được ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử và tuân theo những quy định của pháp luật.

+ Hộ kinh doanh được sửa chữa sổ kế toán theo quy định của pháp luật.

- Thứ ba, về mẫu sổ kế toán sử dụng trong hộ kinh doanh gồm có: 

1. Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ - Mẫu số S1- HKD.
2. Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa - Mẫu số S2-HKD
3. Sổ chi phí sản xuất, kinh doanh - Mẫu số S3-HKD.
4. Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN - Mẫu số S4-HK
5. Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động - Mẫu số S5-HKD
6. Sổ quỹ tiền mặt - Mẫu số S6-HKD
7. Sổ tiền gửi ngân hàng - Mẫu số S7-HKD.

TẢI MẪU SỔ KẾ TOÁN SỬ DỤNG TRONG HỘ KINH DOANH TẠI ĐÂY

3.3. Xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế.

Đối với hộ kinh doanh việc xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế được điều chỉnh bởi Điều 6 Thông tư 88/2021/TT-BTC, theo đó, việc xác định doanh thu cũng như chi phí, nghĩa vụ thuế được xác định theo từng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trên đây Blog Codon.vn đã đề cập đến chế độ kế toán hộ kinh doanh 2022, đây cũng là một số điểm mới về chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh, cá nhân thuộc điều chỉnh bởi Nghị định 88/2021.

Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung này, bạn đọc có thể theo dõi Thông tư 88/2021/TT-BTC về chế độ kế toán cho hộ, cá nhân kinh doanh

Bài liên quan