Mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ

Mang thai hộ đang trở thành xu hướng tại Việt Nam xuất phát từ nhiều lý do. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp mang thai hộ đều được pháp luật công nhận mà phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Vậy mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ có gì đặc biệt?

mang thai ho la gi dieu kien mang thai ho

Khái niệm mang thai hộ là gì? Tìm hiểu quy định về điều kiện để được nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014

Mục Lục bài viết:
1. Mang thai hộ là gì?
2. Điều kiện mang thai hộ.
2.1. Điều kiện chung.
2.2. Điều kiện đối với vợ chồng nhờ người mang thai hộ.
2.3. Điều kiện đối với người được nhờ mang thai hộ.
2.4. Điều kiện để cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
3. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
4. Thủ tục mang thai hộ 2022.
5. Chi phí mang thai hộ.

Lưu ý: Hiện nay, quy định về việc mang thai hộ chịu sự điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Để hiểu tổng quan về định nghĩa, các chủ đề nghiên cứu của Bộ luật này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trên Cổng bách khoa toàn thư mở wikipedia.org qua bài viết này.

1. Mang thai hộ là gì?

- Mang thai hộ được hiểu chung nhất là để một người phụ nữ khác mang thai và sinh con cho cặp vợ chồng có nhu cầu có con.

- Căn cứ vào mục đích, mang thai hộ được chia thành 02 loại:

+ Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là trường hợp theo giải thích tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HN&GĐ), Điều 3, Khoản 22 là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con kể cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

+ Mang thai hộ vì mục đích thương mại: được xác định khi người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để nhận một lợi ích kinh tế hoặc một lợi ích khác.

Ở Việt Nam, chỉ công nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và phải đáp ứng các điều kiện luật định.

Chính vì cách phân loại này mà trong thực tiễn, người ta vẫn thường sử dụng thuật ngữ "mang thai hộ" và "đẻ thuê" để cho thấy sự khác nhau. Để không bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này, bạn đọc có thể xem bài chia sẻ phân biệt đẻ thuê và mang thai hộ của Codon.vn.

mang thai ho la gi dieu kien mang thai ho 2

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì? Mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì?

2. Điều kiện mang thai hộ.

- Như đã nói ở mục 1, Ở Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhận đạo, do đó, điều kiện để được mang thai hộ được phân tích trong mục này là điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Căn cứ vào quy định tại Điều 95, Luật HN&GĐ và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP; Nghị định 98/2016/NĐ-CP, điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xác định như sau:

2.1. Điều kiện chung.

Vợ chồng nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng 02 điều kiện chung:

- Yếu tố ý chí: Cả hai bên phải tự nguyện và được thể hiện thông qua văn bản. Mẫu văn bản thỏa thuận là mẫu số 06 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.

- Yếu tố kỹ thuật: Việc mang thai hộ không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Yếu tố thủ tục: Đã được cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý (Phải có bản xác nhận nội dung tư vấn để chứng minh).

2.2. Điều kiện đối với vợ chồng nhờ người mang thai hộ.

Cặp vợ chồng chỉ có quyền nhờ mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã được xác nhận về việc người vợ không thể mang thai và sinh con kể cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở y tế có thẩm quyền (tuyến tỉnh trở lên).

- Vợ chồng đang không có con chung, được UBND cấp xã xác nhận.

2.3. Điều kiện đối với người được nhờ mang thai hộ.

So với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, thì người được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn, cụ thể:

- Người được nhờ mang thai hộ là anh, chị, em cùng cha cùng mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ, cùng cha, khác mẹ của một bên vợ hoặc một bên chồng nhờ mang thai hộ.

-Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ 01 lần.

- Ở độ tuổi phù hợp (từ 21-35 tuổi) và có xác nhận của cơ sở y tế về khả năng mang thai.

2.4. Điều kiện để cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Để việc mang thai hộ được công nhận, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ phải thỏa thuận và lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện.

- Tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP ghi nhận 02 điều kiện như sau:

+ Tính từ ngày được Bộ y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh đã có tối thiểu 02 năm thực hiện kỹ thuật này.

+ Ít nhất 1000 chu kỳ/năm trong vòng 02 năm đối với tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm.

mang thai ho la gi dieu kien mang thai ho 3

Điều kiện mang thai hộ là gì? Người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ cần đáp ứng điều kiện gì?

Liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhiều người băn khoăn không biết sự kiện mang thai này có vi phạm pháp luật không? Có bị phạt không? Nếu cũng có thắc mắc tương tự, bạn đọc có thể xem bài mang thai hộ vì mục đích thương mại có đi tù không để tìm hiểu thêm.

3. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Điều 94 Luật HN&GĐ quy định rõ: Kể từ thời điểm con được sinh ra từ người được nhờ mang thai hộ thì con được xác định là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

- Trường hợp sinh con nhưng chưa giao con mà cả hai vợ chồng nhờ mang thai hộ chết/mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi, nếu không nhận nuôi thì việc giám hộ, cấp dưỡng được thực hiện dựa trên mối quan hệ với vợ chồng nhờ mang thai hộ.

- Trường hợp có tranh chấp về xác định cha mẹ, con hay bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải làm thủ tục khai sinh tại UBND cấp xã và phải được vào sổ hộ tịch.

4. Thủ tục mang thai hộ 2022.

- Thủ tục mang thai hộ được thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

- Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ gửi hồ sơ đề nghị tới cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP bao gồm:

+ Đơn đề nghị (Mẫu 04, Nghị định 10).

+ Bản cam kết tự nguyện của hai bên (Mẫu 05, Nghị định 10).

+ Bản cam đoan của người được nhờ mang thai hộ về việc chưa mang thai hộ lần nào.

+ Bản xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng về tình trạng chưa có con chung.

+ Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản về việc người vợ không thể mang thai.

+ Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, người nhận phôi, đã từng sinh con.

+ Bản xác nhận của UBND cấp xã chứng minh mối quan hệ thân thích.

+ Trường hợp người mang thai hộ đã có chồng thì phải có bản xác nhận của chồng.

+ Bản xác nhận nội dung tư vấn pháp lý, tâm lý, y tế.

+ Bản thỏa thuận mang thai hộ giữa các bên (Mẫu 06, Nghị định 10).

- Sau khi nhận đủ hồ sơ từ vợ chồng nhờ mang thai hộ, cơ sở y tế phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ trong thời hạn 30 ngày.

mang thai ho la gi dieu kien mang thai ho 4

Hồ sơ, thủ tục mang thai hộ cần những gì?

5. Chi phí mang thai hộ.

Chi phí mang thai hộ thuộc trách nhiệm của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đó là các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bên mang thai hộ theo quy định tại Thông tư 36/2016/TT-BYT.

- Chi phí mà vợ chồng nhờ mang thai hộ phải chi trả là:

+ Chi phí đi lại cơ sở y tế để thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến mang thai hộ: chi phí này được xác định dựa trên giá vé, hóa đơn, giấy biên nhận thanh toán.

+ Chi phí liên quan đến y tế: Chi phí thực hiện dịch vụ; chi phí các loại thuốc, máu,...được xác định theo hóa đơn, chứng từ thanh toán tại cơ sở y tế.

+ Chi phí dinh dưỡng: xác định theo hóa đơn hoặc giấy biên nhận.

- Ngoài các chi phí trên, các chi phí khác được 02 bên thỏa thuận và phải ghi nhận trong văn bản.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là chính sách trọng tâm liên quan đến hôn nhân và gia đình tại Việt Nam, giúp các cặp vợ chồng vô sinh có điều kiện được có con, xác lập gia đình lâu dài và bền vững. Hy vọng những thông tin về mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộBlog Codon.vn chia chia sẻ sẽ cung cấp thông tin hữu ích, giúp bạn đọc có những lựa chọn mang thai hộ, nhờ mang thai hộ đúng pháp luật.

Bài liên quan