Danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân là một trong những quyền được pháp luật bảo vệ. Theo quy định của pháp luật, hành vi bôi nhọ danh dự người khác sẽ bị xử phạt như thế nào? Blog Codon.vn tư vấn, giải đáp thắc mắc cho bạn đọc như sau.
Tội bôi nhọ danh dự người khác trên facebook, mạng xã hội xử lý thế nào?
- Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Hiện nay chưa có một văn bản nào quy định hành vi "bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác" là gì, tuy nhiên có thể hiểu bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác chính là việc đưa thông tin, truyền bá thông tin sai sự thật và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một người nào đó.
=> Danh dự, nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của mỗi người và đối với hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng hành vi mà sẽ có biện pháp, hình phạt tương ứng mà pháp luật đã quy định như: xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Theo định nghĩa chung, danh dự, nhân phẩm, phẩm giá của một người được hiểu là quyền được coi trọng, tôn trọng vì lợi ích của chính họ. Khái niệm này có ý nghĩa cả về mặt đạo đức, luật pháp và chính trị, thể hiện quyền được sống của con người. Để hiểu rõ hơn về nhân phẩm con người, bạn đọc có thể xem chi tiết thông qua bài viết này trên wikipedia.org.
Căn cứ theo Điểm a Khoản 3 Điều 7, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi bôi nhọ danh dự của người khác được quy định như sau:
- Đối với cá nhân: phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
- Đối với tổ chức: mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.
Mức phạt hành chính về hành vi bôi nhọ hình ảnh người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội
Liên quan đến các giao dịch dân sự giữa cá nhân và tổ chức, hành vi cho vay tiền không trả cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Để giải đáp vấn đề này, Codon.vn đã có bài mượn tiền không trả phạm tội gì? có bị đi tù không?, mời bạn đọc tham khảo để có thêm thông tin.
Hành vi bôi nhọ danh dự người khác bị xử lý hình sự được quy định tại Điều 155, Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
- Cụ thể, hành vi bôi nhọ danh dự người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:
+ Mặt chủ thể: bất kỳ người nào, đạt độ tuổi từ 16 trở lên và có năng lực TNHS theo quy định của pháp luật.
+ Mặt chủ quan: người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.
+ Mặt khách quan: hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể được thực hiện thông qua lời nói, hành động một cách công khai, ví dụ như: sỉ nhục, chửi bới tục tĩu, thô bỉ hoặc có những hành vi trước đám đông để nhằm dè bỉu, bêu rếu làm hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người bị hại.
+ Mặt khách thể: khách thể của loại tội này chính là xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Mức phạt: đối với tội làm nhục người khác có các mức phạt như sau:
+ Khung 1: Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
+ Khung 2: Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
- Hành vi bôi nhọ danh dự người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự, khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:
+ Mặt chủ thể: bất kỳ người nào, đạt độ tuổi từ 16 trở lên và có năng lực TNHS theo quy định của pháp luật.
+ Mặt chủ quan: người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, mục đích là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác - đây là dấu hiệu cơ bản để cấu thành tội này.
+ Mặt khách quan: người phạm tội thực hiện những hành vi như:
(1) Bịa đặt những thông tin sai sự thật hoặc có nội dung xuyên tạc nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc với mục đích để gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Người phạm tội có thể thực hiện hành vi thông qua lời nói trực tiếp hoặc gián tiếp như: sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn,...
(2) Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt, sai sự thật. Người thực hiện hành vi phạm tội có thể không bịa đặt nhưng có hành vi loan truyền những thông tin bịa đặt đó mà biết rõ đó là những điều không đúng sự thật cho người khác biết.
(3) Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: cơ quan công an, Viện kiểm sát,...
+ Mặt khách thể: khách thể của tội này chính là xâm phạm đến danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.
- Mức phạt: đối với tội vu khống mức hình phạt được chia làm 03 khung:
+ Khung 1: Phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
+ Khung 2: Phạt tù từ 01 - 03 năm.
+ Khung 3: Phạt tù từ 03 năm - 07 năm.
+ Hình phạt bổ sung: có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Như vậy, hành vi bôi nhọ danh dự người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu ở trên. Với mỗi một tội sẽ có những dấu hiệu riêng cũng như sẽ có những hình phạt tương ứng mà bộ luật hình sự 2015 đã quy định rất rõ.
Mức phạt xúc phạm danh dự, nhân phẩm người theo Luật hình sự sửa đổi 2017
Tương tự, hành vi lợi dụng tín nhiệm của người khác để chiếm đoạt tài sản cũng có thể bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội. Để hiểu rõ quy định pháp luật về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo trong bài tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị phạt như thế nào? có bị đi tù không? mà Codon.vn chia sẻ trước đây.
- Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bị bôi nhọ danh dự được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:
+ Có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp khác có quy định).
+ Không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại gây ra.
- Về mức bồi thường thiệt hại gồm có:
+ Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
+ Khoản thu nhập thực tế bị giảm sút/mất.
+ Những thiệt hại khác do luật định.
+ Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu: khoản tiền này có thể do các bên tự thỏa thuận hoặc mức tối đa để bù đắp tổn thất về tinh thần khi bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở theo luật định (tức không quá 14,9 triệu đồng - năm 2022).
Tại Khoản 3 Điều 16 Luật an ninh mạng 2018 quy định những thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống người khác bao gồm những hành vi sau:
- Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
- Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, hành vi bôi nhọ danh dự làm nhục người khác trên facebook là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đây là hành vi: "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác"
=> Đối với hành vi này, mức xử phạt là: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Khi bị người khác bôi nhọ danh dự, nhân phẩm thì người bị hại có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an có thẩm quyền về hành vi này.
Mẫu đơn tố cáo về hành vi này cần đáp ứng những nội dung cơ bản sau:
- Quốc hiệu tiêu ngữ.
- Ngày tháng năm làm đơn;
- Tên đơn (Ví dụ: Đơn tố cáo về hành vi làm nhục người khác; đơn tố cáo về hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác...)
- Cơ quan tiếp nhận, giải quyết đơn.
- Thông tin của người tố cáo, người bị tố cáo (họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú,...).
- Nội dung tố cáo hành vi làm nhục, xúc phạm danh dự người khác: tại nội dung này, người tố cáo cần nêu rõ về những hành vi, sự kiện đã diễn ra một cách đầy đủ, chính xác nhất, có thể đưa thêm tài liệu, chứng cứ, người làm chứng để làm bằng chứng nếu cần thiết.
- Yêu cầu của người tố cáo đối với nội dung tố cáo.
- Chứng cứ kèm theo nếu có: người làm đơn cần liệt kê đầy đủ những chứng cứ, tài liệu có kèm theo đơn tố cáo.
- Người làm đơn ký tên.
Như vậy, Blog Codon.vn đã cung cấp đầy đủ thông tin giúp bạn đọc trả lời câu hỏi bôi nhọ danh dự người khác bị phạt như thế nào? Pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ về mức phạt đối với hành vi bôi nhọ danh dự người khác nhằm mục đích trừng trị, răn đe những người thực hiện hành vi này. Mọi người cần giữ thái độ sống phù hợp, tránh trường hợp sử dụng hành vi, lời lẽ bôi nhọ danh dự người khác dẫn đến việc bị xử lý theo quy định pháp luật.