Sức khỏe là một trong các tiêu chí để xem xét khi tuyển nghĩa vụ quân sự. Tại thông tư 148/2018/TT-BQP quy định rõ về tiêu chuẩn sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự như sau.
Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2022
Tại Khoản 1 Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định:
" 1. Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Lý lịch rõ ràng;
b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
c) Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;
d) Có trình độ văn hóa phù hợp."
=> Tiêu chuẩn về sức khỏe là một trong 04 tiêu chuẩn chung khi công dân tham gia nghĩa vụ quân sự.
Theo Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/TT-BQP quy định tiêu chuẩn về sức khỏe như sau:
" 3. Tiêu chuẩn sức khỏe:
a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.
- Đối với nam:
+ Chiều cao khi đứng từ đủ 157cm trở lên
+ Cân nặng từ đủ 43kg trở lên.
+ Vòng ngực từ đủ 75cm trở lên.
- Đối với nữ:
+ Chiều cao khi đứng từ đủ 150cm trở lên.
+ Cân nặng từ đủ 42kg trở lên.
* Lưu ý: Các trường hợp quá béo hoặc quá gầy sẽ xem xét đến chỉ số BMI.
Bảng tiêu chuẩn sức khỏe loại 1, 2, 3 tham gia nghĩa vụ quân sự
Tại Mục II Phụ lục 1 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, các loại bệnh tật được xem xét khi khám sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự bao gồm:
1- Các bệnh về mắt: cận thị, viễn thị, loạn thị, mộng thịt, bệnh giác mạc, mắt hột, viêm kết mạc...
2- Các bệnh về răng, hàm, mặt: sâu răng, mất răng, viêm lợi, viêm tủy, biến chứng răng khôn, viêm tuyến nước bọt...
3- Các bệnh về tai, mũi, họng: sức nghe, tai trong, tai ngoài, tai giữa, thanh quản, họng, mũi...
4- Các bệnh về thần kinh, tâm thần: động kinh, suy nhược thần kinh, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu...
5- Các bệnh về tiêu hóa: thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột thừa, trực tràng, gan, túi mật, tủy, lách....
6- Các bệnh về hô hấp: triệu chứng hô hấp, phế quản, lao phổi, màng phổi, ...
7- Các bệnh về tim mạch: tim, hệ thống mạch máu, nhịp tim, mạch, tăng huyết áp...
8- Các bệnh về cơ, xương, khớp: khớp, dính kẽ ngón tay/chân, thừa/mất ngón tay/chân, sai khớp...
9- Các bệnh về thận, tiết niệu, sinh dục: thận cấp tính/mãn tính, viêm đường tiết niệu, bàng quang, dị tật...
10- Các bệnh về nội tiết, chuyển hóa, hạch, máu: tuyến giáp, tuyến yên, thiếu máu, bệnh lý chuyển hóa....
11- Các bệnh về da liễu: nấm da, nấm bẹn, ghẻ, viêm da dị ứng, bệnh phong, bệnh lây qua đường tình dục,...
12- Các bệnh về phụ khoa: kinh nguyệt, dị tật bẩm sinh, viêm âm đạo, có thai, sùi mào gà...
Sau khi khám xét, căn cứ vào từng mức độ bệnh tật, bác sĩ sẽ cho điểm từ 1-6 tương ứng với các tình trạng sức khỏe:
- Điểm 1: Rất tốt.
- Điểm 2: Tốt.
- Điểm 3: Khá
- Điểm 4: Trung bình.
- Điểm 5: Kém.
- Điểm 6: Rất kém.
Theo đó, căn cứ vào số điểm được cho để phân loại sức khỏe như sau:
- Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1.
- Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.
- Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.
- Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4.
- Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5.
- Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
=> Như vậy:
- Công dân có sức khỏe loại 1,2,3 sẽ được tuyển chọn.
- Công dân có sức khỏe loại 3 tật về khúc xạ như cận 1,5 điop trở lên, viễn thị, nhiễm HIV, AIDS sẽ không được gọi nhập ngũ.
- Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp: tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
22 bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự, cập nhật tiêu chuẩn sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự 2022
Lưu ý: Các tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự 2022 ở trên được áp dụng cho cả công dân nam và nữ, độ tuổi từ 18 tuổi đến hết 25 tuổi (riêng trường hợp tạm hoãn nhập ngũ, độ tuổi nhập ngũ là đến hết năm 27 tuổi). Tuy vậy, các công dân nữ muốn đăng ký nhập ngũ cần thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe hơn. Chi tiết về vấn đề này, Codon.vn mời bạn tham khảo nội dung bài viết Tiêu chuẩn để nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự.
Khám sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự được chia thành 2 đợt: khám sơ tuyển tại trạm y tế xã, khám chi tiết tại trung tâm y tế huyện.
Bước 1: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ, Lập danh sách các công dân thuộc diện gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trên địa bàn được giao quản lý.
Bước 2: Tổ chức sơ tuyển sức khỏe:
Nội dung kiểm tra sức khỏe gồm:
- Kiểm tra về thể lực.
- Lấy mạch, huyết áp.
- Khám phát hiện các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa và chuyên khoa;
- Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
- Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Bước 3: Xác nhận tiền sử bệnh tật, thông tin của công dân được gọi khám sức khỏe.
Bước 4: Tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả kết quả.
Lưu ý: Theo cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ huy Quân sự cấp quận, huyện được hiểu là một một tổ chức của quân đội, tương đương với cấp trung đoàn, có chức năng tham mưu cho Quận ủy/Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận/huyện về công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn và chỉ đạo các lực lượng vũ trang địa phương trên các mặt xây dựng và hoạt động tác chiến. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm, cơ cấu tổ chức của cơ quan này, bạn đọc có thể xem thêm trong link bài viết này trên wikipedia.org.
Thành phần Hội đồng khám sức khỏe gồm:
- 01 Chủ tịch: do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảm nhiệm;
- 01 Phó Chủ tịch: Phó giám đốc phụ trách chuyên môn;
- 01 Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng do cán bộ chuyên môn Phòng Y tế đảm nhiệm;
- Các ủy viên khác (tối thiểu từ 3-5 bác sĩ).
Bước 1: Lập danh sách các công dân đủ điều kiện tham gia nhập ngũ, thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám chi tiết.
Bước 2: Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung sau:
- Khám thể lực, khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu được quy định.
- Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV đối với các trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ hằng năm.
Bước 3: Hoàn chỉnh phiếu sức khỏe theo quy định.
Bước 4: Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Trình tự, thủ tục khám sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự
- Công dân khi đi khám sức khỏe cần phải mang theo: CMND/CCCD hoặc những giấy tờ khác liên quan đến sức khỏe (nếu có), Lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe.
- Không sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá,..
- Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy nơi khám, kiểm tra sức khỏe.
Theo Mục 1 bảng số 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì người bị mù 1 màu sẽ được cho điểm 6. Do đó, người bị mù 1 màu sẽ thuộc sức khỏe loại 6 vì có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6 (Điểm e Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch 16).
=> Người bị mù 1 màu sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ vì chưa đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe.
Trên đây là toàn bộ thông tin về tiêu chuẩn sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự đối với công dân thuộc đối tượng nhập ngũ do Blog Codon.vn tổng hợp được. Công dân khi nhập ngũ phải được kiểm tra, khám sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật để có thể lực tốt nhất trong quá trình tham gia phụng sự quân đội.
Bên cạnh các quy định về sức khỏe, công dân tham gia nghĩa vụ quân sự cần phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về trình độ văn hóa, chính trị, nếu không sẽ không được đăng ký đi nhập ngũ. Toàn bộ các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự 2015 và các văn bản pháp luật liên quan đã được Codon.vn tổng hợp, mời bạn đọc tham khảo.