Các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự 2022 theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015

Các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự

Theo quy định Luật nghĩa vụ quân sự 2015, công dân Việt Nam tham gia nghĩa vụ quân sự phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện, đảm bảo được các yếu tố về sức khỏe, văn hóa, chính trị. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện hoặc thuộc các trường hợp được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ, công dân sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự. Chi tiết các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự như sau.

cac truong hop khong phai di nghia vu quan su

Quy định về các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự, tạm hoãn nghĩa vụ theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015

Mục Lục bài viết:
1. Các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự.
1.1. Trường hợp được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.
1.2. Trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
1.3. Trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
1.4. Trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.
1.5. Trường hợp được miễn gọi nhập ngũ.
2. Thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự là bao lâu?
3. Công dân lên đường nhập ngũ vào thời gian nào?
4. Câu hỏi liên quan.
4.1. Người vừa đi tù về chưa được xóa án tích có được đăng ký nghĩa vụ quân sự không?
4.2. Đã kết hôn có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

Chú ý: Nghĩa vụ quân sự hay quân dịch được hiểu là một nghĩa vụ bắt buộc về quốc phòng của công dân. Công dân đủ điều kiện tuyển chọn quân sẽ phải gia nhập quân đội trong một khoảng thời gian nhất định, bất chấp việc người này có mong muốn phục vụ quân đội hay không. Chi tiết về định nghĩa, đối tượng và thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam và các nước trên thế giới đã được wikipedia.org tổng hợp, mời bạn đọc xem thêm tại bài viết này để có thêm thông tin.

1. Các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự.

1.1. Trường hợp được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Tại Điều 14 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, trường hợp được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm:

- Người khuyết tật.

- Người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tại Mục III Phụ lục 1 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, danh mục các bệnh miễn gọi nghĩa vụ quân sự bao gồm:

1- Bệnh tâm thần - Mã bệnh: (F20- F29).

2- Bệnh động kinh - Mã bệnh: G40.

3- Bệnh Parkinson- Mã bệnh: G20.

4- Bệnh mù một mắt -Mã bệnh: H54.4

5- Bệnh điếc- Mã bệnh: H90

6- Bệnh di chứng do lao xương, khớp - Mã bệnh: B90.2

7- Bệnh di chứng do phong - Mã bệnh: B92.

8- Các bệnh ác tính - Mã bệnh: C00 đến C97; D00 đến D09; D45-D47.

9- Người nhiễm HIV - Mã bệnh: B20 đến B24, Z21.

10- Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng.

1.2. Trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Theo Điều 13 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, các trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:

- Công dân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Công dân đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích.

- Công dân đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Công dân bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

cac truong hop khong phai di nghia vu quan su 2

Những trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự, không được đăng ký đi nghĩa vụ

1.3. Trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Công dân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự: ( Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP).

Thứ nhất, về độ tuổi:

- Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

- Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Chi tiết về độ tuổi tham gia nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đã được Codon.vn chia sẻ trong bài cách tính tuổi đi nghĩa vụ quân sự, mời bạn đọc tham khảo để biết chính xác độ tuổi cần đi nhập ngũ.

Thứ hai, về tiêu chuẩn chính trị:

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA.

- Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh...: tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Thứ ba, về tiêu chuẩn sức khỏe:

- Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Theo đó :

+ Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1.

+ Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.

+ Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.

- Công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị các mức độ), nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS=> Không gọi nhập ngũ vào quân đội.

- Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh...:tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Thứ tư, về tiêu chuẩn văn hóa:

- Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự phải có trình độ văn hóa: lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp.

- Trường hợp đặc biệt:

+ Đối với những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân: tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

+ Đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

=> Nếu công dân không đáp ứng đủ một trong các tiêu chuẩn trên sẽ không đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ quân sự.

1.4. Trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP, các trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với:

- Công dân chưa đủ sức khỏe phục vụ tại quân ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.

- Công dân là một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

- Công dân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, bị thiệt hại về người và tài sản do thiên tai,...được UBND cấp xã xác nhận.

- Công dân có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ, chiến sĩ phục vụ tại ngũ, tham gia Công an nhân dân.

- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định.

- Công dân là Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

- Công dân đang tham gia theo học tại các cơ sở giáo dục.

- Công dân là dân quân thường trực.

Với những trường hợp này, công dân có thể sử dụng mẫu đơn xin xác nhận tạm hoãn nghĩa vụ quân sự mà chúng tôi đã cập nhật.

cac truong hop khong phai di nghia vu quan su 3

Những trường hợp nào được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự?

1.5. Trường hợp được miễn gọi nhập ngũ.

Theo Khoản 2 Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP, các trường hợp miễn gọi nhập ngũ bao gồm:

- Công dân là con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

- Công dân là một anh/ em trai của liệt sĩ.

- Công dân là một con của thương binh hạng hai.

- Công dân là một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Công dân là một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Công dân là người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

- Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

=> Nếu công dân thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự.

2. Thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự là bao lâu?

Tại Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự như sau:

- 24 tháng: đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong thời bình.

- Thời hạn phục vụ tại quân ngũ có thể được kéo dài theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không được quá 06 tháng đối với một số trường hợp đặc biệt như: đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh....

Chú ý: Thông thường, các đối tượng được tuyển đi nghĩa vụ quân sự thường là nam giới. Trong trường hợp là nữ và muốn nhập ngũ, trải nghiệm trong môi trường quân đội, bạn đọc có thể tham khảo bài Tiêu chuẩn để nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự để biết mình có đáp ứng đủ các điều kiện cần để xét tuyển nhập ngũ hay không.

3. Công dân lên đường nhập ngũ vào thời gian nào?

Theo Điều 33 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định:

- Công dân nhập ngũ 01 lần vào tháng hai hoặc tháng 3 hàng năm (có thể gọi nhập ngũ lần hai nếu cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh.)

- Trường hợp đặc biệt: thời gian gọi nhập ngũ có thể được điều chỉnh nếu địa phương đó có thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

cac truong hop khong phai di nghia vu quan su 4

Đi nghĩa vụ quân sự mấy năm? Cập nhật thời gian đi nghĩa vụ quân sự 2022

4. Câu hỏi liên quan.

4.1. Người vừa đi tù về chưa được xóa án tích có được đăng ký nghĩa vụ quân sự không?

Câu trả lời là không.

Tại Khoản 2 Điều 13 Luật nghĩa vụ quân sự quy định:

" Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự."

=> Như vậy, trong trường hợp chưa được xóa án tích, người đó không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, chỉ khi đã được xóa án tích thì người đó mới được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

4.2. Đã kết hôn có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

Theo Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về các trường hợp miễn, tạm hoãn gọi nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên đã kết hôn không thuộc các trường hợp miễn, tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

=> Do đó, nếu công dân đã kết hôn mà vẫn trong độ tuổi gọi nhập ngũ cũng như đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự 2015 mà Blog Codon.vn tổng hợp được. Bạn đọc có thể tham khảo để biết mình có thuộc đối tượng phải đi nghĩa vụ hay không và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần nhập ngũ khi có lệnh triệu tập của nhà nước.

Bài liên quan