Công chứng viên là nghề nghiệp, vị trí hành nghề độc lập được pháp luật công nhận, do đó, khi thực hiện hoạt động đặc thù của mình, họ có các quyền và nghĩa vụ của công chứng viên được ghi nhận tại Luật Công chứng 2014.
Công chứng viên có quyền gì? Tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng 2014
- Dựa vào khái niệm được quy định tại Điều 2, Luật Công chứng 2014 và các quy định khác liên quan, có thể hiểu công chứng viên (CCV) là người đủ tiêu chuẩn luật định, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng, tại một tổ chức hành nghề công chứng nhất định.
- Công chứng viên là cá nhân được quyền thực hiện một số "dịch vụ công" dựa trên sự ủy nhiệm của Nhà nước, nhằm chia sẻ, hỗ trợ hoạt động của cơ quan nhà nước và đảm bảo an toàn pháp lý trong một số trường hợp cụ thể.
Để hiểu hơn về công việc của công chứng viên và điều kiện hành nghề, mời độc giả xem chi tiết tại bài viết "Công chứng viên là gì? Tiêu chuẩn trở thành công chứng viên của Codon.vn.
Công chứng viên là làm gì? Học gì để làm công chứng viên?
Quy định tại Khoản 1, Điều 17 Luật Công chứng liệt kê các quyền của công chứng viên như sau:
- Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng.
+ Quyền được hành nghề công chứng là quyền của CCV được hoạt động công chứng (chứng thực tính hợp pháp, xác thực, chính xác của hợp đồng, giao dịch, bản dịch) một cách thường xuyên, lâu dài và mang lại nguồn thu nhập chính cho CCV.
- Công chứng viên được tham gia thành lập Văn phòng công chứng (VPCC) hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho Văn phòng công chứng.
+ CCV thành lập VPCC phải tuân thủ quy định về điều kiện thành lập văn phòng công chứng, trong đó, Trưởng Văn phòng phải là thành viên thành lập và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hành nghề.
Thông tin chi tiết về điều kiện để công chứng viên hợp danh được mở văn phòng công chứng theo quy định pháp luật đã được Codon.vn chia sẻ, mời bạn đọc bấm vào link bài Điều kiện thủ tục thành lập văn phòng công chứng để tìm hiểu thêm.
+ Công chứng viên được tự do ký hợp đồng với Phòng/Văn phòng công chứng, nhưng một CCV chỉ làm việc tại một tổ chức hành nghề công chứng.
- Công chứng viên được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.
+ Đây là quyền quan trọng nhất và thể hiện đúng tính chất công việc của CCV.
+ Công chứng là hoạt động chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch.
- Công chứng viên được từ chối công chứng văn bản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
+ Đây là quyền quan trọng để đảm bảo CCV không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng.
+ Sự từ chối phải có căn cứ và phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng.
- Công chứng viên có quyền đề nghị các chủ thể liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho hoạt động công chứng.
+ Quyền này là quyền quan trọng để đảm bảo hoạt động công chứng được diễn ra chính xác, đúng thủ tục, nhanh chóng, hiệu quả.
Ngoài các quyền cơ bản nêu trên, CCV trong quá trình hành nghề được thực phép thực hiện các quyền khác nếu Luật Công chứng và các văn bản quy phạm khác quy định.
Công chứng viên có quyền gì? Thông tin về các quyền và nghĩa vụ của công chứng viên
Công chứng viên mang trên mình rất nhiều các nghĩa vụ, nếu như so với quyền thì nghĩa vụ của CCV nhiều hơn và "nặng nề" hơn.
Cũng tại Điều 17, Luật Công chứng, tại khoản 2 quy định về 09 nghĩa vụ cơ bản của công chứng viên như sau:
- (1) Tuân thủ 04 nguyên tắc hành nghề công chứng được quy định tại Điều 4 Luật Công chứng.
- (2) Chỉ được hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng.
