Thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác từ 1/7/2021

Thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu vào Hà Nội ngày càng tăng bởi điều kiện, thủ tục nhập khẩu dễ dàng hơn. Căn cứ theo Điều 20 Luật Cư trú 2020, thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác được tiến hành theo quy trình các bước như sau.

Thu tuc nhap khau Ha Noi

Thủ tục nhập khẩu Hà Nội online, offline từ 1/7/2021

Mục Lục bài viết:
1. Điều kiện nhập khẩu Hà Nội.
2. Thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác.
2.1. Chuẩn bị hồ sơ.
2.2. Nộp hồ sơ đến cơ quan công an.
2.3. Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu.
2.4. Thông báo kết quả.
3. Nhập khẩu Hà Nội hết bao nhiêu tiền?
4. Làm thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác có cần giấy chuyển hộ khẩu không?

 

Lưu ý: Hộ khẩu (còn được gọi là Hộ tịch) là một phương pháp quản lý dân số chủ yếu dựa vào hộ gia đình. Tại Việt Nam và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hình thức quản lý dân cư này khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện tại, thủ tục cấp, quản lý sổ hộ khẩu đã được loại bỏ và thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Để hiểu rõ hơn về khái niệm hộ khẩu và cách sử dụng Hộ khẩu tại các quốc gia, bạn đọc có thể tham khảo định nghĩa chi tiết trên wikipedia.org qua bài viết này.

1. Điều kiện nhập khẩu Hà Nội 2022

Trước đây, theo Luật Thủ đô 2012, người dân muốn nhập khẩu vào nội thành Hà Nội phải tạm trú liên tục từ 03 năm trở lên, trường hợp nhập khẩu vào ngoại thành, yêu cầu thời gian tạm trú từ 01 năm trở lên. Tuy nhiên, từ 01/7/2021 quy định về điều kiện này đã bị bãi bỏ.

Theo Điều 20 Luật Cư trú 2020, công dân nhập khẩu vào Hà Nội cần đáp ứng một trong những điều kiện sau:

(1) Chỉ cần có nhà ở tại Hà Nội (chung cư, nhà mặt đất).

(2) Trường hợp không có nhà tại Hà Nội thì được nhập khẩu Hà Nội khi chủ hộ cho đồng ý nhập khẩu trong trường hợp:

- Lấy vợ, lấy chồng Hà Nội; bố mẹ, con cái về ở với nhau;

- Người cao tuổi về ở với anh, chị, em, cháu ruột tại Hà Nội; người khuyết tật, người bị tâm thần về ở với anh, chị, em, cô, dì, chú, bác ruột tại Hà Nội;

- Người dưới 18 tuổi được cha mẹ đồng ý cho ở với ông bà, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác ruột tại Hà Nội.

(3) Đăng ký thường trú tại nhà thuê, nhà mượn, ở nhờ tại Hà Nội khi đáp ứng 2 điều kiện:

- Chủ sở hữu chỗ ở đồng ý cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc nhập khẩu vào hộ khẩu gia đình họ;

- Diện tích nhà ở không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

(4) Đăng ký thường trú tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại Hà Nội có công trình phụ trợ là nhà ở trong trường hợp sau:

- Người đăng ký nhập khẩu được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở đó;

- Người nhập khẩu là người đại diện của cơ sở tôn giáo;

- Người được người đại diện, người quản lý cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động cơ sở đó.

(5) Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp trong các cơ sở trợ giúp ở Hà Nội được người đứng đầu cơ sở đồng ý cho nhập khẩu. Hoặc nhập khẩu vào gia đình nhận chăm sóc nuôi dưỡng.

(6) Người sinh sống, làm nghề lưu động ở Hà Nội (ví dụ như nghề đánh bắt cá) khi đáp ứng các điều kiện:

- Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đồng ý cho đăng ký thường trú;

- Phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm. Trường hợp không phải đối tượng đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận UBND xã nơi phương tiện thường xuyên đậu về việc mục đích dùng phương tiện để ở.

- Nếu phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký không trùng với nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ => phải có xác nhận của UBND xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn xã.

Dieu kien nhap khau Ha Noi 2022

Điều kiện nhập khẩu Hà Nội 2022, căn cứ theo Luật cư trú 2020

Trong trường hợp không đủ điều kiện nhập khẩu tại thủ đô, bạn có thể đăng ký tạm trú tạm vắng tại Hà Nội. Tham khảo, tìm hiểu thủ tục đăng ký tạm trú mới nhất sẽ giúp bạn nắm được trình tự pháp luật cần thực hiện và chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết để hợp thức hóa việc sinh sống tại nơi ở mới của mình.

2. Thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác

2.1. Chuẩn bị hồ sơ

Theo Điều 21 Luật Cư trú 2020, với mỗi trường hợp nhập khẩu thì hồ sơ cần chuẩn bị khác nhau, theo đó.

Trường hợp 1: Nhập khẩu nếu có chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA).

