Quyền tác giả là gì? Quy định về bảo hộ quyền tác giả là một trong những câu hỏi được đặt ra rất nhiều trong bối cảnh hiện nay khi xảy ra không ít những tranh chấp có liên quan đến quyền tác giả. Tại chuyên mục Blog sẽ chia sẻ với bạn đọc về nội dung này
Khái niệm bảo hộ quyền tác giả, quy định về bảo hộ quyền tác giả mới nhất
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: "Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu"
Theo đó, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo hộ quyền tác giả bao gồm những chủ thể sau:
- Người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm (cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật).
- Chủ sở hữu quyền tác giả.
- Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được hướng dẫn bởi Nghị định 22/2018/NĐ-CP) gồm có:
(1) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và những tác phẩm khác được thể hiện bằng chữ nổi hoặc những ký hiệu tốc ký, các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà đối tượng tiếp cận có thể sao chép dưới nhiều hình thức khác nhau.
(2) Tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định (bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác).
(3) Tác phẩm báo chí, bao gồm các thể loại như: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
(4) Tác phẩm âm nhạc.
(5) Tác phẩm sân khấu gồm có: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
(6) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự.
(7) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng
(8) Tác phẩm nhiếp ảnh.
(9) Tác phẩm kiến trúc, gồm có: bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình/tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh, công trình kiến trúc.
(10) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học, gồm có: họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.
(11) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, gồm có: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian.
(12) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
(13) Tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả khi không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Để được bảo vệ những quyền này một cách tốt nhất, tác giả/chủ sở hữu nên tiến hành đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Những chủ thể có những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì cần phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả năm 2022 theo quy định của pháp luật.
Bảo hộ quyền tác giả là gì? Quyền tác giả phát sinh khi nào
Tại Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả bao gồm: quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân gồm có những quyền sau:
1- Quyền đặt tên cho tác phẩm: tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm do mình sáng tạo ra (trừ những tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì không áp dụng quyền đặt tên cho tác phẩm)
2- Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm: tức là người sáng tác, tác giả của tác phẩm có quyền đứng tên thật trên tác phẩm hoặc có thể sử dụng bút danh của mình để nêu trong tác phẩm (kể cả trường hợp nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng)
3- Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm: tức là tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện việc phát hành những tác phẩm này thành nhiều bản với số lượng nhất định đến với công chúng để đáp ứng nhu cầu của người dùng (trường hợp việc phát hành do cá nhân, tổ chức khác thực hiện thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả).
Lưu ý: quyền công bố tác phẩm không bao gồm những hoạt động sau: trình diễn 1 tác phẩm trên sân khấu, đọc một tác phẩm văn học trước công chúng hay phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật nào đó hoặc trưng bày tác phẩm tạo hình hoặc xây dựng công trình từ những tác phẩm kiến trúc đã có.
4- Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm: đây là đặc quyền của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả không cho phép bất kỳ một ai được sửa chữa, cắt xén hoặc thêm bớt tác phẩm, nâng cấp chương trình máy tính dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Trường hợp nếu muốn sửa chữa, nâng cấp hoặc có những hành vi tương tự thì cần phải sự đồng ý, thỏa thuận với tác giả.
Đối với tác giả, chủ sở hữu tác giả độc quyền có thể thực hiện những quyền sau đây hoặc có thể cho phép người khác thực hiện theo quy định của pháp luật:
1- Quyền làm tác phẩm phái sinh: tức là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (hoặc người khác khi có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả) có thể làm tác phẩm phái sinh (dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) từ những tác phẩm gốc.
2- Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm của mình trước công chúng (biểu diễn trực tiếp, gián tiếp, thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc các phương tiện kỹ thuật khác) để công chúng dễ dàng tiếp cận được ở bất cứ nơi nào.
3- Quyền sao chép tác phẩm: là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tự thực hiện hoặc cho phép người khác sao chép từ tác phẩm của mình ra các bản sao bằng những phương tiện, hình thức bất kỳ.
4- Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm: là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tự thực hiện hoặc cho phép người khác phân phối bản gốc/bản sao tác phẩm để công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê, chuyển nhượng bản gốc/bản sao tác phẩm.
5- Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác: tức là chủ sở hữu quyền tác giả có quyền thực hiện hoặc cho người khác thực hiện để đưa tác phẩm (bao gồm cả bản sao tác phẩm) đến với công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm, thời gian do chính họ lựa chọn.
6- Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính: tức là chủ sở hữu quyền tác giả có quyền thực hiện hoặc có thể cho phép người khác thực hiện việc cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính để khai thác, sử dụng có thời hạn.
Theo quy định của pháp luật, quyền tác giả được bảo hộ trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào từng loại tác phẩm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc xem tại bài viết thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Căn cứ Khoản 2 Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, đối với các trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện tối đa 01 bản. Đồng thời, thư viện không được phép sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Tại Điều 25 Nghị định 22/20218/NĐ-CP quy định, chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những chủ thể sau:
(1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam
(2) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.
(3) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.
(4) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tổng hợp về những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, bạn đọc xem thêm tại bài viết các loại tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả
Như vậy, tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và những văn bản hướng dẫn có liên quan đã quy định rất cụ thể, chi tiết về "Quyền tác giả là gì? Quy định về bảo hộ quyền tác giả". Từ đó, mọi người biết cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có những tác phẩm đưa đến công chúng.