+ Công chứng viên chỉ làm việc dưới một trong các hình thức là công chứng viên của Phòng công chứng/CCV hợp danh của VPCC hoặc Công chứng viên theo hợp đồng lao động tại VPCC.
- (3) Công chứng viên phải tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của người yêu cầu công chứng.
+ Các quyền, lợi ích của người yêu cầu xuất phát từ thời điểm giao kết hợp đồng dịch vụ, nếu xảy ra tranh chấp văn bản công chứng, thì CCV phải chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người yêu cầu.
- (4) Giải thích cho người yêu cầu công chứng biết quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, ý nghĩa, hậu quả pháp lý của công chứng, giải thích rõ lý do nếu từ chối yêu cầu công chứng.
+ Các quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người yêu cầu công chứng không được quy định tập trung trong Luật Công chứng mà được quy định phân bố trong các điều luật, gắn với các giai đoạn, hoạt động công chứng cụ thể.
+ Việc giải thích thông thường được thực hiện trực tiếp giữa CCV và người yêu cầu.
- (5) Phải giữ bí mật về nội dung công chứng. Trường hợp được người yêu cầu đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác thì không cần phải thực hiện nghĩa vụ này.
+ Đây là nghĩa vụ quan trọng liên quan đến đạo đức hành nghề công chứng buộc CCV phải thực hiện, để đảm bảo sự an toàn pháp lý triệt để trong các giao dịch công chứng.
- (6) Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tại một trong 02 tổ chức: Hội công chứng viên hoặc Hiệp hội công chứng viên Việt Nam hoặc Học viện Tư pháp với thời gian ít nhất là 02 ngày làm việc/năm.
(Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất Học viện tư pháp được phép đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề tư pháp cho các công chứng viên. Thông tin chi tiết về lịch sử thành lập, chức năng và các khoa đào tạo của ngôi trường này đã được wikipedia.org tổng hợp, chia sẻ, mời bạn đọc bấm vào bài viết này để tìm hiểu thêm)
- (7) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, người yêu cầu về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của VPCC mà mình làm CCV hợp danh.
+ Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của công chứng viên và cũng là lý do để pháp luật đặt ra các quy định khắt khe về tiêu chuẩn trở thành công chứng viên.
+ Nghĩa vụ này được xây dựng dựa trên nghĩa vụ bảo vệ quyền, lợi ích của người yêu cầu công chứng.
- (8) Tham gia Hội công chứng viên (cấp tỉnh).
Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên tại địa phương.
- (9) Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên mà mình mà thành viên.
+ Đây là nghĩa vụ cơ bản, phù hợp với quy định về tổ chức và quản lý trong "doanh nghiệp', "hội".
Nghĩa vụ công chứng viên là gì? Tìm hiểu nhiệm vụ của công chứng viên theo quy định của pháp luật hiện hành
Nghĩa vụ là yêu cầu bắt buộc đối với công chứng viên, làm trái với nghĩa vụ là hành vi vi phạm pháp luật và theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, công chứng viên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở một số hành vi cụ thể:
- Không tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm (nếu không có quy định khác).
- Không giải thích cho người yêu cầu công chứng.
- Tiết lộ nội dung công chứng.
Mức phạt: Từ 07 triệu - 10 triệu đồng.
- Từ chối yêu cầu công chứng không có lý do chính đáng:
Mức phạt: Từ 03 triệu - 07 triệu đồng.
Xử lý vi phạm nghĩa vụ của công chứng viên chủ yếu được ghi nhận tại Điều 15 Nghị định 82 về hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng, với mức phạt thấp nhất là 01 triệu đồng và cao nhất là 25 triệu đồng, ngoài ra tùy từng hành vi còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng thẻ công chức, tịch thu tang vật.
Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên đã được Blog Codon.vn tổng hợp, giới thiệu ở bài viết trên đây. Cá nhân, cơ quan, tổ chức cần lưu ý, quyền của công chứng viên là nghĩa vụ của người yêu cầu và ngược lại, vì vậy, cần nắm được các quy định về nghĩa vụ của công chứng viên để bảo đảm quyền, lợi ích của mình.