- Giấy tờ chứng nhận về chỗ ở như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu căn hộ chung cư.

Trường hợp 2: Nhập khẩu với người thân

Hồ sơ gồm có:

- Tờ khai CT01 Thông tư 56/2021/TT-BCA. Trong tờ khai ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ. Nếu đã có văn bản đồng ý thì không phải ghi ý kiến vào tờ khai.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh.

Trường hợp 3: Nhập khẩu tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội

Hồ sơ gồm có những giấy tờ sau:

- Tờ khai CT01 Thông tư 56/2021/TT-BCA. Tờ khai ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp. Nếu đã có văn bản đồng ý thì không phải ghi ý kiến vào tờ khai

- Hợp đồng cho thuê nhà, văn bản xác nhận về việc cho mượn, cho ở nhờ (có công chứng hoặc chứng thực).

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh diện tích nhà ở không thấp hơn 08 m2 sàn/người như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận của chính quyền địa phương.

Trường hợp 4: Đăng ký nhập khẩu Hà Nội tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

- Thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo kết quả người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc giấy tờ, tài liệu khác.

- Văn bản của UBND xã công nhận người đại diện cơ sở tín ngưỡng hoặc thành viên ban quản lý.

thu tuc nhap khau ha noi tu 1/7/2021

Tìm hiểu thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi có sổ đỏ, nhập khẩu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo

Trường hợp 5: Đăng ký nhập khẩu Hà Nội tại cơ sở trợ giúp xã hội

Hồ sơ gồm những giấy tờ sau:

- Văn bản đề nghị đăng ký thường trú đối với người được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội của người đứng đầu cơ sở này.

- Một trong những giấy tờ sau: Xác nhận của UBND xã về việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội; Quyết định hỗ trợ của UBND huyện hoặc giấy tờ, tài liệu khác.

Trường hợp 6: Nhập khẩu Hà Nội đối với người sinh sống trên phương tiện lưu động

Hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

- Tờ khai CT01 Thông tư 56/2021/TT-BCA.

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.

Nếu phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì chuẩn bị giấy xác nhận của UBND xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở.

- Nếu phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký không trùng với nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ => Giấy xác nhận của UBND xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn xã.

Trong thực tế, việc thay đổi nơi sinh sống của một bộ phận cư dân diễn ra thường xuyên, liên tục. Đây cũng là lý do mà nhiều người vô tình vi phạm pháp luật về Luật cư trú và bị xử phạt hành chính. Nếu cũng chưa nắm rõ quy định pháp luật về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết chia sẻ mức phạt không đăng ký tạm trú để tìm câu trả lời.

2.2. Nộp hồ sơ đến cơ quan công an

Hồ sơ nhập khẩu Hà Nội được nộp đến Công an quận/huyện nơi công dân muốn nhập khẩu.

2.3. Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu

- Cán bộ công an tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra: Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho công dân. Trường hợp cần sửa đổi bổ sung thì hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ.

- Công dân nộp lệ phí nhập khẩu vào Hà Nội.

2.4. Thông báo kết quả

- Cơ quan công an kiểm tra, thẩm định thông tin đăng ký thường trú của công dân và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

- Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.

- Đồng thời, cơ quan công an thông báo về việc đã cập nhật thông tin nhập khẩu tại Hà Nội cho người dân. Trường hợp từ chối thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Nhập khẩu Hà Nội hết bao nhiêu tiền?

Theo Nghị quyết 13/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND thành phố Hà Nội thì khi nhập khẩu Hà Nội, công dân phải chịu lệ phí nhập khẩu như sau:

- Nhập khẩu ở các quận, các phường: 15 nghìn đồng/trường hợp.

- Nhập khẩu ở các huyện: 8 nghìn đồng/trường hợp.

Thu tuc nhap khau Ha Noi khi co so do

Lệ phí nhập hộ khẩu Hà Nội mới nhất

4. Làm thủ tục nhập khẩu Hà Nội khi ở tỉnh khác có cần giấy chuyển hộ khẩu không?

- Trước đây, theo Luật Cư trú 2006 thì việc nhập khẩu đến bất kỳ tỉnh thành nào khác nơi thường trú, thì phải có giấy chuyển hộ khẩu.

- Tuy nhiên, theo Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 01/7/2021 thì thủ tục nhập khẩu không yêu cầu giấy chuyển hộ khẩu.

=> Do đó, thủ tục nhập khẩu Hà Nội ở tỉnh khác không yêu cầu giấy chuyển hộ khẩu hay bất kỳ giấy tờ xác nhận nào của nơi cư trú cũ.

Trên đây là chi tiết điều kiện, thủ tục nhập khẩu Hà Nội từ 1/7/2021 do Blog Codon.vn tổng hợp. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm được thông tin hữu ích bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết để nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhập khẩu vào thủ đô cho bản thân, vợ con mình và ổn định cuộc sống.

Bài liên quan